Trước dịch Covid, công nhân Việt Nam đã làm việc kiệt sức và lương ‘dưới đáy châu Á’

Link Video: https://youtu.be/vyVdEhSmmsY

Khi nói tới nền kinh tế Việt Nam, người ta hay ví von nước này bằng những từ ngữ như con hổ, con rồng châu Á do những thành tựu kinh tế với tăng trưởng GDP hàng năm gần đây quãng 6-7%.

Ngay trong năm 2020, khi dịch Covid bùng phát khắp nơi trên thế giới, tăng trưởng vẫn cao ở mức quãng 2,7%, đó là một thành tích mà chỉ vài nước trên thế giới đạt được.

Đầu năm 2021 Ngân hàng Phát triển Á châu dự báo tăng trưởng kinh tế của VN sẽ ở mức 6,7%, nay dưới ảnh hưởng của dịch Covid cũng còn được ở mức 5,8% .

Đằng sau những con số mỹ miều không mấy ai trong chúng ta ý thức rằng mồ hôi và nước mắt của những người lao động đã góp sức tạo nên những giá trị thặng dư đó.

Trong thời kỳ virút Covid hoành hành, phần nước mắt của họ lại nhiều lên gấp bội.

Trong bài viết này, tôi xin trích các nguồn chính thức để vẽ ra bức tranh khốn khó của người công nhân Việt Nam trước khi có dịch Covid.

Bài sau sẽ đi vào vấn đề họ là nạn nhân của dịch Covid ra sao, từ góc độ kinh tế.

Công ty Cổ phần May mặc Bình Dương, thị xã Thuận An, tỉnh Bình Dương chuyên may các sản phẩm áo sơ mi, quần jeans, quần âu xuất khẩu sang thị trường Hoa Kỳ.

Tiền lương tối thiểu không bảo đảm đời sống tối thiểu

Trên nguyên tắc, nhà nước VN không can thiệp vào thỏa thuận tiền lương được thương lượng giữa người chủ doanh nghiệp và người lao động.

Tuy nhiên cũng có một mức lương tối thiểu cho những công việc giản đơn nhất, được Hội đồng tiền lương quốc gia ấn định. Hội đồng này bao gồm đại diện của bộ Lao động, thương binh và xã hội, đại diện của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, đại diện của một số tổ chức đại diện người sử dụng lao động và chuyên gia độc lập.

Mức lương tối thiểu này hiện nay cụ thể dao động vào quãng 4,4 triệu – 3,07 triệu VND, tùy theo vùng sinh hoạt thành thị hay nông thôn.

Người chủ xí nghiệp sẽ dựa vào mức tối thiểu này để trả lương và trả thêm phụ cấp độc hại, tay nghề và vài phúc lợi khác như đài thọ bữa ăn trưa, một vài xí nghiệp có xe đưa rước, có ký túc xá.

Ở Việt Nam, nhân viên cán bộ nhà nước làm việc 40 tiếng/tuần 5 ngày, nhưng Luật lao động lại ấn định công nhân làm việc 48 tiếng/tuần, 6 ngày dù công nhân làm việc nặng nhọc. Mặc dù vậy, tiền lương công nhân không đủ để trang trải cuộc sống.

Theo khảo sát năm 2018 của Trung tâm Phát triển và Hội nhập (CDI), được báo Lao Động đăng thì:

Từ năm 2010 thu nhập của người lao động có tăng lên nhưng so với thay đổi về nhu cầu và mặt bằng chung hiện nay còn thấp. Lương cơ bản trung bình của người lao động khoảng 5.119.000 VND/tháng nhưng mức chi trung bình trên 5,2 triệu/tháng. Mức chi cơ bản lớn hơn mức lương cơ bản“.

Để đáp ứng nhu cầu đời sống tối thiểu, người lao động buộc phải làm thêm giờ, gọi là tăng ca. Do đó trên thực tế, ít ra là 1/3 tổng số công nhân làm việc nhiều hơn 48 giờ/tuần. Việc làm tăng ca này được giới hạn theo luật pháp, nhưng nhiều xí nghiệp buộc công nhân làm nhiều giờ phụ trội vượt quá giới hạn.

Họ lách luật bằng cách làm 2 phiếu lương: 1 phiếu lương thực tế và 1 phiếu lương ảo chỉ để trưng ra khi bị kiểm soát. Cuối cùng công nhân phải làm quần quật từ sáng đến tối, từ ngày này qua ngày khác, từ tháng này tới tháng khác…, nhưng vẫn phải chấp nhận làm việc nhiều, bởi đó là cách duy nhất để sống còn.

Hiện tượng này tuy cũng được Nhà nước nhận thấy, song không tìm giải pháp để cải thiện.

Một quan chức nhà nước nhận xét, xin trích theo báo Lao Động:

Tôi đi Bình Dương thấy rất đau lòng, công nhân thì gầy gò, ốm yếu nhưng vẫn xin được làm thêm giờ dù không bảo đảm sức khỏe. Nhưng như vậy, chẳng khác nào người lao động lúc trẻ bỏ sức ra kiếm tiền, già lại phải bỏ tiền mua sức khỏe. Trách nhiệm của nhà nước là ở chỗ này. Cơ quan y tế người ta cũng bảo làm thêm liên tục 50 giờ là sức khỏe sẽ rất có vấn đề. Vì vậy, 40 giờ là tột đỉnh rồi“, ông Bùi Sỹ Lợi nhấn mạnh.

Để so sánh: Myanmar có chế độ 44 tiếng/tuần, ít hơn Việt Nam.

Việt Nam hiện là một trong số 44 quốc gia trên Trái đất còn giữ chế độ làm việc 48 tiếng/tuần. Tuy nhiên không hẳn là số giờ làm việc nhiều là vấn đề, bởi vì có một số quốc gia tuy đã phát triển nhưng vẫn làm việc nhiều như Hàn Quốc (52 giờ/tuần) hay Singapore (60 giờ/tuần), mà vấn đề cốt lõi ở đây là tiền lương quá thấp.

Chúng ta hãy so sánh tiền lương của quãng 2,7 triệu công nhân ngành may mặc ở Việt Nam và ở vài quốc gia khác dựa theo dữ liệu năm 2020 của tổ chức „Fair wear foundation

Người công nhân may mặc ở những thành phố lớn như Hà Nội, Sài Gòn (vùng 1) lãnh lương căn bản là hơn 4,9 triệu/tháng VND cộng với phụ cấp về tay nghề và điều kiện làm việc độc hại, tổng cộng là hơn 6,1 triệu/tháng VND. Với số giờ làm 48 tiếng/tuần, lương mỗi phút làm việc là 533 VND, tính ra tiền USD là 0,0229 USD/phút (= 1,374 USD/giờ).

Ở nơi hẻo lánh, “vùng sâu vùng xa” (vùng 4), lương căn bản của công nhân là hơn 3,4 triệu/tháng VND, cộng với phụ cấp được hơn 4,2 triệu/tháng, lương 1 phút là 370 VND, tương đương 0,0159 USD/phút (= 0,95 USD/giờ).

Mức lương công nhân nghề may mặc ở các quốc gia khác, ví dụ như Thổ Nhĩ Kỳ là 0,0596 USD/phút, như Romania là 0,159 USD/phút, Bangladesh 0,0201 USD/phút, Myanmar 0,0161 USD/phút.

So sánh như vậy để thấy rằng các nhãn hiệu quần áo ở Âu châu hay Mỹ châu trả lương cho công nhân Việt Nam qua các xí nghiệp may mặc chỉ bằng 1/10 lương công nhân ở xứ hậu cộng sản Romania hay 1/3 lương ở Thổ Nhĩ Kỳ, và chỉ tương đương với công nhân Bangladesh, Myanmar.

Điều nghịch lý ở đây là sau quá nửa thế kỷ năm áp dụng chế độ danh nghĩa là ‘xã hội chủ nghĩa’ ở Việt Nam, từ 1975 trên cả nước tới nay, nơi mà giai cấp công nhân là “thành trì của chế độ“, là “giai cấp tiên phong trong sự nghiệp xây dựng xã hội chủ nghĩa“, mà lương bổng công nhân không hơn gì công nhân ở những xứ chậm tiến nhất thế giới như Bangladesh, Myanmar.

Đây có phải là một lý do nhiều người trẻ liều chết bỏ nước sang các nước khác tìm việc, bất kể là làm gì để có thu nhập khá hơn?

Khắp nơi đó đây, trên truyền thông chính thức hay mạng xã hội, có nhiều thông tin giúp chúng ta có một cái nhìn về đời sống của công nhân ở Việt Nam:

Chị Lương Thị Liên, khu công nghiệp Hưng Yên chia sẻ: Công việc tại công ty thường kết thúc khá muộn. Về đến nhà ai cũng mệt lả và gần như kiệt sức sau một ngày làm việc. Họ nói về việc phải vội vàng đi vệ sinh để quay về nơi làm việc và không sử dụng giờ nghỉ giải lao để tranh thủ làm, vậy mà họ vẫn không hoàn thành định mức mỗi ngày. Họ không có thời gian chăm sóc con cái, hay về thăm cha mẹ ở quê và không có thời gian dành cho giao lưu với bạn bè.” trích theo báo Lao Động.

Ngay báo Nhân Dân của ĐCS VN cũng viết về một công nhân:

Rời Yên Bái ra Hà Nội làm công nhân may đã hơn 5 năm, tổng thu nhập của Nguyễn Thị Mến (công nhân một công ty may đặt tại quận Hoàng Mai, Hà Nội) hiện đạt 4,5 triệu đồng. Dù còn độc thân, chưa vướng bận gia đình, nhưng cuộc sống của Mến khá chật vật. Tiền nhà, tiền điện nước, tiền ăn uống, sinh hoạt… đủ các thứ phải chi tiêu, trong khi giá cả tiêu dùng thì đắt đỏ…”.

Con gái chưa chồng nhưng nhiều lúc muốn mua chiếc áo mới, hay thỏi son, chút nước hoa làm điệu cũng không dám vì thấy nó xa xỉ quá, Mến chia sẻ.”

Bà Kim Thị Thu Hà – Giám đốc điều hành Trung tâm Phát triển và Hội nhập (CDI)- cho biết: Mức lương tối thiểu theo quy định của Việt Nam thấp hơn nhiều so với mức lương một người cần để trang trải các chi phí cần thiết như thực phẩm, nhà ở, chăm sóc sức khỏe và giáo dục. Nhưng ngay cả khi mức lương mà hầu hết công nhân kiếm được cao hơn mức lương tối thiểu quốc gia cũng chưa bằng mức lương được coi là lương đủ sống.

Tổn hại sức khoẻ lâu dài

Một thực tế ở Việt Nam hiện nay, theo chính các tờ báo chính thống là người lao động phải làm nhiều việc mới đủ sống.

Đồng lương tối thiểu không đáp ứng được nhu cầu sống tối thiểu, buộc người lao động phải cắt giảm chi phí hoặc tăng thời gian làm thêm giờ để tăng thu nhập.

Càng tăng giờ làm thêm thì sức khỏe càng tiêu hao nhanh, mức độ tiêu hao sức khỏe sẽ tỉ lệ thuận với tăng thời gian làm thêm. Khi người lao động càng làm thêm giờ nhiều thì càng ít thời gian tái tạo sức khỏe dẫn đến ốm yếu, bệnh tật. Mặt khác, khi có thể yêu cầu người lao động làm thêm giờ thì càng nhiều người sử dụng lao động không muốn tuyển dụng thêm lao động, ” vẫn nguồn trên cho biết.

Kết quả nghiên cứu khảo sát của Oxfam và nhóm chuyên gia thuộc Viện Công nhân và Công Đoàn năm 2019 về “Tiền lương không đủ sống và hệ lụy” của công nhân ngành dệt may cho thấy, có tới 69% công nhân cho biết họ không có đủ tiền để trang trải nhu cầu sinh hoạt của mình.

Báo Nhân Dân viết:

Tiền lương không đủ sống cũng dẫn đến các hệ lụy như 31% số lao động không tiết kiệm được gì từ tiền lương, 37% luôn ở trong tình trạng vay nợ từ bạn bè, người thân để bù đắp thiếu hụt chi tiêu, 96% không bao giờ hoặc hiếm khi đi ăn hàng. Đặc biệt, có 23% số công nhân đang sống trong các điều kiện nhà ở tạm bợ và 44% cho biết đang sử dụng nước giếng và nước mưa.”

Công nhân ngành dệt may, giày dép, đồ gỗ có mức lương tồi tệ nhất.

Ở những ngành nghề khác, lương công nhân có khá hơn, song cũng không vượt trội, bởi theo thống kê chỉ có quãng 10% công nhânViệt Nam là có tay nghề vững vàng, được lãnh số lương cao tương xứng.

Tiền lương, đời sống công nhân VN khi rơi vào đại dịch Covid là một vấn đề lớn, khi giãn việc, nghỉ luân phiên, giảm lương, nghỉ không lương…là các biện pháp chủ lao động áp dụng, theo Tổ chức Lao động Quốc tế.

Tính đến tháng 12/2020, cả nước có 32,1 triệu người từ 15 tuổi bị ảnh hưởng tiêu cực bởi đại dịch, quý II/2021, có 12,8 triệu người bị ảnh hưởng, theo thống kê chính thức.

Đại dịch đang tác động xấu đến giai cấp công nhân VN và đó sẽ là vấn đề chúng tôi đánh giá trong bài sau.

T.K. TRAN

Gửi bài từ Stuttgart, Đức

Ngun: https://www.bbc.com/vietnamese/forum-58056274

Kasse animation 7.8.2023