Mỹ muốn lĩnh vực công nghệ không có mặt của Trung Quốc

Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo sẽ đi châu Âu vào tuần tới

Ngoại trưởng Mỹ Pompeo sẽ đến châu Âu vào tuần tới. Ông đòi hỏi các mạng dữ liệu không có sự tham gia của các công ty Trung Quốc. Washington cũng can thiệp vào cuộc tranh cãi bế tắc về mạng 5G của Đức.  

Lĩnh vực công nghệ đã trở thành chiến trường trong cuộc xung đột quyền lực lớn giữa Mỹ và Trung Quốc. Các biện pháp của Mỹ đối với ứng dụng nổi tiếng của Trung Quốc Tiktok và nhà sản xuất công nghệ Huawei không phải là những sáng kiến ​​đơn lẻ, mà là một phần của cuộc tấn công chính sách kinh tế toàn diện nhằm đẩy lùi ảnh hưởng của Trung Quốc đối với cơ sở hạ tầng kỹ thuật số toàn cầu. 

Cho chiến dịch này, Ngoại trưởng Hoa Kỳ Mike Pompeo cũng muốn chiêu mộ các đồng minh của Hoa Kỳ. Biện pháp mới nhất của ông: Sáng kiến ​​đang tiến hành về các „mạng sạch“ sẽ được mở rộng. Mục tiêu là các mạng có thể thiết lập mà không cần công nghệ Trung Quốc.

Hôm thứ Tư 5-8-2020, ông Pompeo nói rằng ý định của ông là để bảo vệ “phạm vi riêng tư của người dân chúng ta và những thông tin nhạy cảm nhất của các công ty chúng ta trước sự xâm phạm hung hăng của các tác nhân thâm hiểm như Đảng Cộng sản Trung Quốc“. Pompeo hình dung về các mạng sạch như sau, dữ liệu của công dân Mỹ không còn có thể được lưu trên máy chủ của các nhà cung cấp đám mây Trung Quốc và các ứng dụng Mỹ không còn có thể được cài đặt trên điện thoại thông minh Trung Quốc.

Ngược lại, các cửa hàng ứng dụng (App-Store) của Mỹ nên được quét sạch bằng cách cấm tất cả các ứng dụng “không đáng tin cậy” có nguồn gốc từ Trung Quốc. Ngoài ra cũng cần phải cải thiện việc bảo vệ các tuyến cáp dưới biển truyền dữ liệu Internet.

Trọng tâm của chiến dịch Hoa Kỳ vẫn là các mạng 5G hiện đang được thiết lập trên toàn thế giới. Tiêu chuẩn mạng mới cho phép truyền một lượng lớn dữ liệu trong thời gian thực và giúp các công nghệ trong tương lai như lái xe tự động và y học từ xa tạo ra bước đột phá.

Do đó, mạng 5G được coi là hệ thống thần kinh của nền kinh tế kỹ thuật số trong tương lai – và là mục tiêu tiềm năng cho các cuộc tấn công mạng và gián điệp.

Từng bước dần dần loại bỏ khỏi các mạng

Pompeo sẽ đến châu Âu vào tuần tới. Ngoài đề tài gây tranh cãi giảm số lượng binh sĩ Mỹ đóng quân ở châu Âu, đề tài trao đổi chính yếu là các mạng sạch. Gần đây nhất, Anh và Pháp đã quyết định loại bỏ dần từng bước các thiết bị Trung Quốc (Huawei) ra khỏi mạng 5G của họ. Hôm thứ Tư, Romania cũng đề xuất các tiêu chuẩn an toàn mà các nhà cung cấp thiết bị Trung Quốc khó có thể đáp ứng.

Tại Đức từ nhiều tháng nay, chính phủ liên bang đã không thể giải quyết xong tranh cãi về 5G. Gần đây nhất đã có các cuộc nói chuyện không chính thức giữa các bộ, kể cả với Văn phòng Thủ tướng, nhưng cũng không dẫn đến một bước đột phá.

Bộ Ngoại giao Đức (Ngoại trưởng Maas thuộc đảng SPD) và khối nghị sĩ đảng SPD trong Quốc hội Liên bang Đức kiên quyết rằng các linh kiện của Huawei và các công ty Trung Quốc khác sẽ bị loại bỏ trên các mạng của Đức trong tương lai. Thủ tướng Angela Merkel và Bộ trưởng Kinh tế Peter Altmaier (cả hai thuộc đảng CDU) muốn ngăn cản ý định của đảng SPD vì lo ngại về mối quan hệ với Trung Quốc [chú thích của người dịch: lo ngại Trung Quốc trả đủa, chẳng hạn cấm xe ô tô của Đức]. Cho đến nay, công nghệ của Huawei đã có mặt trong cả ba mạng di động lớn của Đức. Do đó, Deutsche Telekom, Vodafone và Telefónica O2 cũng cảnh báo về việc loại bỏ Huawei.

Sự thúc giục của người Mỹ không làm cho việc thống nhất ý kiến ​​ở Berlin dễ dàng hơn. Thorsten Benner, người đứng đầu Viện Chính sách Công Toàn cầu ở Berlin, cho biết sáng kiến ​​của Pompeo về mạng sạch là “không thể đáng tin và được thúc đẩy bởi ý thức hệ“. “Về cuộc tranh cãi 5G, nó có hiệu quả phản tác dụng khiến nhiều người Đức có ấn tượng rằng châu Âu phải lựa chọn giữa Mỹ và Trung Quốc.” Nhưng không phải là vậy.

Lợi thế cho các nhà sản xuất châu Âu

Trên thực tế, các nhà cung cấp ở Mỹ không đóng vai trò quan trọng trong thị trường 5G. Các đối thủ cạnh tranh chính của Trung Quốc là các nhà cung cấp châu Âu Ericsson và Nokia. Câu hỏi đặt ra là liệu châu Âu tin tưởng vào kỹ năng công nghệ của chính mình – hay tin tưởng vào kỹ năng công nghệ của người Trung Quốc.

Vận động của ông Pompeo cho thấy đó chính là lợi ích của người Mỹ“, chính trị gia đảng Xanh Franziska Brantner nói. „Tuy nhiên, đó cũng là lợi ích sâu xa của châu Âu. Các nhà cung cấp thay thế Huawei không phải là Mỹ, mà là châu Âu“. Bà Thủ tướng Merkel „rốt cuộc phải đặt cược vào năng lực châu Âu và nhân lực châu Âu“.

Christoph Matschie, chính trị gia đảng SPD, nhấn mạnh: “Chúng ta phải đưa ra quyết định của riêng mình và không nên để bị tác động bởi áp lực của Hoa Kỳ.” Châu Âu phải bảo vệ chủ quyền kỹ thuật số của mình “và điều đó cũng có nghĩa là trở nên độc lập hơn với Trung Quốc và Huawei“.

Trong chương trình đến châu Âu của Pompeo không có dự định sẽ đi thăm Đức. Quan hệ giữa chính phủ Trump và Cộng hòa Liên bang Đức đã bị hủy hoại. 90 ngày trước cuộc bầu cử tổng thống Hoa Kỳ, có thể thấy rõ Berlin hy vọng rằng Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump sẽ thất bại trước đối thủ đảng Dân Chủ Joe Biden.

Tuy nhiên có một điều chắc chắn: Không chỉ chính phủ Trump, mà chính phủ Biden cũng sẽ áp lực với các đồng minh. Thông điệp của Pompeo đã đến Thung lũng Silicon. Vào tháng 1 năm nay, trước „nhóm lãnh đạo Thung lũng Silicon“ – giới tinh hoa công nghệ – ông Pompeo đã tuyên bố: “Bảo vệ tự do và an ninh quốc gia của chúng ta không chỉ là nhiệm vụ của chính phủ, mà là của mỗi một người dân“, Pompeo đã nói chuyện về lương tâm với các lãnh đạo hàng đầu của Google, Facebook và Co. tại San Francisco.

Ngay sau đó, Eric Schmidt, sếp cũ của Google, đã trả lời bằng một tiếng kêu cứu đầy bất ngờ: “Washington, chúng tôi gặp vấn đề (Trung Quốc)!” Trong những năm qua, người Mỹ – bao gồm cả các nhà lãnh đạo của Thung lũng Silicon – đã đặt quá nhiều tin tưởng vào nền kinh tế tư nhân để đảm bảo sự lãnh đạo toàn cầu của Hoa Kỳ trong công nghệ mới, ông Schmidt đã viết như vậy trong một bài báo đăng trên tờ The New York Times. Trung Quốc sắp vượt Mỹ trong cuộc đua công nghệ. Do đó, nhà nước Mỹ lại phải đóng một vai trò mạnh mẽ hơn trong lĩnh vực công nghệ.

Với tư cách là Chủ tịch „Ủy ban An ninh Quốc gia về Trí tuệ Nhân tạo“ và „Ban Cải tiến Quốc phòng“, Schmidt cũng cảnh báo rằng sự tụt hậu về công nghệ trong sự phát triển của trí tuệ nhân tạo sẽ gây nguy hiểm cho an ninh quốc gia của Mỹ, vì các đối thủ của Mỹ có thể đạt được “lợi thế thương mại và quân sự“.

Sếp của Facebook, Marc Zuckerberg, cũng thể hiện nỗi sợ hãi về Trung Quốc tại một cuộc điều trần trước Quốc hội vào tháng 10 năm 2019 để thu hút các chính trị gia ở Washington về phía mình. Ông Zuckerberg cảnh báo, hiện nay sáu trong số mười nền tảng Internet hàng đầu thế giới là đến từ Trung Quốc, „và họ chắc chắn không chia sẻ các giá trị của chúng ta khi nói đến những việc như tự do ngôn luận“.

Hiếu Bá Linh – Thoibao.de (Biên dịch)

Nguồn:

https://www.handelsblatt.com/politik/international/technologiestreit-die-usa-wollen-china-freien-technologie-sektor/26072740.html?ticket=ST-1046937-nwGLsl4nzDJb3Nb7zEZk-ap3

Kasse animation 7.8.2023