Bắc Kinh đe dọa – Úc quyết “thoát trung”

https://www.youtube.com/watch?v=2X2u5kF9HcA

Đại dịch COVID-19 phủ bóng đen xuống mối quan hệ giữa Trung Quốc và nhiều đối tác quan trọng của Trung Quốc về kinh tế, thương mại và đầu tư với những mức độ quyết liệt khác nhau. Mới đây nhất là mối bất hoà giữa Trung Quốc với Australia. Không chỉ dừng lại ở cuộc khẩu chiến mà Trung Quốc còn phát động những đòn trả đũa thương mại nặng nề lên Úc đẩy mối quan hệ giữa hai nước bước vào giai đoạn căng thẳng.

Kể từ sau khi Australia tuyên bố thúc đẩy một cuộc điều tra độc lập toàn cầu về nguồn gốc của dịch COVID-19, quan hệ Trung Quốc – Australia đã ngày càng trở nên xấu đi với những cuộc khẩu chiến kéo dài suốt 1 tháng qua.

Căng thẳng giữa hai nước mới đây có bước leo thang mới sang lĩnh vực thương mại. Cụ thể, Trung Quốc tuyên bố ngừng nhập khẩu thịt bò từ 4 công ty chế biến lớn nhất của Australia là Kilcoy Pastoral, JBS’s Beef City, Dinmore Plants và Northern Cooperative Meat vì lý do “kỹ thuật”.

Trung Quốc lâu nay vốn là thị trường xuất khẩu thịt bò lớn nhất của Australia, chiếm 30% tổng sản lượng xuất khẩu.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Triệu Lập Kiên (Zhao Lijian) cho biết, việc dừng nhập khẩu thịt bò chỉ “nhằm đảm bảo sức khỏe và sự an toàn của người tiêu dùng Trung Quốc”, song ông Zhao Lijian cũng chỉ trích việc Australia theo đuổi cuộc điều tra về nguồn gốc của dịch COVID-19 khởi phát từ Trung Quốc.

Tiếp đó, ngày 18/5, Bộ Thương mại Trung Quốc thông báo cho biết sẽ áp thuế chống bán phá giá đối với mặt hàng lúa mạch nhập khẩu từ Australia kể từ ngày 19/5, bao gồm 73,6% thuế chống phá giá và 6,9% thuế chống trợ cấp (tổng mức thuế lên tới 80,5%). Hai loại thuế quan trên đối với lúa mạch sẽ có hiệu lực trong vòng 5 năm.

Australia hiện là nhà cung cấp lúa mạch lớn nhất cho Trung Quốc, với giá trị xuất khẩu vào khoảng 1,5-2 tỷ AUD (tương đương 800 triệu-1,3 tỷ USD) mỗi năm, chiếm hơn một nửa kim ngạch xuất khẩu lúa mạch của Australia. Lúa mạch xuất khẩu được sử dụng trong sản xuất bia và làm thức ăn chăn nuôi.

Lý do mà Trung Quốc đưa ra cho việc áp thuế quan đối với lúa mạch Úc là Bộ Thương mại Trung Quốc cho biết, một cuộc điều tra bắt đầu vào năm 2018 và kéo dài 18 tháng đã đi đến kết luận, Australia đã bán phá giá và gây thiệt hại đáng kể cho ngành công nghiệp nội địa của nước này.

Một ngày sau tuyên bố áp thuế đối với lúa mạch Úc, ngày 19/5, Bộ trưởng Nông nghiệp Australia David Littleproud đã lên tiếng khẳng định không hề có cuộc chiến thương mại, cho rằng quá trình điều tra của Trung Quốc đã diễn ra một cách khách quan.

Ảnh: Bộ trưởng Nông nghiệp Australia David Littleproud

Tuy nhiên, truyền thông quốc tế cho biết trước đó các cơ quan chức năng Trung Quốc đã đề xuất mức thuế 56,14%. Một số ý kiến cho rằng mức thuế cao hơn hẳn so với dự kiến ban đầu là minh chứng cho thấy động thái của Trung Quốc liên quan chặt chẽ với quan điểm chính trị của Australia về việc điều tra nguồn gốc COVID-19.

Luật sư kinh tế Weihuan Zhou thuộc Trung tâm Herbert Smith Freehills, Đại học New South Wales nhận định, về bản chất, khoản thuế cần phải đủ cao để loại bỏ sản phẩm lúa mạch của Australia khỏi thị trường Trung Quốc, nhưng lẽ ra mức 56,14% như dự kiến ban đầu đã là đủ; vì vậy, chắc hẳn mức thuế thực tế có liên quan đến quan điểm của Australia về COVID-19.

Các tổ chức nông nghiệp lớn của Australia cũng bày tỏ sự không hài lòng đối với hành động của Trung Quốc, cho rằng cáo buộc về hành vi bán phá giá là không có căn cứ do các nhà sản xuất lúa mạch Australia được hưởng mức trợ cấp thấp nhất trên thế giới và chẳng có lý do gì để Australia bán phá giá lúa mạch.

Chủ tịch Hiệp hội Nông dân quốc gia Australia Tony Mahar cho biết, các nhà sản xuất của Australia hoạt động trong thị trường toàn cầu tự do và cạnh tranh; ý kiến cho rằng lúa mạch của Australia bị bán phá giá ở Trung Quốc là không phù hợp với thực tế sản xuất của Australia; giá xuất khẩu luôn cao hơn giá mua lại từ nông dân và giá bán của nông dân luôn cao hơn chi phí sản xuất. Các hiệp hội nông nghiệp của Australia đã kêu gọi Chính phủ hỗ trợ nông dân bằng cách trao đổi với Trung Quốc một cách thực chất và tôn trọng nhằm bảo vệ quan hệ thương mại vốn tồn tại từ những năm 1960.

Theo những tin tức mới nhất thì Úc để ngỏ khả năng đưa tranh chấp với Trung Quốc ra Tổ chức Thương mại Thế giới WTO.

Ảnh: Ngoại trưởng Australia Marise Payne

Truyền thông Australia ngày 20/5 đưa tin cho biết, chính phủ nước này sẽ dành 60 ngày để đàm phán với Trung Quốc trước khi kháng cáo các tranh chấp thương mại lên Tổ chức Thương mại thế giới.

Trong một tuyên bố được báo điện tử Người Australia trích dẫn ngày 20/5, Bộ trưởng Nông nghiệp David Littleproud cho biết Australia sẽ sử dụng các đại diện thương mại và nông nghiệp tại Bắc Kinh để đàm phán các tranh chấp hiện nay với phía Trung Quốc. Tuy nhiên, ông Littleproud cũng nhấn mạnh rằng Australia chỉ có 60 ngày và sau đó sẽ đưa vấn đề ra giải quyết tại Tổ chức Thương mại thế giới.

Động thái mới của Australia được đưa ra sau khi có thông tin cho rằng một số sản phẩm khác của nước này nhập khẩu vào thị trường Trung Quốc bao gồm rượu vang, hải sản, yến mạch, trái cây và sữa có thể sẽ phải đối mặt với các rào cản phi thuế quan bổ sung như thắt chặt kiểm tra chất lượng, trì hoãn thông quan, thăm dò chống bán phá giá hoặc truyền thông Trung Quốc sẽ khuyến khích người tiêu dùng tẩy chay hàng hóa Australia.

Trong một tuyên bố khác được hãng truyền thông ABC trích dẫn ngày 20/5, Ngoại trưởng Australia Marise Payne khẳng định nước này luôn tuân thủ các yêu cầu phù hợp cho hàng xuất khẩu và sẽ kiên quyết bảo vệ lợi ích quốc gia. Ngoại trưởng Payne cũng cho biết bà sẽ thất vọng nếu Trung Quốc sử dụng hàng hóa Australia để trả thù việc nước theo đuổi một cuộc điều tra toàn cầu về dịch COVID-19.

Trong khi căng thẳng thương mại đang leo thang, Đại sứ quán Trung Quốc tại Australia vẫn tiếp tục công kích quan điểm của Australia về điều tra nguồn gốc COVID-19, điều được cho là nguyên nhân dẫn đến biện pháp thuế đối với lúa mạch cũng như cấm nhập khẩu thịt bò.

Trong tuyên bố sáng ngày 19/5, Đại sứ quán Trung Quốc cho rằng cuộc điều tra “hoàn toàn khác” với những gì mà Chính phủ Úc mong muốn, nếu Úc xem kết quả tại Đại Hội đồng Y tế Thế giới (WHA) là minh chứng cho lời kêu gọi mở cuộc điều tra thì “chẳng khác gì một trò đùa“.

Tuyên bố này nhằm công kích một sự việc xảy ra ngày hôm trước, vào ngày thứ hai 18/5/2020 trong Hội Nghị của Hội Đồng Y tế Thế giới (WHA), Úc cùng 136 nước khác trong số 194 các nước thành viên cùng đệ trình một Bản Dự thảo Nghị quyết mở cuộc điều tra. Một việc chưa từng ghi nhận trong bang giao quốc tế đã xảy ra khi Bản Dự thảo đã không bị bất cứ quốc gia nào phủ quyết. Điều đó nói lên sự chính đáng để có một cuộc điều tra về nguyên nhân gây ra đại dịch, cách xử lý của từng quốc gia và rút ra bài học tránh thảm họa cho nhân loại. Tuy nhiên, so với ý tưởng ban đầu của Thủ Tướng Scott Morrision, Bản Dự thảo có đôi chỗ thay đổi. Trong khi Úc đề nghị tiến hành một cuộc điều tra hoàn toàn độc lập với Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), thì Nghị quyết không nhắc gì đến việc điều tra nguồn gốc hay cách thức xử lý dịch ban đầu ở Trung Quốc.

Từ trong Hoa Lục, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Triệu Lập Kiên cũng đã lên tiếng chỉ trích quan điểm của Australia về việc điều tra độc lập, cho rằng dự thảo Nghị quyết tại WHA đề cao vai trò của WHO thay vì điều tra độc lập như Australia đề xuất và yêu cầu Australia sửa sai, từ bỏ chính trị hóa dịch bệnh.

Trước đó, truyền thông Trung Quốc cũng đã không tiếc lời bêu xấu, chỉ trích nước Úc. Hồi tháng 4, một biên tập viên của tờ báo quốc doanh Hoàn cầu Thời báo viết trên Weibo rằng: “Sau đại dịch này, chúng ta cần phải suy nghĩ nhiều hơn về những nguy cơ có thể xảy ra khi làm ăn với Úc, cũng như về việc khi nào thì lại gởi con cái tới Úc học. Úc luôn là như vậy, chỉ toàn gây rắc rối. Giống như miếng kẹo gum bám dưới đế giày của Trung Quốc. Thỉnh thoảng bạn phải tìm một hòn đá để cạo miếng kẹo đi.”

Mới đây nhất, trong một bài xã luận ngày 19/5, Hoàn Cầu Thời báo gọi Mỹ cùng Úc, Đài Loan là “những kẻ thua cuộc” sau Hội nghị Đại hội đồng Tổ chức Y tế thế giới (WHA).

Hoàn Cầu Thời báo dẫn ra một ý kiến trong bài xã luận và nói đây là nhận xét của một cư dân mạng Weibo: “Bằng việc nối gót những kẻ có quan điểm diều hâu của Mỹ và công kích Trung Quốc, Úc – một con kangaroo khổng lồ – đang hành động như một con chó của Mỹ và chắc chắn sẽ đối mặt với sự bế tắc trong giao thương với Trung Quốc, chẳng hạn trong lĩnh vực than đá và thịt bò. Hi vọng Mỹ sẽ đền bù cho người Úc.”

Tuy nhiên, nhiều tờ báo của Úc đã cho rằng đây là cách ném đá giấu tay của tờ báo Trung Quốc.

Trang News.com.au đặt vấn đề: “Hoàn Cầu Thời báo đã leo thang cuộc khẩu chiến khi trích dẫn những nguồn nặc danh như cư dân mạng để so sánh Úc là ‘con chó’ của Mỹ.”

Quan hệ thương mại Úc – Trung chứng kiến sự phát triển mạnh mẽ trong khoảng gần 15 năm trở lại đây.

Ảnh: Thủ tướng Australia Scott Morrison và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình

Khi cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu 2007-2008 tàn phá nền kinh tế thế giới, Australia đã trông cậy vào xuất khẩu bùng nổ sang Trung Quốc. Trước thời điểm đó vài tháng, Trung Quốc đã vượt qua Nhật Bản để trở thành đối tác thương mại lớn nhất của Australia.

Nhờ việc buôn bán nhộn nhịp các mặt hàng như quặng sắt và than đá, Australia đã nổi lên như một trong số ít các nước phát triển tránh được suy thoái kinh tế.

Trong nhiều năm, các nhà lãnh đạo Australia đã khẳng định nước này có thể gặt hái những lợi ích từ mối quan hệ thương mại béo bở với Trung Quốc, đồng thời không phải hy sinh các giá trị tự do phương Tây hoặc liên minh an ninh chặt chẽ với Mỹ.

Trong năm 2018-2019, Trung Quốc đã mua hơn 1/3 ba tổng kim ngạch xuất khẩu của Australia, trị giá 153 AUD (99 tỷ USD), tỷ lệ đã tăng gần gấp đôi trong một thập kỷ.

Giải thích về sự phụ thuộc ngày càng tăng về thương mại của Australia vào Trung Quốc, ông Birmingham nói Bắc Kinh có nền kinh tế lớn nhất trong khu vực, đã tăng trưởng mạnh mẽ trong những thập kỷ qua và đây là một quyết định thương mại của các doanh nghiệp Australia khi giao dịch với Trung Quốc.

Tuy nhiên, ông Birmingham cho rằng, bây giờ là lúc các doanh nghiệp Australia cần phải cân bằng giữa rủi ro và lợi nhuận và ông khuyến khích các doanh nghiệp tìm tới các thị trường khác để giảm bớt rủi ro như là thông lệ kinh doanh khôn ngoan.

Hơn một thập kỷ trôi qua, sự phụ thuộc của Australia vào Trung Quốc dần dần được coi là chứa đựng nhiều rủi ro hơn thay vì lợi ích.

Báo cáo mới đây của Viện chính sách The Henry Jackson Society có trụ sở tại London (Anh) cho thấy, Australia đang phụ thuộc vào Trung Quốc trong các lĩnh vực quan trọng của nền kinh tế hơn bất kỳ quốc gia thành viên nào khác thuộc nhóm tình báo Five Eyes bao gồm Australia, Mỹ, Anh, Canada và New Zealand.

Đánh giá sự phụ thuộc của mỗi quốc gia thành viên Five Eyes với một loạt sản phẩm và linh kiện có ý nghĩa chiến lược, báo cáo cho thấy, Australia là quốc gia phụ thuộc chiến lược nhất vào Trung Quốc, với 595 loại hàng hóa quan trọng chiến lược, cao hơn bất kỳ quốc gia nào khác trong nhóm, trong khi con số này của Mỹ và Anh lần lượt là 414 và 229.

Australia cũng phụ thuộc vào Trung Quốc trong 167 loại hàng hóa phục vụ các ứng dụng quan trọng và 35 loại hàng hóa thiết yếu đối với các công nghệ của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, bao gồm Internet vạn vật, quản lý kỹ thuật số siêu tốc và nhiều loại công nghệ khác, trong đó có công nghệ sinh học.

Báo cáo còn ghi nhận sự thống trị của Trung Quốc trong sản xuất magiê, vốn rất cần thiết trong ngành vận tải, năng lượng và xây dựng, cũng như trong sản xuất các hoạt chất dược phẩm.

Đây thực sự là một mối nguy cơ với Úc đặc biệt là những năm gần đây quan hệ ngoại giao giữa Canberra và Bắc Kinh không êm đẹp bởi cáo buộc Trung Quốc can thiệp chính trị, cũng như bất đồng trong các vấn đề như Biển Đông và tập đoàn công nghệ Huawei.

Bởi Trung Quốc đã có lịch sử sử dụng đòn bẩy kinh tế để trừng phạt các đối tác thương mại. Năm 2017, Bắc Kinh đã tiến hành một cuộc tẩy chay không chính thức đối với ngành du lịch Hàn Quốc, sau khi Hàn Quốc cho phép Mỹ triển khai hệ thống tên lửa trên đất của họ. Cuộc tẩy chay gây thiệt hại ước tính 7.500 tỷ won (6,7 tỷ USD), trong giai đoạn từ tháng 1 đến tháng 9 năm đó. Các cửa hàng Lotte Mart cũng bị buộc phải đóng cửa tại Trung Quốc.

Đại dịch COVID-19 đã thúc đẩy mạnh mẽ ý chí ‘thoát Trung’ của nước Úc và nỗ lực giảm lệ thuộc vào Trung Quốc đã và đang nhận được sự đồng thuận từ nhân dân Úc cũng như các đảng chính trị tại đây.

Ngày 19/5/2020, được Sky News phỏng vấn Lãnh tụ đối lập Anthony Albanese cho biết đảng Lao Động ủng hộ nỗ lực của Chính phủ để mở cuộc điều tra: “Liên minh hai đảng Tự Do – Quốc Gia và đảng Lao động đã là một, chúng tôi đã có cùng quan điểm về vấn đề này và cùng chia sẻ trách nhiệm”. Theo nhà quan sát Nguyễn Quang Huy từ Melbourne, Úc, vận động điều tra nguồn gốc phát sinh virus corona chủng mới rõ ràng là chính sách nước Úc, không có tranh cãi giữa các đảng chính trị là một điều hiếm thấy trong sinh hoạt chính trị tại Úc.

Tình cảm của công chúng cũng đang thay đổi theo hướng chống Bắc Kinh. Trong một cuộc thăm dò ý kiến ​​do viện Lowy – trụ sở tại Sydney – công bố hôm 14/5, 68% người Australia được hỏi cho biết việc ứng phó với dịch bệnh của Bắc Kinh khiến họ cảm thấy không cảm tình với Trung Quốc. Chỉ 31% nghĩ rằng Bắc Kinh đã xử lý tốt đại dịch.

ông John Blaxland, giáo sư tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc phòng thuộc Đại học Quốc gia Australia đã phát biểu: “Trước đây, chúng tôi vẫn sống mà không mua bán nhiều với Trung Quốc. Không nghi ngờ gì về việc nếu Trung Quốc muốn chơi thực sự, thực sự mạnh tay, Australia sẽ bị ảnh hưởng về kinh tế, nhưng không phải chúng tôi không thể chống đỡ. Chúng tôi là đất nước rất thịnh vượng.”

Trung Kiên – Thoibao.de (tổng hợp)

https://www.youtube.com/watch?v=7JG6Q0U_lRQ
Biển Đông: Mỹ liên tiếp „ra đòn“ nhằm vào TQ
Kasse animation 7.8.2023