Mỹ – Trung “đối đầu“ dữ dội

https://www.youtube.com/watch?v=BH32JDwiPpc

COVID-19 khởi phát từ Trung Quốc đã phủ sạch những thành tích kinh tế mà đương kim Tổng thống Mỹ Donald Trump từng tự hào và nuôi hy vọng rằng đây sẽ là vũ khí lợi hại của ông trong chiến dịch tranh cử tổng thống vào tháng 11 tới. Cũng vì COVID-19 mà thỏa thuận giai đoạn 1, hiệp định đình chiến thương mại mong manh giữa Mỹ và Trung Quốc đạt được vào tháng 01/2020 có nguy cơ đổ vỡ. Thương chiến vẫn đang rối ren và Mỹ được đà, tấn công luôn nền công nghệ cao của Trung Quốc.

Thời Báo Hoàn Cầu khẳng định những chỉ trích của Mỹ đối với Trung Quốc thời gian gần đây về nguồn gốc của đại dịch COVID-19 và trách nhiệm của Trung Quốc đã tạo ra “cơn sóng thần giận dữ” ở Trung Quốc.

Các cố vấn thương mại của Chính phủ Trung Quốc là những người tức giận trước tiên và đang chia thành hai phe.   

Phe đầu tiên ôn hòa hơn, kêu gọi đánh giá lại thỏa thuận thương mại sơ bộ với Mỹ, hay còn gọi ngắn gọn là thỏa thuận giai đoạn 1.   

Phe thứ hai cứng rắn hơn, chủ trương hủy luôn thỏa thuận này và đàm phán lại một thỏa thuận mới theo hướng ít bất công và nhiều lợi ích nghiêng về Trung Quốc.

Nhóm này lập luận trong khi Trung Quốc đã thỏa hiệp và chấp nhận nhượng bộ để đình chiến thương mại, Mỹ lại tiếp tục lấn lướt. “Hủy thỏa thuận giai đoạn 1 là lợi ích quốc gia của Trung Quốc”, Thời Báo Hoàn Cầu dẫn lời một “cố vấn giấu tên” đặt vấn đề.

Vị này khẳng định đây là thời khắc thích hợp để xé bỏ thỏa thuận đã ký, bởi lẽ nền kinh tế Mỹ đang suy yếu và nước này lại sắp tới bầu cử tổng thống.

Nước Mỹ bây giờ không còn đủ khả năng tái phát động một cuộc chiến tranh thương mại với Trung Quốc nếu mọi thứ quay trở về vạch xuất phát”, vị cố vấn của Chính phủ Trung Quốc tỏ ra tự tin.

Ảnh: Tổng thống Mỹ Donald Trump và Phó Thủ tướng Trung Quốc Lưu Hạc tại lễ ký thỏa thuận thương mại giai đoạn 1

Ngày 11/5, ngay khi được hỏi về các báo cáo cho biết Trung Quốc đang muốn mở lại các cuộc đàm phán về thỏa thuận thương mại đã ký với Mỹ hồi tháng 1, Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố: “Tôi không quan tâm điều đó. Chúng ta đã ký thỏa thuận rồi!”.

Nhà lãnh đạo Mỹ khẳng định không ủng hộ ý tưởng trên.

Trong khi đó, theo báo New York Times, Trung Quốc đã tăng nhập khẩu hàng hóa từ Mỹ sau khi thỏa thuận trên được ký kết, nhưng vẫn chưa đáp ứng được những kỳ vọng  của chính quyền ông Trump. Một số chuyên gia lo ngại nếu giữ tốc độ mua hàng chậm như vậy, Bắc Kinh khó có thể đáp ứng cam kết với Washington ngay trong năm đầu tiên.

Trả lời phỏng vấn RFI, nhà nghiên cứu Jean-François Boittin, cộng tác viên của Viện Quan hệ quốc tế Pháp (IFRI) và Trung tâm Nghiên cứu về Triển vọng kinh tế và Thông tin quốc tế (CEPII) của Pháp cho biết: “Tôi nghĩ rằng trong bối cảnh kinh tế hiện tại, Trung Quốc khó có thể giữ được những cam kết với Mỹ trong giai đoạn 1 của thỏa thuận thương mại. Theo thống kê từ cả hai phía, trong bốn tháng đầu năm 2020, kim ngạch nhập khẩu của cả Trung Quốc lẫn Hoa Kỳ so với phía bên kia – đều giảm sụt.

Có hai yếu tố giải thích cho sự giảm sụt này : Một là Trung Quốc giảm mua hàng của Mỹ vì những lý do nhất thời thí dụ như giảm mua đậu tương của Hoa Kỳ mà thay vào đó là mua đậu tương của Brazil, bởi vì Brazil được mùa và bán nông phẩm với giá rẻ. Nhưng nghiêm trọng hơn là hiệu ứng về lâu về dài. Thí dụ Trung Quốc cam kết mua thêm máy bay Boeing, nhưng trong bối cảnh hiện tại, toàn bộ ngành giao thông hàng không bị tê liệt vì virus corona thì làm sao Bắc Kinh có thể đặt mua thêm máy bay Mỹ được ?”

Ảnh: Biểu đồ kim ngạch xuất nhập khẩu Mỹ – Trung từ tháng 01/2019 đến tháng 3/2020

Theo thống kê của Bộ Thương mại Mỹ, kim ngạch xuất khẩu của Hoa Kỳ sang Trung Quốc trong tháng 4/2020 giảm 11,1%.

Như vậy, Trung Quốc còn đang « đứng rất xa », mục tiêu tăng 6% kim ngạch nhập khẩu với Hoa Kỳ trong năm 2020 như tinh thần của thỏa thuận thương mại bán phần Mỹ – Trung ký kết vào tháng Giêng vừa qua.

Một trong những điều khiến ông Trump thất vọng là tốc độ Trung Quốc mua hàng Mỹ thì chậm, nhưng mua của nước khác lại nhanh và nhiều đáng kể.

Trong lĩnh vực năng lượng, Trung Quốc cam kết sẽ mua 52,4 tỉ USD dầu thô, khí hóa lỏng (LNG) và than từ Mỹ trong vòng 2 năm. Tuy nhiên, theo số liệu của Refinitiv, Trung Quốc không mua một giọt dầu nào từ Mỹ trong tháng 2, 3 và 4 vừa qua. Về LNG, chỉ có 3 chuyến tàu đến vào tháng 4 và đó là những chuyến đầu tiên kể từ tháng 3/2019.

Số liệu của Tổng cục Hải quan Trung Quốc cho thấy số dầu thô và khoáng sản nhập khẩu từ Mỹ trong quý 1/2020 trị giá 114 triệu USD, chưa bằng một nửa so với cùng kỳ năm trước và gần như không đáng kể khi so với con số 11,3 tỉ USD mà Trung Quốc đã mua từ Nga hay 10,7 tỉ USD từ Saudi Arabia.

Trong lĩnh vực nông sản, theo số liệu từ Bộ Nông nghiệp Mỹ, tính đến tuần cuối cùng của tháng 4, các lô hàng đậu nành Mỹ đến Trung Quốc đạt tổng cộng 10.375 tấn, chưa bằng 1/10 so với một năm trước đó. Thỏa thuận giai đoạn 1 đã yêu cầu các bên thành lập văn phòng giải quyết tranh chấp và đánh giá việc thực thi, nhưng đến nay Trung Quốc vẫn im lặng về điều này dù Mỹ đã công bố thành lập văn phòng đó từ lâu.

Ảnh: Dự thảo kế hoạch tăng trưởng nhập khẩu hàng hóa từ Mỹ của Trung Quốc theo các lĩnh vực trong 2 năm 2020-2021

Mới đây, Mỹ tiếp tục tấn công tới tấp vào điểm nhạy cảm của Trung Quốc – Tập đoàn viễn thông Huawei.

Bộ Thương Mại ngày 15/5/2020 thông báo: cấm tất cả các nhà cung cấp linh kiện bán dẫn cho Huawei trên thế giới sử dụng phần mềm và công nghệ của Mỹ. Thực ra, từ một năm nay, lệnh cấm chỉ liên quan đến các nhà sản xuất Mỹ như Intel, AMD, Qualcomm… nhưng lần này quyết định nhằm « bóp nghẹt » con chim đầu đàn của nền công nghệ cao Trung Quốc được áp dụng luôn cả đối với các nhà cung cấp cho Huawei như Samsung của Hàn Quốc hay STMicroelectronics, Infineon của châu Âu.

Mỹ đang kiểm soát 50% thị trường bán dẫn của thế giới, và phần lớn các công nghệ cũng như phần mềm các hãng của Hàn Quốc, Nhật Bản hay Đài Loan và châu Âu đang sử dụng đều có dấu ấn của các tập đoàn Mỹ.

Động thái này là đòn giáng mạnh lên Huawei – nhà sản xuất điện thoại thông minh lớn thứ hai thế giới. Bởi bán dẫn được sử dụng rộng rãi trong việc sản xuất điện thoại và thiết bị điện tử. Trong khi đó, Huawei đang ở giữa tâm bão cuộc cạnh tranh thống trị lĩnh vực công nghệ toàn cầu.

Theo quy định mới, các nhà sản xuất chip phải xin giấy phép của chính quyền Mỹ trước khi cung cấp cho Huawei. Đối với Huawei, công ty Trung Quốc này cũng phải xin phép Bộ Thương mại Mỹ nếu muốn nhận hoặc sử dụng các thiết kế bán dẫn liên quan đến các công nghệ và phần mềm của Mỹ.

Những sản phẩm đang được sản xuất cho Huawei sẽ được chuyển cho công ty này nếu hoàn thành trong vòng 120 ngày tính từ ngày 15-5. Những sản phẩm bắt đầu sản xuất sau 15-5 sẽ phải tuân theo quy định mới.

Ảnh chụp màn hình thông báo của Bộ Thương Mại ngày 15/5/2020 về quy định mới với Huawei

Giới chuyên gia nhận định động thái hôm 15/5 của Mỹ sẽ gây rối loạn cho hoạt động vận hành của Huawei và châm dầu vào lửa cho các căng thẳng giữa Washington và Bắc Kinh.

Trong khi Huawei có thể di chuyển hoạt động sản xuất của mình và tìm các nhà cung cấp mới để sao chép các sản phẩm của Qorvo hay Broadcom, việc khó khăn hơn cả là loại bỏ toàn bộ công nghệ, tài sản trí tuệ hoặc phần mềm của Mỹ ra khỏi chuỗi sản xuất của hãng. Nếu được thực thi đúng cách, những biện pháp giới hạn mới từ Washington sẽ thật sự giáng một đòn nặng đối với Huawei.

Giả sử Huawei có thể chuyển hướng sang hợp tác cùng một nhà cung cấp vật liệu bán dẫn Ấn Độ, thì tập đoàn này vẫn có thể gặp rắc rối nếu công ty này sử dụng phần mềm Mỹ để thiết kế sản phẩm.

Ông Christopher Ford – Trợ lý ngoại trưởng Mỹ phụ trách vấn đề an ninh – cho biết sẽ rất khó để các hãng chip điện tử loại bỏ hoàn toàn thiết bị và phần mềm Mỹ khỏi quá trình sản xuất bởi đây là những công nghệ cần thiết cho đa số các loại chip công nghệ cao hiện nay.

Trên trang Fox Business, Bộ trưởng Thương mại Mỹ Wilbur Ross nói rằng đang tồn tại một lỗ hổng kỹ thuật cho phép Huawei sử dụng công nghệ của Mỹ thông qua các nhà sản xuất dễ dãi ở nước ngoài, và sự thay đổi sẽ lấp lại lỗ hổng này.

Lệnh cấm mới lên Huawei được Mỹ công bố cùng lúc với thông tin hãng sản xuất vật liệu bán dẫn của Đài Loan, TSMC, tiết lộ kế hoạch xây dựng nhà máy trị giá 12 tỉ USD và tạo khoảng 1.600 việc làm tại bang Arizona của Mỹ.

Cả TSMC và Bộ trưởng Thương mại Mỹ Wilbur Ross cùng mô tả dự án đầu tư này là tối quan trọng nhằm củng cố lại hoạt động sản xuất công nghệ cao tại Mỹ.

Khi được Fox Business hỏi Mỹ đã và đang làm gì để giảm phụ thuộc vào hoạt động sản xuất của Trung Quốc, ông Ross đã chỉ thẳng về dự án của TSMC.

Ông nói: “Arizona, nơi vốn có Intel cũng như ON Semiconductor, nay sẽ có một khu phức hợp công nghệ vô cùng quyền lực mà chúng tôi hi vọng sẽ được tích hợp theo chiều dọc. Và điều đó sẽ tạo điều kiện cho nhiều hoạt động hơn nữa.”

TSMC là một trong những chủ thể chịu ảnh hưởng nặng nề từ thay đổi quy tắc mới được công bố liên quan đến quy định kiểm soát xuất khẩu mới nhất của chính phủ Mỹ. Huawei là khách hàng lớn thứ hai của TSMC. Huawei đã sử dụng các xưởng đúc của TSMC để chế tạo chip trang bị bên trong smartphone của mình.

Trang Nikkei Asian Review cho biết, TSMC đã dừng tiếp nhận đơn hàng mới từ Huawei, đáp lại lệnh cấm của Bộ Thương mại Mỹ; tuy nhiên đơn hàng đang sản xuất hoặc tiếp nhận trước khi có lệnh cấm, chỉ cần xuất hàng trước trung tuần tháng 9 năm nay thì vẫn sẽ tiếp tục sản xuất, cung ứng.

Con át chủ bài” công nghệ vừa mới được Washington tung ra giữa thời điểm Mỹ – Trung đang ở bờ vực một cuộc chiến tranh lạnh trong thế kỷ 21.

Và cuộc chiến này sẽ đi đến đâu?

Tờ Le Monde (Lơ Mông-đ) của Pháp bình luận “Với việc hai chủ nghĩa dân tộc bị kích động ‘quá liều’, hai siêu cường lớn nhất thế giới đối đầu. Trong lịch sử, bối cảnh này hiếm khi mang lại những điều gì thuận lợi và tốt đẹp.”

Trung Kiên – Thoibao.de (Tổng hợp)

https://www.youtube.com/watch?v=VDI6s-eevtE
Bỉ: Phát hiện “ ổ “ gián điệp TQ giữa châu Âu

 

Kasse animation 7.8.2023