Xã hội nơi tôi đang sống là một không gian đầy sợ hãi.
Về kinh tế…
Trong nông nghiệp, hết giải cứu dưa hấu, hành tím, lại đến chuối, đến gà, heo… Một đất nước đi lên từ nông nghiệp nhưng người nông dân luôn chịu cảnh chưa ráo mồ hôi đã hết tiền. Chính sách phát triển nông nghiệp bao nhiêu năm vẫn loay hoay phụ thuộc vào một thị trường, mỗi khi có sự thay đổi là hàng triệu người khốn đốn.
Trong công nghiệp, hô hào công nghiệp hoá bao nhiêu năm nhưng vẫn không có ngành chủ lực. Ngay cả khi chạy theo những ngành gây ô nhiễm, thì cũng chẳng có năng lực để làm. Cho đến tận bây giờ, công nghiệp phụ thuộc nhiều vào khối FDI, trong khi nền sản xuất bản địa chỉ loay hoay làm gia công, giá trị gia tăng thấp.
Trong dịch vụ, chi phí logistic chiếm tới 25% GDP quốc gia thì làm sao cạnh tranh nổi? Đất nước là cửa ngõ ra biển nhưng xây dựng mãi vẫn chẳng có một đội tàu hùng mạnh. Đất nước có vô số danh lam thắng cảnh nhưng khách du lịch chẳng muốn quay lại lần thứ hai.
Kinh tế phát triển bằng việc bán than, bán dầu, bằng đào khoét tài nguyên lên ăn dần. Môi trường thì ô nhiễm, tài nguyên thì ngày càng cạn kiệt…
Một nền kinh tế yếu ớt lại phải nuôi một bộ máy cồng kềnh. Khả năng quản trị, giám sát yếu kém dẫn đến đầu tư dàn trải, tham nhũng, lãng phí vô độ. Ngân sách luôn trong tình trạng thu không bù chi. Nợ công ngày càng nghiêm trọng. Người dân phải thắt lưng buộc bụng vì thuế phí ngày càng nhiều lên.
Vì miếng cơm của mình, người ta sẵn sàn cướp đi bát cơm của đồng loại. Mới hôm qua ở Hải Phòng, một phụ nữ bán thịt heo giá rẻ hơn mức giá ở chợ đã bị những người bán hàng khác hắt dầu nhớt trộn phân vào sạp thịt. Nói tình người đen như nhớt thải, quả không sai.
Về giáo dục…
Cô giáo mầm non ngược đãi trẻ. Hiệu trưởng trường tiểu học ngồi xe đâm gãy chân học sinh nhưng gian dối. Ở cấp độ trung học cơ sở, thầy giáo và học sinh đánh chửi nhau như những kẻ vô học đầu đường xó chợ. Ở cấp trung học phổ thông, tiêu cực thi cử vẫn là một vấn nạn. Cử nhân đại học ra trường không có việc làm. Tiến sĩ thì lạm phát…
Giáo dục loay hoay đổi mới nhưng vẫn mắc căn bệnh trầm kha là chạy theo thành tích, lý thuyết giáo điều, xa rời thực tế.
Rả rả tiên học lễ, hậu học văn nhưng cuối cùng sản phẩm của nền giáo dục là lối sống xu nịnh, hình thức, chạy theo vật chất, quỳ gối trước tiền bạc và quyền lực, bỏ qua những đạo lý làm người và sống thờ ơ vô trách nhiệm.
Về chính trị…
Xã hội nơi tôi đang sống là một không gian đầy sợ hãi.
FB Bạch Hoàn