Đọc tít này, hẳn có bạn sẽ khó chịu và chắc sẽ lại có không ít người dè bỉu, thậm chí chửi bới…Nhưng tôi cứ viết, cứ nói. Bởi lẽ, tôi quá quen với bị chửi từ hàng chục năm nay rồi…Bị chửi, cũng có khi như ăn phở bị nhỡ tay cho nhiều ớt vậy!
Chuyện Tập đoàn Dầu khí VN “ cứu” đất nước ta khỏi sụp đổ về kinh tế vào năm 1988 là chuyện có thật, và những người tham gia “ cứu” vẫn còn hiện diện, và mới nhận Giải thưởng Hồ Chí Minh cho công trình Khoa học đó- Tìm dầu trong tầng đá móng ( Xin lỗi các Trưởng lão của PVN, rất có thể tên đầy đủ của Công trình này có khác – nhưng cơ bản là vậy).
Hội nghị Trung ương 6, Khóa VI (tháng 3.1989) quyết định đổi mới trong bối cảnh từ năm 1988 trở đi, các nước XHCN ở Đông Âu lần lượt sụp đổ. Năm 1991 bắt đầu đến Liên Xô. Sau khi Liên Xô tan rã, CNXH trên phạm vi toàn thế giới lui vào thoái trào. Trên thế giới chỉ còn Việt Nam, Triều Tiên, Cuba… đi theo con đường XHCN.[1]
Bây giờ, không phải nhiều người đã biết là vào giữa năm 1988, nền kinh tế nước ta suy sụp thảm hại. Ngân sách quốc gia vào lúc đó nghe nói còn đầu vài chục triệu USD. Lạm phát thì tăng từng ngày…Cũng lại nghe nói rằng lúc đó, đã chuẩn bị ban hành chỉ thị : Chỉ lãnh đạo cấp Ủy viên Bộ Chính trị mới được xử dụng xe đưa đón, còn tất cả là đi…xe đạp.
Và cũng thời điểm đó, Liên doanh Dầu khí Viet-Xô đứng trước ngưỡng phá sản hoặc giải thể.
Số là từ năm 1986, Liên doanh đã tìm ra dầu, và đã khai thác được dòng dầu thương mại. Nhưng những giếng khoan có dầu sụt sản lượng một cách nhanh chóng, và giảm đến mức tưởng như có thằng nào nấp dưới đáy biển “ uống” hết dầu.
Hậu quả là : Hàng loạt chuyên gia Liên Xô bị kỷ luật, hoặc bị đưa về nước. Thậm chí có người còn định… tự sát.
Và hàng loạt công ty thăm dò, khai thác dầu khí nước ngoài lẳng lặng… chuồn.
Nhiều hợp đồng liên doanh chuẩn bị được ký thì “ bỗng nhiên bị hủy”
Và lúc ấy, phía Liên Xô đã tính đến nước cho giải thể Liên doanh vì lỗ nhiều quá.
Và lúc ấy, đã có “ sáng kiến” đưa ra là mang một vài giàn khoan đi bán… sắt vụn…
Và lúc ấy, một bầu không khí bi quan, u ám bao trùm tất cả Liên doanh Vietsovpetro.
Sự tuyệt vọng ấy lên tới đỉnh điểm là vào cuối tháng 8 năm 1988. Việc cưa một vài giàn khoan đưa đi tìm dầu nơi khác đã được lên kế hoạch, nhưng vì biển động, lại vì ngày nghỉ lễ 2.9 và ngày giỗ Bác Hồ 3.9, nên việc cưa giàn được … lui lại đến 6.9.
Sau ngày giỗ Bác Hồ, các chuyên gia, cán bộ kỹ thuật hàng đầu của Vietsovpetro xúm lại, bàn bạc, tính toán và quyết định : Không cưa giàn, mà tiếp tục khoan sâu thêm, khoan thẳng xuống tầng đá móng.
Quyết định này ngay lập tức vấp phải sự phản đối của không ít chuyên gia, bởi trong đá móng thì làm gì có dầu? Tài liệu địa chất thế giới cũng khẳng định Dầu mỏ chỉ có ở vùng trầm tích, chứ trong thân đá thì không thể có dầu.
Nhưng những người như ông Ngô Thường San, Phó TGĐ Liên doanh, Phùng Đình Thực, Chánh kỹ sư, và một số cán bộ, kỹ sư Việt Nam khác thì cho rằng Dầu vẫn có thể chứa trong những khe nứt, những “ hang động” trong các “quả núi đá” dưới đáy biển. Vì vậy, phải khoan tiếp để tìm dầu trong các “ hang” ấy.
Nói thì đơn giản, những thực ra, đó phải là từ những tính toán khoa học “ nát cả đầu”, và cả từ những suy đoán thiên tài.
Thế là việc khoan được tiếp tục… Và ba ngày ngày sau, khi khoan tới độ sâu đã định là 3200 mét, thì kíp công nhân khoan được lệnh “ khoan tiếp”. Và khi thêm 700 mét nữa thì dòng dầu phụt lên, mạnh tới mức không dám đóng giếng khoan vì sợ vỡ thành giếng và bật giàn khoan…
Tin Việt nam tìm được dầu trong tầng đá móng trở thành sự kiện lớn trong làng dầu khí thế giới. Bởi chưa từng ai dạy rằng “ tầng đá móng có thể chứa dầu”. Việc tìm ra dầu trong tầng đá móng làm đảo lộn các quan niệm về cấu tạo địa lý của mỏ dầu có từ xửa từ xưa.
Việc phát hiện ra dầu với trữ lượng lớn ở Việt Nam đã khiến cho một số quốc gia vội vã quay trở lại, xin đầu tư. Nhật Bản cho vay ngay 250 triệu USD, nhiều công ty lại xin ký tiếp hợp đồng… Và từ đó, tầng đá móng đã cung cấp cho Vietsovpetro hàng triệu tấn dầu mỗi năm…
Ngay trong năm đó, nguồn ngoại tệ thu được từ bán dầu đã cứu tài chính nước ta khỏi sụp đổ. Và nền kinh tế VN được hồi sinh từ chính những tấn dầu tìm được trong tầng đá móng ấy.
Bây giờ, thì dầu trong tầng đá móng cũng đã dần cạn kiệt – Khai thác ngót ba chục năm, lấy lên hàng trăm triệu tấn rồi còn gì . Bây giờ, Vietsovpetro, và một số đơn vị khác của PVN cũng đã phải khai thác kiểu “ đi mót lúa”…
Và mỏ dầu, cũng như con người, phải tuân theo quy luật Sinh-Lão-Bệnh-Tử.
Làm gì có ai sống mãi được. Làm gì có doanh nghiệp nào không có lúc điêu đứng. Và làm gì có quốc gia nào cứ thịnh mãi không suy?
Vietsovpetro – “Logo tình nghĩa”
Nguyễn Như Phong – nguyên TBT Petrotimes
[1] http://daibieunhandan.vn/ONA_BDT/NewsPrint.aspx?newsId=384328