Năm mới, Thủ Chính tham gia nhóm chống Tô, Tổng Bí thư “tứ bề thọ địch”?

Ngày 30/12, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã triệu tập cuộc họp tổng kết việc thực hiện nghị quyết số 18-NQ/TW, về “Một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả”. Cuộc họp này cũng nhằm rà soát, sắp xếp tổ chức bộ máy của 2 bộ Quốc phòng và Công an.

Đáng chú ý là, ông Chính hối thúc Bộ Công an và Bộ Quốc phòng, khẩn trương thực hiện chính sách tinh giản bộ máy của Tô Lâm.

Trên danh nghĩa, Bộ Công an và Bộ Quốc phòng là 2 bộ thuộc Chính phủ. Tuy nhiên, trên thực tế, 2 bộ này không nằm trong vòng kiểm soát của ông Thủ tướng, mà là mỗi bộ đều như là một “ông vua con”. Thường 2 bộ này chọn theo một trong 2 nhân vật, là Tổng Bí thư hoặc Thủ tướng, dựa vào mối quan hệ ngầm. Cũng có lúc, Bộ Quốc phòng lại vâng lời Chủ tịch nước, ví dụ như dưới thời Đại tướng Lê Đức Anh làm Chủ tịch nước.

Bộ Công an hiện nay bị người dân gọi mỉa mai là “Bộ Tô Lâm”, hay “Bộ Hưng Yên”, bởi nó được xem là sở hữu riêng của ông Tổng Bí thư. Còn Bộ Quốc phòng thì mình một cõi, không ngả về Tổng Bí thư, mà cũng chẳng nghe lời Thủ tướng.

Tại cuộc họp này, ông Chính đã tạo thêm một áp lực nữa cho Bộ Công an, sau khi ông Lương Cường và ông Hồ Đức Phớc đến Bộ này làm việc, vào ngày 11/12/2024 vừa qua, để thúc ép thực hiện chính sách tinh giảm.

Lời nói của ông Chủ tịch nước ắt không tác động gì nhiều đến ông Lương Tam Quang. Nhưng Chủ tịch nước lại kéo theo ông Phó Thủ tướng gốc Nghệ An, thì trọng lượng lời nói có nặng ký hơn. Bởi đằng sau là sự bắt tay của quân đội (ít nhất là phe Lương Cường) với nhóm Nghệ An có quân tướng đông nhất Trung ương Đảng hiện nay.

Thêm vào đó, sức ép từ ông Thủ tướng chắc chắn sẽ gia tăng trọng lượng. Bởi đằng sau lời thúc ép này, là một liên minh Quân đội + Nghệ An + Chính phủ đang dần hiện ra, ông Tô Lâm không thể xem thường.

Ai cũng hiểu, để thúc ép Bộ Công an chấp nhận luật chơi chung, không ngoại lệ, thì không thể nói suông, mà phải thủ “vũ khí” sau lưng. “Vũ khí” này cần phải “nhá” hàng cho Tô Lâm thấy, thì may ra, ông mới chịu thỏa hiệp, bằng không thì những sức ép rời rạc sẽ chỉ như “nước đổ đầu vịt”, chẳng có tác dụng gì.

Có vẻ như, ông Tô Lâm cũng e ngại việc nhóm Nghệ An liên minh với các nhóm khác, nên cần đưa ra chính sách đối phó chăng?

Ngày 29/12, ông Tô Lâm cùng 2 đàn em thân tín là Lương Tam Quang và Nguyễn Duy Ngọc đến Nghệ An, với lý do “thắp hương dâng Bác”, nhưng kỳ thực, chuyến đi có 2 uỷ viên Bộ Chính trị gốc Nghệ An, là Nguyễn Xuân Thắng và Phan Đình Trạc; cùng 2 uỷ viên Bộ Chính trị gốc Hà Tĩnh, là Trần Cẩm Tú và Lê Minh Hưng.

Không biết 3 nhóm mạnh này có đạt được thỏa hiệp nào hay không? Tuy nhiên, có thể, đây cũng là một thứ “vũ khí” mà Tô Lâm muốn “nhá” cho liên minh “Quân đội + Nghệ An + Chính phủ” thấy chăng?

Thực tế cho thấy, phe Nghệ An hiện nay không còn đoàn kết, nếu ông Phan Đình Trạc và ông Nguyễn Xuân Thắng chấp nhận thỏa hiệp với Tô Lâm. Trong khi, một số ủy viên Trung ương Đảng “có máu mặt” của Nghệ An, như Hồ Đức Phớc, Trần Sỹ Thanh và Phạm Thị Thanh Trà, có ý chống Tô Lâm, thì 2 nhân vật thuộc Bộ Chính trị của nhóm này lại “đi nhẹ nói khẽ” trước mặt Tô Lâm. Đây cũng là điểm yếu của nhóm Nghệ An, mà Tô Lâm có thể khai thác – chia nhỏ nhóm Nghệ An ra để trị.

Cũng có ý kiến cho rằng, những uỷ viên Bộ Chính trị của nhóm Nghệ An và Hà Tĩnh, chỉ bằng mặt chứ không bằng lòng, bởi Tô Lâm không tin dùng họ. Tô Lâm luôn muốn đẩy họ ra, để lấy chỗ trống cho phe Hưng Yên. Nếu đây là sự thật, thì năm mới 2025, ông Tô Lâm sẽ lâm vào cảnh tứ bề thọ địch.

 

Hoang Phúc – Thoibao.de