Tô Lâm có tham vọng trở thành Putin của Việt Nam?

Với việc Tô Lâm lên Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam, đây là lần đầu tiên, vị trí này do một Tướng Công an nắm giữ.

Điều đáng nói là, ông Tô Lâm hoàn toàn khác người tiền nhiệm của ông trong Bộ Công an – ông Trần Đại Quang. Ông rời Bộ Công an để lên một ghế trong “Tứ trụ”, mà vẫn đủ khả năng thu xếp được cho đàn em thay thế, nắm giữ Bộ Công an. Thực tế hiện nay, có thể xem như ông đang kiêm nhiệm 3 chức, là Tổng Bí thư, Chủ tịch nước và Bộ trưởng Bộ Công an.

Nguồn tin nội bộ cho thoibao.de biết, ông Tô Lâm vẫn chỉ đạo Bộ Công an, như khi ông còn làm Bộ trưởng. Tướng Lương Tam Quang chỉ là người thừa hành, soạn và ký các quyết định trên văn bản.

Lên Tổng Bí thư, ông Tô Lâm mặc nhiên trở thành Bí thư Quân ủy Trung ương, vị trí quyền lực nhất Bộ Quốc phòng, về mặt Đảng. Ông còn có 2 người cùng quê Hưng Yên, ở những vị trí trọng yếu trong Bộ Quốc phòng. Người thứ nhất là Thượng tướng Hoàng Xuân Chiến – Ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng. Ông Chiến là nhân vật thứ nhì trong số các thứ trưởng, sau Thứ trưởng Thường trực Nguyễn Tân Cương. Tuy nhiên, nếu thuận lợi, Tướng Chiến có thể vượt Tướng Cương, để lên làm Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, như ông Lương Tam Quang từng vượt ông Trần Quốc Tỏ trong Bộ Công an.

Ngoài tướng Chiến, Hưng Yên còn có Trung tướng Nguyễn Hồng Thái – Ủy viên Trung ương Đảng, Tư lệnh Quân khu 1.

Với vai trò Bí thư Quân ủy Trung ương, chắc chắn, ông Tô Lâm sẽ tìm mọi cách, để nâng đỡ đồng hương Hưng Yên trong Quân đội. Nếu làm được điều này, ông sẽ kiểm soát được cả Bộ Công an và Bộ Quốc phòng.

Như vậy, bài toán hiện nay của Tô Lâm, là làm sao nâng đỡ đồng hương Hưng Yên trong Bộ Quốc phòng, để tiến tới kiểm soát Bộ này.

Khi đã nắm được cả quân đội và công an trong tay, thì ông Tô Lâm hoàn toàn có thể dẹp bỏ thể chế chính trị kiểu “vua tập thể” như hiện nay, để thâu tóm hoàn toàn quyền lực. Nếu có thể dẹp bỏ luôn Bộ Chính trị, thì ông có thể thực hiện được cải cách thể chế như Gorbachev, hoặc độc quyền cai trị như Putin.

Hội nghị Trung ương 10 đang diễn ra, sớm hơn dự kiến gần 1 tháng. Đáng chú ý là, trong bài phát biểu khai mạc, ông Tô Lâm đã nhấn mạnh về việc đổi mới phương thức lãnh đạo, phương thức cầm quyền của Đảng. Theo ông, những đổi mới này tập trung vào việc thu hẹp vai trò của bộ máy Đảng, tránh chồng chéo lên bộ máy nhà nước. Nếu làm được điều này, thì ông sẽ để lại dấu ấn nổi trội nhất, so với các đời tổng bí thư trước đây.

Nhưng “cải cách thể chế”, nói thì dễ, mà thực hiện thì rất khó. Bởi nó động chạm đến quyền lợi của từng cá nhân, trong cả một bộ máy khổng lồ. Thu hẹp quyền đồng nghĩa tước mất lợi ích, chắc chắn, rất nhiều người sẽ không đồng tình, và sẽ xuất hiện sự chống đối, cả ngấm ngầm lẫn công khai.

Như vậy, để cải cách thể chế, trước hết, ông Tô Lâm phải đưa tất cả các phe phái vào khuôn khổ do ông đặt ra. Chỉ có như vậy mới có thể dập tắt được thành phần chống đối, và từ đó cải cách thể chế. Thậm chí, nếu khống chế tốt các thế lực, ông Tô Lâm có thể thay đổi chế độ, từ độc tài Đảng trị sang độc tài cá nhân.

Bàn cờ chính trị vẫn đang xoay chuyển, và thế cờ mới chỉ vừa bắt đầu, ông Tô Lâm cần rất nhiều thời gian để thực hiện việc “cải cách thể chế”, như ông trình bày. Thành hay bại vẫn chưa biết, bởi nó phụ thuộc vào kết quả đấu đá trong thời gian tới.

Hệ thống chính trị song trùng của Đảng và nhà nước, lâu nay vẫn hoạt động chồng chéo, đan xen rất phức tạp. Điều này giúp cho các quan chức, từ cao đến thấp, dù làm sai nhưng lại có cớ để đổ thừa, mà không phải chịu trách nhiệm gì. Muốn dẹp bỏ không hề dễ.

Muốn cải cách thành công, trước hết phải trị được thành phần bảo thủ trong Đảng, thậm chí là toàn Đảng. Làm được như vậy, ông Tô Lâm có thể hất Đảng xuống, để bản thân làm vua. Đây cũng là một “cuộc cách mạng” trong Đảng.

Liệu ông Tô Lâm có dám hay không?

 

Trần Chương – Thoibao.de