Việt Nam có đang ở trong thế “ngư ông đắc lợi” ở Biển Đông?

Ngày 15/9, BBC Tiếng Việt bình luận, “Vì sao Trung Quốc hung hăng với Philippines nhưng không gây hấn với Việt Nam?”

BBC cho biết, trong khi tranh chấp hàng hải kéo dài giữa Trung Quốc và Philippines leo thang đáng kể, trong những tháng gần đây, với với hàng loạt vụ va chạm tàu trên nhiều khu vực ở Biển Đông, thì chưa có ghi nhận nào về việc Bắc Kinh cản trở hoạt động bồi đắp đảo của Hà Nội, tại quần đảo Trường Sa.

Cụ thể, chỉ trong 2 tuần cuối tháng 8/2024, đã có ít nhất 3 lần, tàu Trung Quốc va chạm với tàu Philippines. Cả 2 bên đều cáo buộc bên kia cố tình đâm vào tàu mình.

BBC đề cập đến các vụ va chạm gần bãi cạn Sa Bin, thuộc quần đảo Trường Sa, điểm nóng mới sau Bãi Cỏ Mây và Bãi cạn Scarborough, giữa các tàu của Trung Quốc và Philippines, vào các ngày 19/8 và ngày 25/8.

BBC cũng cho biết, trong khi đó, Việt Nam âm thầm đẩy nhanh quá trình bồi đắp đảo, trên một số rạn san hô đang tranh chấp ở Biển Đông, với tiền đồn lớn nhất là bãi Thuyền Chài, mà cả Philippines, Malaysia và Trung Quốc, đều tuyên bố chủ quyền.

BBC lưu ý, không có hoạt động gây cản trở của Trung Quốc đối với Việt Nam.

Một động thái phản đối hiếm hoi gần đây của Trung Quốc với Việt Nam, về vấn đề Biển Đông, là khi Hà Nội nộp đệ trình Ranh giới thềm lục địa mở rộng ngoài 200 hải lý ở khu vực giữa Biển Đông, lên Liên Hợp Quốc hồi tháng 7/2024.

BBC dẫn nhận xét của nhà phân tích địa chính trị Don McLain Gill, từ Philippines, cho rằng, Việt Nam có mối quan hệ sâu sắc và rất thận trọng với Trung Quốc, khi 2 bên không can thiệp vào hệ thống chính trị của nhau, vì số lượng các đảng Cộng sản trên thế giới hiện nay, ít hơn nhiều so với khi Chiến tranh Lạnh kết thúc.

“Bên cạnh đó, Việt Nam cũng gửi những tín hiệu ôn hòa hơn tới Bắc Kinh” – ông Gill đánh giá.

Một lí do khác được nhắc đến, là vì, Việt Nam cũng khéo léo cân bằng mối quan hệ với Bắc Kinh, trong tình hình thế giới phức tạp hiện nay, đang dần hình thành phe phái.

BBC dẫn ý kiến của Thạc sĩ Hoàng Việt, từ Sài Gòn, cho rằng, Trung Quốc cũng muốn giữ hình ảnh với Việt Nam, khi đang cạnh tranh ảnh hưởng quyết liệt với Mỹ.

Dưới góc nhìn cá nhân, ông Việt nhấn mạnh rằng, hoạt động bồi đắp đảo của Việt Nam đã diễn ra từ lâu, và chỉ bồi đắp trên những thực thể mà Việt Nam đã chiếm giữ từ trước, trong khi, Trung Quốc mới là bên bồi đắp nhiều nhất, và còn quân sự hóa các thực thể này.

BBC nhấn mạnh, trong khi Việt Nam theo đuổi chiến lược “ngoại giao không liên kết”, và không có bất kỳ hiệp ước liên minh nào, thì nền chính trị và ngoại giao của Philippines đã biến động mạnh trong những năm qua.

Có thể thấy, trái với người tiền nhiệm Rodrigo Duterte – giữ chức từ năm 2016 đến 2022, được xem là thân Trung Quốc, Tổng thống đương nhiệm Ferdinand Marcos Jr. cho thấy cách tiếp cận khác biệt rõ rệt.

Kể từ khi ông Marcos Jr. nhậm chức vào tháng 6/2022, ông đã đảo ngược chính sách của người tiền nhiệm, bằng cách đổi sang giải quyết vấn đề một cách trực diện.

Theo BBC, trong khối ASEAN, Philippines là nước cứng rắn nhất đối với Trung Quốc liên quan đến vấn đề Biển Đông, và cũng đang thắt chặt quan hệ đồng minh với Mỹ, trong khi, Mỹ và Trung Quốc đang cạnh tranh quyền lực gay gắt ở Tây Thái Bình Dương.

BBC dẫn bình luận của Tiến sĩ Ian Storey, rằng, Trung Quốc đã quá bận rộn với Philippines, và không muốn gây ra một cuộc tranh chấp khác.

Tuy nhiên, ông Storey cho rằng, điều đó không có nghĩa là Hà Nội thoát khỏi chiến thuật “vùng xám” của Trung Quốc. Với hình thức sử dụng các lực lượng phi chính quy, chứ không phải lực lượng vũ trang trực tiếp với quy mô lớn, Trung Quốc không để xung đột vượt ngưỡng, thành chiến tranh nóng, hoặc tiệm cận chiến tranh, cách mà họ đã sử dụng ngày càng nhiều trong những năm qua.

 

Minh Vũ – thoibao.de