Hai vấn đề quan trọng để chống tham nhũng

Ngày 22/5, blog Lê Quốc Quân trên VOA Tiếng Việt bình luận “Chính trị Việt Nam “lửa cháy leo bàn cờ”’.

Tác giả cho biết, không chỉ trong nước, báo chí quốc tế theo dõi rất sát sao và đưa tin nhiều về những xáo trộn ở chính trường Việt Nam.

Tác giả nhận định, công cuộc “đốt lò” mà ông Trọng khởi xướng chưa kịp làm giảm tham nhũng, nhưng đã kịp làm cho bộ máy hành chính “tê liệt”, và sự thiệt hại đã thấy rõ. Dữ liệu thị trường chứng khoán cho thấy, kể từ đầu năm 2023, các nhà đầu tư nước ngoài đã bán đi khoảng 2 tỷ USD chứng khoán. Đồng thời, “Việt Nam đã mất ít nhất 2,5 tỷ USD viện trợ nước ngoài trong 3 năm qua và có thể mất thêm 1 tỷ USD nữa do tình trạng tê liệt bộ máy hành chính” – theo VOA.

Tác giả bình luận, bàn cờ chính trị Việt Nam rung lắc và các quân cờ thì đang tán loạn. Nhưng có vẻ như, nó vẫn đảm bảo một sự vững chắc nhất định. Đảng Cộng sản vẫn là người đang sắp đặt các quân cờ, và chơi cờ trên đầu dân tộc Việt Nam. Đảng chủ động đứng ngoài sự can thiệp của nhân dân trên mọi phương diện, nhưng đang có xu hướng chọn, và được “chống lưng” bằng một phe mới trên thế giới đang hình thành.

Tác giả phân tích, bầu cử chính là giai đoạn mà ý chí và nguyện vọng của nhân dân bị Đảng tước đoạt. Đảng “cài cắm” hơn 97% thành viên của mình trong Quốc hội, công nhiên đặt Hiến pháp dưới Cương lĩnh Đảng, Luật pháp dưới “Đảng quy”.

Chính vì vậy, Đảng có thể chủ động di chuyển, thay đổi những quân cờ bằng cách kỷ luật, buộc thôi việc và khai trừ các cá nhân sai phạm, rồi yêu cầu Quốc hội thực hiện những công việc hoàn toàn mang tính thủ tục, để hợp thức hoá.

Cho nên, tác giả đánh giá, dù đang có những xáo trộn dữ dội ở thượng tầng, thì vai trò cầm quyền của Đảng hoàn toàn không bị thách thức ở bất cứ khâu nào.

Trong suốt hơn 70 năm qua, Đảng đã “bê tông hoá” bàn cờ, bằng cách tuyên truyền liên tục về sự vĩ đại vô song và vinh quang rực rỡ. Song song với việc tuyên truyền là tiến hành “nhược hoá” nhân dân, bằng tăng cường đàn áp các tiếng nói bất đồng, làm cho không một tổ chức đối lập nào có thể tập hợp được quần chúng, chuẩn bị cho những thay đổi có thể xảy ra.

Tác giả đề cập đến Chỉ thị mật 24, nhằm “Bảo đảm vững chắc an ninh quốc gia trong bối cảnh hội nhập quốc tế toàn diện, sâu rộng”. Chỉ thị này đã trở thành cơ sở cho hàng loạt vụ bắt bớ về tội “trốn thuế”, đối với những nhà hoạt động môi trường ôn hoà.

Tác giả cho rằng, tham nhũng là sự tha hoá trong việc sử dụng quyền lực, là khuyết tật của quyền lực và là thuộc tính có sẵn, gắn liền với quyền lực. Tham nhũng tồn tại suốt chiều dài lịch sử và có mặt ở mọi nơi, mọi quốc gia, bất luận là nó độc tài hay dân chủ.

Tham nhũng và phòng chống tham nhũng cũng bắt đầu rất sớm trong lịch sử Việt Nam. Từ thời Lý – Lê đã có những luật định, những chế tài xử phạt tội tham nhũng.

Để phòng chống được tham nhũng, theo tác giả, có hai vấn đề quan trọng nhất:

  • Một là, phải xây dựng một mức lương cao đủ sống cho cán bộ công chức, xây dựng được một nền đạo đức công vụ tốt, và sự liêm chính của các công chức;
  • Hai là, phải xây dựng được hệ thống pháp luật nghiêm minh, các thiết chế độc lập đủ mạnh, trách nhiệm giải trình cao, với sự giám sát của xã hội dân sự và báo chí tự do.

Vẫn theo tác giả, vì đang làm chủ cuộc chơi, Đảng Cộng sản hoàn toàn có thể thực hiện được những điều trên.

Đảng có thể giải tán hoặc biến tất cả những “cơ quan đoàn thể” đang ăn bám, trở thành những tổ chức hoàn toàn dân sự.

Đó sẽ là những bước cải tổ đầu tiên, nếu không, lửa vẫn sẽ tiếp tục bùng to, làm cháy cả lò, cháy luôn cả bàn cờ tưởng như rất vững chắc mà Đảng đã dày công xây dựng.

 

Thu Phương – thoibao.de

Kasse animation 7.8.2023