Đảng “khoan sức dân” bằng “mũi khoan” sắc nhọn!

Đảng Cộng sản Việt Nam vẫn luôn tự vỗ ngực là “đỉnh cao trí tuệ”, là người đưa Việt tộc “đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác”. Kể từ khi ra đời đến nay, Đảng chưa bao giờ sai, từ mô hình thể chế, đến đấu tranh giai cấp, đến nội chiến tương tàn, hay cải cách ruộng đất… dù có chết hàng triệu người thì Đảng vẫn luôn đúng. Nếu có sai, thì lãnh đạo Đảng chỉ cần nhỏ vài giọt nước mắt, lấy khăn chấm chấm như “ai đó” là xong.

Đến thời mở cửa 1986, kinh tế thay đổi do có hơi hướng thị trường, Đảng nhân cơ hội bốc phét, nào là GDP luôn tăng trưởng vào hàng nhất thế giới, nào là lạm phát thấp nhất thế giới… với những con số, mà đôi khi, các chuyên gia cũng phải kinh ngạc vì không biết từ đâu ra.

Ấy vậy mà, hôm 20/5, có một vị quan phó của Chính phủ – ông Lê Minh Khái – lại tỏ ra khá “thật thà”, thừa nhận khi đăng đàn Quốc hội: Nền kinh tế đang đối mặt với áp lực ngày càng lớn, nhất là trong kiểm soát lạm phát, điều hành lãi suất, tỉ giá; tăng trưởng tín dụng còn thấp; giá vàng biến động mạnh; Đồng bằng Sông Cửu Long gặp nhiều khó khăn do hạn hán, xâm nhập mặn kéo dài và nặng nề hơn….

Điều đó càng khẳng định sự thật, khi người dân đã khốn khó suốt gần 3 năm nay. Nay quan trên lại thừa nhận khó khăn, khiến dân thêm “lạnh gáy” hơn.

Nhất là khi, cả Phó Thủ tướng Khái và Bộ trưởng Tài chính Phớc khoe: Thu ngân sách tăng hơn 10% so với cùng kỳ năm ngoái, đạt 43,1% dự toán, trong 4 tháng đầu năm 2024! Càng kinh khủng hơn, cái sự tăng thu ngân sách này là tăng từ thu nội địa (gần 13%), trong khi thu từ xuất khẩu giảm (gần 6%).

Dân bàng hoàng, kinh tế suy thoái, hàng triệu người thất nghiệp, hàng trăm ngàn doanh nghiệp đóng cửa… vậy nguồn ở đâu để “các ông” tăng thu?

Đến đây thì, không cần phải là chuyên gia tài chính, cũng phải cảm thán thốt lên: “Ối giời ôi!”, bởi tăng thu nội địa, thì có nguồn nào khác ngoài tăng thuế của dân, nghĩa là tận thu từ dân, vắt kiệt hầu bao của dân!

Không cần tìm hiểu đâu xa, chỉ cần vòng quanh các tờ báo quốc doanh, thì có thể dễ dang liệt kê ra các nguồn tận thu của “các ông”.

Nguồn thu mới nhất của “đỉnh cao trí tuệ” là “phí cho thuê vỉa hè”. Vỉa hè là nơi kiếm cơm của dân lao động nghèo, những người chạy ăn từng bữa, với các xe bánh mì, nước giải khát… khó khăn là thế. Vậy mà “các ông” cũng có thể nghĩ ra, để tận thu, vào đúng cái buổi chợ chiều, ế sưng ế xỉa.

Báo quốc doanh còn reo hò, cổ vũ: Nhờ thu phí mà vỉa hè ngăn nắp, trật tự!

Nhưng tuyệt đại đa số người dân lại không tin, bởi vỉa hè nó sờ sờ trước mắt, ai cũng có thể thấy.

Dạo quanh vài khu chợ thì, sẽ nghe biết bao lời ta thán. Không nói đâu xa, chỉ ngay chợ An Đông, chợ Tân Định – toàn là chợ lớn ở ngay những khu vực trung tâm, sầm uất của Sài Gòn. Nhưng rất nhiều sạp hàng đóng cửa, nhiều tiểu thương chơi điện thoại thay vì bán hàng. Rất nhiều tiểu thương than vãn, hàng quán ế ẩm suốt mấy năm nay, mà “ông nhà nước” không giảm một đồng thuế nào, ban quản lý chợ không giảm đồng phí nào. Bao nhiêu đơn thư xin giảm thuế, giãn nợ, đều như ném vào thinh không, không hồi âm, không xem xét.

Trả lời phỏng vấn Thời báo Tài chính Việt Nam, Bộ trưởng Phớc hô hào, phải “khoan sức dân”. Nhưng công luận đánh giá, có lẽ, ông Phớc và giới lãnh đạo Việt Nam đang sử dụng “mũi khoan” sắc nhọn, để khoan xuyên, khoan thủng sức dân, chứ không phải là khoan thư, khoan giãn cho dân. Điều đó chứng tỏ, các ông không “nuôi dưỡng sức dân”, mà các ông “nuôi dưỡng nguồn thu” – như chính lời ông Phớc. Và lãnh đạo Việt Nam chỉ coi dân là cái mỏ, để các ông vơ vét, tận thu.

Dù Phó Thủ tướng Lê Minh Khái tỏ ra khá “thật thà”, thừa nhận khó khăn, nhưng ông vẫn không thoát khỏi thói quen “đổ thừa” của lãnh đạo Cộng sản, lấy lý do kinh tế – chính trị thế giới biến động mạnh.

Nghĩa là, ông vẫn tiếp tục cùng với các bậc tiền bối lãnh đạo của ông, chơi trò đổ lỗi cho những lý do khách quan, cho thế giới, và cho cả “bọn thù địch” đánh phá nữa.

Ông Khái vẫn không dám chỉ ra nguyên nhân căn bản, nguyên nhân gốc rễ: Đó là thể chế độc tài toàn trị; đó là lợi ích nhóm huỷ hoại sự phá triển của đất nước, tàn phá môi trường…; đó là cuộc tranh ăn ở cung đình khiến bộ máy hành chính tê liệt, khiến nhà đầu tư hốt hoảng bỏ đi…

Mới đây, ngày 17/5, báo chí quốc tế loan, Việt Nam đã mất 2.5 tỷ USD viện trợ nước ngoài, và có nguy cơ sẽ mất thêm 1 tỷ USD nữa, bởi bộ máy hành chính tê liệt, khiến các gói viện trợ bị quá hạn, không thể giải ngân. Hơn nữa, gói tài trợ để chuyển đổi năng lượng xanh của các nước G7 cũng không giải ngân được đồng nào.

Cùng ngày 17/5, cũng báo chí quốc tế loan tin, hơn 2 tỷ USD đã bị các nhà đầu tư nước ngoài rút khỏi thị trường chứng khoán Việt Nam, do lo ngại về sự bất ổn chính trị ở Việt Nam.

 

Chúc Anh – thoibao.de

Kasse animation 7.8.2023