Ban Bảo vệ Chăm sóc sức khỏe Trung ương, hay Ban “thuốc” các “đồng chí Trung ương”?

Đảng Cộng sản Việt Nam lập ra Ban Bảo vệ, Chăm sóc sức khỏe Trung ương, nhằm mục đích chăm lo sức khỏe cho quan chức cấp cao. Như vậy, cán bộ ở cấp càng cao, thì càng được hưởng chế độ ưu đãi. Đây chính là cách đối xử bất bình đẳng, một hình thức phân biệt giai cấp, mà chính Đảng luôn bài bác.

Ban Bảo vệ, Chăm sóc sức khỏe Trung ương được ví như Bộ Y tế thu nhỏ của Đảng. Những Bộ trưởng Bộ Y tế hết nhiệm kỳ, nếu giỏi chuyên môn và được Tổng Bí thư tin tưởng, thì được giao chức Trưởng ban này. Nhiệm vụ của cơ quan này là chăm sóc và nâng cao sức khỏe cho cán bộ thuộc diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý, kể cả đương chức lẫn đã nghỉ hưu.

Mặc dù được biệt đãi như thế, nhưng những năm gần đây, các quan chức ngã bệnh thường chọn cách ra nước ngoài chữa bệnh, chứ không chịu để Ban này chăm sóc. Có thể kể đến như: ông Nguyễn Bá Thanh đi Mỹ; ông Phùng Quang Thanh đi Pháp; ông Trần Đại Quang đi Nhật; ông Lê Văn Thành đi Nhật vv… Tuy nhiên, chỉ có ông Nguyễn Phú Trọng, dù nhiều lần ngã bệnh cũng chỉ chọn chữa bệnh trong nước, chứ không ra nước ngoài.

Nếu nói, chất lượng khám chữa bệnh của nước ngoài tốt hơn, thì tại sao, lãnh đạo Đảng cao nhất là ông Trọng lại chọn chữa trị trong nước? Còn nếu nói, Ban Chăm sóc sức khỏe Trung ương chữa bệnh không thua gì nước ngoài, thì tại sao, nhiều quan chức lại chọn đi nước ngoài chữa bệnh?

Một nguồn tin cho chúng tôi biết, đã từ lâu, Ban Bảo vệ Chăm sóc sức khỏe Trung ương trở thành công cụ để các phe kiểm soát sức khỏe của đối thủ. Thông tin về sức khoẻ có thể trở thành một yếu tố quan trọng, mà các phe sử dụng để loại nhau trên bàn cờ chính trị. Cho nên, không ai muốn tình trạng sức khỏe của mình bị Ban này biết được, vì vậy, quan chức cấp cao lại từ chối ưu đãi mà Đảng dành cho họ.

Một nguyên nhân khác được cho là quan trọng nhất, đó là, Ban Bảo vệ Chăm sóc sức khỏe Trung ương có thể tham gia vào trò đấu đá nội bộ. Nghĩa là, thay vì chữa bệnh, họ lại làm cho bệnh trở nên nghiêm trọng hơn, từ đó, giúp phe cánh loại bỏ đối thủ ra khỏi vũ đài chính trị.

Vì những lý do trên, những quan chức nào muốn tự bảo vệ sức khỏe của chính mình, thì chọn ra nước ngoài khám chữa bệnh. Bệnh viện ở nước ngoài chỉ có mục đích duy nhất là cứu người. Còn bệnh viện ở Việt Nam, vì nhiều lý do, có thể lại đặt “nhiệm vụ chính trị” lên trên lương tâm của nghề y.

Hầu như trong Đảng, không mấy ai tin vào sự chăm sóc của Ban Bảo vệ Chăm sóc sức khỏe Trung ương. Ngay cả ông Trọng, dù chọn điều trị trong nước, nhưng vẫn tin bác sĩ Trung Quốc hơn là tin bác sĩ của Bệnh viện Quân y 108. Chỉ cần một nhân viên y tế trong đó là người của đối thủ, thì tính mạng của ông Tổng sẽ khó bảo toàn.

Một nguồn tin từ nội bộ cho chúng tôi biết, ông Nguyễn Quốc Triệu – cựu Trưởng ban Bảo vệ Chăm sóc sức khỏe cán bộ Trung ương, cựu Bộ trưởng Bộ Y tế, đang bị nhiễm “bệnh lạ” giống Trần Đại Quang. Ông Triệu từng nhiều năm làm nhiệm vụ “chăm sóc sức khỏe” cho các “đồng chí”, giờ chính ông lại bị “đồng chí” đầu độc?

Ông Nguyễn Chí Vịnh đã chết vì “ung thư”. Nguồn tin nội bộ cho biết, ông Vịnh chết vì “biết quá nhiều”. Ông từng là Tổng cục trưởng Tổng cục Tình báo Quân đội. Khi về hưu, ông lại không tự bảo vệ được mình, nên bị nhiễm bệnh hết sức bí ẩn. Ông Vịnh không đi Trung Quốc nên khó mà nghi ngờ là “bạn vàng” ra tay. Chỉ có khả năng, ông bị “đồng chí” của ông “chăm sóc sức khỏe” mà thôi. Tất nhiên, ông Nguyễn Chí Vịnh cũng thuộc diện được Ban Bảo vệ Chăm sóc sức khỏe Trung ương chăm sóc.

Ông Nguyễn Quốc Triệu là người biết nhiều thông tin về bệnh tình của các đồng chí trong Trung ương. Ông cũng thuộc loại người “biết quá nhiều”, tương tự ông Nguyễn Chí Vịnh.

 

Hoàng Phúc – Thoibao.de

Kasse animation 7.8.2023