Vì sao Tô Đại thối lui, chơi bài “hai mặt”: Biểu hiện của sự thất thế?

Công cuộc chống tham nhũng và công tác nhân sự của Tổng Trọng đã hoàn toàn thất bại. Đây là điều không thể chối cãi.

Nhận xét về chất lượng của Ban Chấp hành Trung ương đảng khóa 13 này, chính báo điện tử của Đảng Cộng sản Việt Nam đã thừa nhận:

“Mới quá nửa nhiệm kỳ Đại hội 13, đã có 20 Ủy viên Trung ương bị kỷ luật vì các nguyên nhân khác nhau. Trong số đó, nhiều người đã bị truy tố trước pháp luật.”

Công luận thấy rằng, một trong những nguyên nhân thất bại, đó là, người đứng đầu Đảng đã “nói không đi đôi với làm”, tùy tiện khi ra các quyết định và không tôn trọng nguyên tắc lãnh đạo tập thể. Quan trọng hơn, Tổng Trọng đã không gương mẫu trong việc chấp hành Điều lệ Đảng, trên cương vị người đứng đầu.

Để hạn chế sự chuyên quyền của vị trí Tổng Bí thư, Điều 17 Điều lệ Đảng Cộng sản Việt Nam quy định, chức vụ “Tổng Bí thư không quá 2 nhiệm kỳ liên tiếp”.

Vậy mà, tại Đại hội Đảng 13, ông Trọng lại ứng cử tiếp một nhiệm kỳ – nhiệm kỳ thứ 3 của ông, trên cương vị Tổng Bí thư. Ông Trọng tự đặt ra ngoại lệ, và tự cho mình là “trường hợp đặc biệt”, để tiếp tục giữ chức vụ Tổng Bí thư nhiệm kỳ thứ 3.

Từ sự vi phạm Điều lệ Đảng một cách trắng trợn của ông Trọng, đã khiến các ứng viên đủ tiêu chuẩn để ứng cử chức Tổng Bí thư, tự ý phá rào. Họ không còn ngồi yên chờ sự phân công của Đảng, chờ sự sắp xếp nhân sự, theo Điều lệ Đảng quy định. Bất kỳ ai có đủ khả năng thì đều ra tay triệt hạ đối thủ, bằng mọi thủ đoạn, mà Tô Lâm là một ví dụ điển hình.

Cho đến nay, 2 ghế trong “Tứ trụ” đầy quyền lực, do ông Võ Văn Thưởng và ông Vương Đình Huệ bỏ lại, vẫn đang bỏ trống. Điều đó cho thấy, mâu thuẫn trong nội bộ lãnh đạo cấp cao của Đảng đang hết sức sâu sắc, và không thể thỏa thuận, không thể dung hoà.

Điều đó càng cho thấy, quyền uy của Tổng Trọng trong Đảng đã suy giảm nghiêm trọng, và sự đấu đá trong nội bộ Đảng đang ngày càng lên cao.

Nhà báo David Hutt, mới đây đã nhận xét trên trang Asia Sentinel rằng:

“Những nỗ lực tưởng chừng đáng khen nhằm diệt tham nhũng của Đảng Cộng sản Việt Nam, nay đã trở thành những trò ăn thịt lẫn nhau thật cay đắng.”

Ông David Hutt đã đề cập đến chuyện Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ – một nhân vật hiếm hoi có vẻ là có năng lực nhất, trong số quan chức hàng đầu của Đảng, vừa bị buộc nghỉ hưu. Và ông Hutt cho rằng, “mọi thứ trong nội bộ Đảng, nay là một tiến trình rõ ràng: Con thú nào quyền lực nhất, sẽ ăn thịt đồng loại để chiếm chỗ.”

Điều này tương tự câu chuyện đã xảy ra trước Đại hội 12 của Đảng. Lúc đó, nhờ vào Trung Quốc, ông Trọng đã hất cựu Thủ tướng 2 nhiệm kỳ Nguyễn Tấn Dũng về vườn, để ông ngồi vào ghế Tổng Bí thư.

Tuy nhiên, lúc này, ông Tô Lâm lại có thái độ rất khó hiểu, khó giải thích. Và câu hỏi đặt ra là: Bộ trưởng Tô Lâm đóng vai trò gì trong cuộc chiến “vương quyền” hiện nay?

Tại cuộc họp báo Chính phủ thường kỳ, ngày 4/5, Trung tướng Tô Ân Xô  người phát ngôn Bộ Công an cho biết, khi báo cáo Tổng Trọng về kết quả của một số vụ án lớn, “Tổng Bí thư đã khen ngợi Bộ Công an”.

Tướng Xô cho biết thêm, Tổng Bí thư cũng yêu cầu Bộ Công an tiếp tục quyết tâm, quyết liệt hơn, theo tinh thần thượng tôn pháp luật, không có vùng cấm, không có ngoại lệ, mọi người đều bình đẳng trước pháp luật.

Điều này cho thấy, Tướng Xô đang cố chứng minh với công luận rằng, Bộ trưởng Tô Lâm và Bộ Công an chỉ thực hiện vai trò chống tham nhũng, dưới sự chỉ đạo của Tổng Bí thư, và theo ý muốn của Tổng Bí thư. Không có chuyện “tranh quyền đoạt vị” đối với Tổng Trọng, như “các thế lực thù địch kích động, xuyên tạc và bôi nhọ”.

Tuy nhiên, công luận cho rằng, cách thể hiện của Bộ Công an không thuyết phục. Có người đặt câu hỏi: Tại sao ông Tô Lâm chỉ nhằm vào các ứng viên tiềm năng cho chức Tổng Bí thư tại Đại hội 14 để “chặt”? Đó là các nhân vật: Nguyễn Xuân Phúc, Võ Văn Thưởng, Vương Đình Huệ, và sắp tới có lẽ là bà Trương Thị Mai.

Trong khi đó, Tổng Trọng trong thời gian gần đây đã im hơi lặng tiếng, có lẽ vì chưa hết “bàng hoàng” trước những cú tấn công trực diện, “vuốt mặt, không nể mũi” của ông Tô Lâm. Và không có bằng chứng nào, hình ảnh, ghi âm hoặc nhân chứng, xác nhận ông Trọng đã nói những lời mà Tướng Xô kể.

Phải chăng, Bộ trưởng Công an Tô Lâm và phe cánh đang sử dụng lá bài “hai mặt”, trong canh bạc “vương quyền”, nhằm che mắt thiên hạ. Hay đó là những biểu hiện thất thế bước đầu của Tô Đại tướng? Khi mà đang có những đồn đoán về thái độ của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng – Đại tướng Phan Văn Giang.

Chúng ta hãy chờ xem!/.

 

Trà My – Thoibao.de

Kasse animation 7.8.2023