Vì sao Đại sứ quán Hàn Quốc tại Việt Nam lại thuộc danh sách có nguy cơ bị Bắc Hàn tấn công?

Ngày 3/5, BBC Tiếng Việt cho hay “Đại sứ quán Hàn Quốc tại Việt Nam nâng mức cảnh báo nguy cơ khủng bố, vì sao?”

Theo đó, Bộ Ngoại giao Hàn Quốc đã nâng mức cảnh báo khủng bố của Đại sứ quán nước này tại Việt Nam lên mức “báo động”, vào ngày 2/5. Đây là mức cao thứ 2 trong số 4 mức phân loại nguy cơ khủng bố của Hàn Quốc.

Bốn mức độ phân loại nguy cơ khủng bố của Hàn Quốc, từ thấp đến cao lần lượt là “Chú ý”, “Cảnh giác”, “Báo động” và “Nghiêm trọng”.

BBC cho biết, Hàn Quốc có một Đại sứ quán ở Việt Nam, nằm ở quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội, và 2 tổng lãnh sự quán ở Đà Nẵng và Sài Gòn.

Bên cạnh đó, các đại sứ quán, lãnh sự quán Hàn Quốc ở Campuchia, Lào, Nga và Trung Quốc, cũng đã nâng cảnh báo khủng bố lên mức này.

BBC dẫn báo Bưu điện Hoa Nam Buổi sáng, theo đó, các đặc vụ của Bắc Hàn sẽ “dễ hành động hơn” ở các quốc gia thân thiện với Bình Nhưỡng.

Theo BBC, quan hệ hữu nghị truyền thống giữa Việt Nam và Bắc Hàn được Chủ tịch Hồ Chí Minh và Chủ tịch Kim Nhật Thành đặt nền móng từ giữa thế kỷ 20, khi 2 bên thiết lập quan hệ ngoại giao từ tháng 1/1950 đến nay.

Vào năm 2019, ông Kim Jong-un đã chọn Hà Nội làm địa điểm cho cuộc gặp với Tổng thống Mỹ Donald Trump.

BBC dẫn Bộ Ngoại giao Hàn Quốc cùng Văn phòng Điều phối Chính sách Chính phủ Hàn Quốc cho biết:

“Những sự điều chỉnh này là phản ứng [của Hàn Quốc], trước thông tin tình báo được các cơ quan của chúng tôi thu thập, cho thấy, những nỗ lực đe dọa của Bắc Hàn tới quan chức ngoại giao [Hàn Quốc]”.

BBC cũng dẫn tuyên bố của Cơ quan Tình báo Quốc gia của Hàn Quốc (NIS) cho biết, đã có “một số dấu hiệu cho thấy Bắc Hàn đang chuẩn bị thực hiện các cuộc tấn công khủng bố vào các nhà ngoại giao và công dân Hàn Quốc”.

Cơ quan này cho biết, Bắc Hàn đã điều động các đặc vụ Chính phủ, tăng cường giám sát các hoạt động ngoại giao của Hàn Quốc, và xác định mục tiêu cho các vụ tấn công khủng bố có thể xảy ra.

Ở chiều ngược lại, BBC dẫn truyền thông nhà nước của Bắc Hàn, chỉ trích những cáo buộc nói trên, cho rằng, đây là nỗ lực do Mỹ dẫn dắt, nhằm làm suy giảm uy tín của Bình Nhưỡng.

Bài viết trên Bưu điện Hoa Nam Buổi sáng cũng dẫn lời ông Cho Han-bum, nhà nghiên cứu cấp cao tại Viện Thống nhất Quốc gia Hàn Quốc, nhận định rằng, mối đe dọa khủng bố từ Bắc Hàn trùng khớp với sự thay đổi quan điểm của Bình Nhưỡng về mối quan hệ với Hàn Quốc. Bắc Hàn đã chuyển hướng quan điểm từ mong muốn hợp nhất với Hàn Quốc, sang thành “2 nước đối đầu”.

BBC cho hay, từ năm 2009 đến nay, đây là lần đầu tiên mức cảnh báo khủng bố được tăng liền 2 bậc.

Năm 2009, mức cảnh báo đã được nâng từ “Cảnh giác” lên “Nghiêm trọng”, khi Hàn Quốc chuẩn bị cho Hội nghị Thượng đỉnh Đặc biệt ASEAN – Hàn Quốc, tại đảo Jeju ở miền nam.

Năm 2018, trong thời gian diễn ra Thế vận hội Mùa Đông Pyeongchang; và năm 2019, trong thời gian tổ chức Hội nghị ASEAN – Hàn Quốc tại thành phố Busan, cảnh báo đã được nâng lên mức “Nghiêm trọng”.

Bên cạnh đó, BBC liệt kê những vụ tấn công khủng bố bị nghi ngờ do Bắc Hàn thực hiện ở nước ngoài, như:

Vụ ám sát ông Kim Jong-nam, anh cùng cha khác mẹ với ông Kim Jong-un, bằng chất độc thần kinh VX tại sân bay quốc tế Kuala Lumpur, Malaysia, năm 2017.

Vụ Tham tán Văn hóa Choi Duk-keun, làm việc tại Lãnh sự quán Hàn Quốc ở Nga, bị một kẻ tấn công không rõ danh tính đánh chết vào năm 1996.

Vụ đánh bom nhằm vào Tổng thống Hàn Quốc Chun Doo-hwan, ở thành phố Yangon, Myanmar, năm 1983. Ông Chun sống sót, nhưng 21 người khác đã thiệt mạng, bao gồm 17 lãnh đạo cấp cao của Hàn Quốc.

Nhiều vụ tấn công dân thường trong thời kỳ Chiến tranh lạnh (1947 – 1991), bao gồm các vụ đánh bom ở sân bay Seoul, và vụ đánh bom máy bay dân dụng của Hàn Quốc vào năm 1987, khiến 115 người thiệt mạng.

 

Minh Vũ – thoibao.de

Kasse animation 7.8.2023