Tô “đại náo cung đình”, Quốc hội chưa quyết được nhân sự cho 2 trụ trống!

Như vậy là, cuộc họp bất thường lần thứ 7 của Quốc hội khóa 15 đã diễn ra, nhưng chỉ giải quyết việc miễn nhiệm các chức vụ của ông Vương Đình Huệ, chứ không bầu bán nhân sự cho 2 vị trí Tứ trụ mới bị rụng, trong vòng hơn 1 tháng qua. Ông Trần Thanh Mẫn được phân công tạm quyền, điều hành Quốc hội thay cho Chủ tịch. Đây là điều tất yếu, bởi ông Trần Thanh Mẫn là Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội, theo luật, ông là người tạm quyền khi vắng Chủ tịch Quốc hội.

Quốc hội không bầu Chủ tịch nước và Chủ tịch Quốc hội, điều đó có nghĩa là, Hội nghị Trung ương bất thường lần thứ 7 vừa qua chưa quyết được ai trám vào 2 vị trí này. Trước Hội nghị Trung ương bất thường 1 ngày là cuộc họp Bộ Chính trị. Lúc đó, thông tin nội bộ rò rỉ là, Bộ Chính trị quyết định ông Trần Thanh Mẫn ngồi vào vị trí Chủ tịch nước, và bà Trương Thị Mai ngồi ghế Chủ tịch Quốc hội.

Thực tế hôm nay cho thấy, cuộc đấu đá ở Bộ Chính trị vẫn đang bất phân thắng bại, và Hội nghị Trung ương bất thường sau đó cũng chưa thể quyết định được vấn đề nhân sự. Do đó, Quốc hội chưa có gì để gật, bởi cái gọi là Quốc hội của chế độ này chỉ là bù nhìn.

Nhân sự Bộ Chính trị đang khủng hoảng nghiêm trọng. Trước đây, ông Trọng đã ra tay mạnh khiến nhiều uỷ viên Bộ Chính trị rơi rụng. Đến lượt Tô Lâm, sau khi tạo phản, ông còn đánh mạnh hơn cả Tổng Bí thư. Theo thường lệ, khi Bộ Chính trị thiếu hụt nhân sự, thì sẽ tổ chức bầu bổ sung. Nhưng đến nay, dù Bộ Chính trị đã khuyết đến 5/18 người, mà vẫn không bầu bổ sung được người nào. Nguyên nhân cũng vì các phe giành suất bổ sung cho phe mình.

Tứ trụ hao hụt một nửa, Bộ Chính trị hao gần ⅓, trong khi đó, nhân sự đang chờ để được thay thế không thiếu, nhưng vẫn không có ai được chọn. Nguyên nhân là do Tô Lâm đại náo cung đình. Các ghế, các vị trí, từ Tứ trụ, đến Bộ Chính trị và cả Trung ương Đảng, đều bị Tô Lâm làm khó, ngăn cản. Vì ông Tô Lâm muốn nhóm Hưng Yên của ông phải có phần trong nhóm được bầu bổ sung.

Hiện nay, có khả năng, ông Tô Lâm sẽ tiếp tục cho đốn thêm uỷ viên Bộ Chính trị. Bất kỳ ai, bất kỳ phe nào có nguy cơ đe dọa sức mạnh chính trị của phe Hưng Yên, đều là đối tượng bị Tô Lâm nhắm vào. Tô Lâm có rất nhiều kẻ thù, ngoài nhóm Nghệ An – Hà Tĩnh, thì còn có nhóm Ninh Bình – cũng là một nhóm địa phương rất mạnh.

Nhóm Ninh Bình hiện đang có 1 uỷ viên Bộ Chính trị và 6 uỷ viên Trung ương Đảng. So với nhóm Hưng Yên của Tô Lâm, thì nhóm Ninh Bình nhiều hơn 1 uỷ viên Trung ương. Nhóm Ninh Bình trước đây do ông Trần Đại Quang cầm đầu, và có nhiều “ân oán giang hồ” với Tô Lâm ở Bộ Công an. Nếu ông Trần Quốc Tỏ được Tập Cận Bình chiếu cố, và vào được Bộ Chính trị, thì lúc đó, sức mạnh của nhóm Ninh Bình sẽ nhân lên gấp bội, đe dọa nhóm Hưng Yên của Tô Lâm ngay trong Bộ Chính trị và trong Bộ Công an.

Việc loại bỏ ông Trọng ra khỏi ngai vàng đang là thách thức vô cùng lớn đối với Tô Lâm. Điều đặc biệt là, ông Nguyễn Phú Trọng vẫn đang nắm Bộ Quốc Phòng về mặt Đảng. Chỉ cần ông Trọng bắt tay với Phan Văn Giang, thì Tô Lâm hết cửa.

Hiện nay, ông Phan Văn Giang đang ngồi im quan sát, chưa biết ý ông như thế nào. Tuy nhiên, để khắc chế được sức mạnh “súng đạn”, thì chỉ có thể là có “súng đạn” mạnh hơn. Nếu Phan Văn Giang ra mặt, ưu thế của Tô Lâm sẽ không còn như trước được.

Khả năng không đốn được Tổng Trọng lúc này, nhưng Tô Lâm sẽ cho đốn bất kỳ thế lực nào được cho là vây cánh của ông Tổng bí thư. Cho đến nay, vẫn chưa có dấu hiệu Phan Văn Giang ngả về phe ông Tổng. Nếu Phan Văn Giang công khai ủng hộ ông Tổng, thì việc chạm trán với Tô Lâm là điều khó tránh khỏi.

Nếu Tô Lâm cho đốn loạn xạ ở Bộ Chính trị, và cản trở việc bầu bổ sung, rất có thể, sẽ tới lúc Phan Văn Giang lên tiếng. Lúc đó Triều đình Cộng Sản sẽ có “phim hay” phục vụ cho toàn dân xem.

 

Trần Chương – Thoibao.de

Kasse animation 7.8.2023