Bám chân Huệ cầu viện Tập, liệu Trần Quốc Tỏ và Trần Lưu Quang có được “chiếu cố”?

Chuyến viếng thăm của ông Vương Đình Huệ sang Bắc Kinh ngày 7/4, được xem như là chuyến đi “cầu viện”. Lúc ấy, Vương Đình Huệ đang tìm mọi cách để cứu vãn tình thế trước đòn tấn công của Tô Lâm. Chuyến đi này khá dài ngày, và có những nhân vật đang muốn vào Bộ Chính trị cũng tháp tùng, đó là Trần Quốc Tỏ và Trần Lưu Quang.

Chuyến đi của ông Vương Đình Huệ chỉ là lấy danh nghĩa Chủ tịch Quốc hội, bởi ông Huệ gặp Tập Cận Bình trước khi gặp người đồng cấp Trung Quốc là ông Triệu Lạc Tế. Nếu thật sự đi thăm viếng với vai trò người đứng đầu cơ quan lập pháp, thì ông Huệ không thể mang theo những nhân vật trong cơ quan hành pháp, như ông Trần Quốc Tỏ và ông Trần Lưu Quang. Chỉ có thể là đi “cầu viện” thì mới không phân biệt hành pháp hay lập pháp, miễn ai có nhu cầu và “xin được chiếu cố” thì tháp tùng.

Thực tế cho thấy, chuyến đi “cầu viện” của ông Huệ đã thất bại. Bởi vừa về nước, ông Huệ đã bị đánh dồn dập và phải từ giã cuộc chơi.

Vậy câu hỏi đặt ra là, liệu ông Trần Quốc Tỏ và ông Trần Lưu Quang có bị liên lụy vì thất bại của ông Vương Đình Huệ hay không?

Khi người Cộng sản muốn dìu dắt đàn em, thì thường dẫn theo để giới thiệu với các đối tác, trong các chuyến công tác của họ. Ví dụ, ngày 12/12/2022, ông Võ Văn Thưởng lúc đó là Thường trực Ban Bí thư, dẫn đầu Đoàn khảo sát của Ban Chỉ đạo Trung ương, tổng kết 20 năm thực hiện Nghị quyết 23 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa IX, làm việc với Ban Thường vụ Thành ủy thành phố Hồ Chí Minh. Trong chuyến đi này, ông Thưởng dẫn theo Nguyễn Minh Triết – con trai út của ông Nguyễn Tấn Dũng, để giới thiệu với giới lãnh đạo Thành Hồ. Mặc dù, Triết không có vai trò gì trong chuyến công tác này.

Có khả năng, ông Trần Quốc Tỏ và ông Trần Lưu Quang tháp tùng ông Vương Đình Huệ sang Bắc Kinh, cũng mục đích tương tự. Và cũng không loại trừ khả năng, 2 người này cũng “cầu viện”, để mưu cầu vị trí tương lai cho bản thân, đặc biệt là vị trí trong Bộ Chính trị.

Nhưng ông Huệ đã ngã ngựa, chứng tỏ, Tập Cận Bình không ra tay cứu giúp. Như vậy, nếu ông Tỏ và ông Quang cũng “cầu viện”, thì chưa chắc đã được toại nguyện.

Thói quen “cầu viện” của giới lãnh đạo Việt Nam, mỗi khi muốn lên chức, chỉ khiến cho Đảng Cộng sản và đất nước Việt Nam ngày càng lệ thuộc hơn vào Trung Quốc.

Cách làm chính trị, cách thâu tóm quyền lực của ông Trọng trong những năm qua, là “tấm gương sáng” cho các nhân vật mới nổi sau này. Việc ông Trọng quật được ông Nguyễn Tấn Dũng, được cho là có nguyên nhân không nhỏ đến từ việc ông kết nối với Tập Cận Bình.

“Tấm gương” của ông Tổng giờ đây đã khiến cho các phe phái trong Đảng lũ lượt kéo sang Bắc Kinh, mỗi khi có đấu đá. Ông Tô Lâm sang Bắc Kinh hồi tháng 9/2023, sau khi trở về mới ra tay, “hạ sát” hàng loạt đồng chí sau đó. Ông Vương Đình Huệ bị đe dọa sinh mạng chính trị, cũng chạy sang Bắc Kinh, ông Trần Quốc Tỏ và ông Trần Lưu Quang cần vào Bộ Chính trị cũng tháp tùng theo.

Như vậy, có phải “tấm gương” của ông Trọng, đã khiến cho Đảng Cộng sản Việt Nam ngày một cần Bắc Kinh hơn không?

Thực tế, khi có quá nhiều người sang cầu cứu, trong đó có cả những kẻ đang đánh và đang bị đánh, thì ông Tập sẽ chọn ai? Có lẽ, ông Tập chẳng cần can thiệp, cứ để cho đàn gà trong “chuồng” đá nhau loạn xạ, con nào gục thì loại luôn, con nào thắng thì được chọn.

Có lẽ, cả ông Trần Quốc Tỏ và Trần Lưu Quang, dù có “cầu” thì cũng phải tự chiến đấu. Ông Tập chẳng hơi đâu mà ra tay cứu người này, đạp người kia, trong khi ai cũng có ý “thuần phục”.

Đảng Cộng sản Việt Nam càng loạn, thì Trung Quốc càng hưởng lợi.

 

Hoàng Phúc – Thoibao.de

Kasse animation 7.8.2023