Giữa lúc Trụ Vương bị Tô dồn vào “tử địa”, Tập cử sứ sang dàn xếp?

Chiều ngày 19/4, bà Hạ Vinh – Bộ trưởng Bộ Tư pháp Trung Quốc, sang thăm Việt Nam. Bà đã lập tức có buổi làm việc với ông Tô Lâm và ông Phan Đình Trạc, trong cùng buổi chiều. Như vậy, có thể hiểu, chuyến đi của bà Bộ trưởng Bộ Tư pháp Trung Quốc, mục đích bề ngoài là hợp tác tư pháp, nhưng đằng sau còn có mục đích khác. Có thể, bà mang thông điệp của Tập Cận Bình.

Trong lúc, ông Vương Đình Huệ đang bị ông Tô Lâm dí đến đường cùng, thì lại có “sứ giả” của Tập sang Việt Nam làm việc. Điều đáng nói là, bà “sứ giả” này làm việc với 2 người, tạm gọi là đại diện cho 2 phe – ông Tô Lâm đại diện cho phe Hưng Yên, còn ông Phan Đình Trạc là đại diện cho phe Nghệ An.

Trước khi bà Hạ Vinh sang, thông tin ngoài luồng cho biết, ông Trạc quyết nhảy vào tranh ghế Bộ trưởng Bộ Công an với phe Hưng Yên, nếu ông Tô Lâm rời Bộ Công an để ngồi vào ghế Chủ tịch nước. Vì sự cạnh tranh của ông Trạc đã khiến cho mâm quyền lực lâm vào bế tắc, vì chẳng ai chịu nhường ai. Tô Lâm chưa chịu rời ghế Bộ trưởng cũng vì sợ Phan Đình Trạc nhảy vào Bộ Công an, khiến ghế Chủ tịch nước vẫn đang bỏ trống.

Không rõ, lá đơn từ chức của ông Huệ đã nằm trong tay Trần Cẩm Tú hay chưa, nhưng rõ ràng, vai trò Chủ tịch Quốc hội của Huệ Vương gần như “bị đóng băng”. Tại lễ dâng hương Đền Hùng ngày 18/4 vừa qua, ông Huệ vắng bóng; và nay, khi “sứ giả” của Tập sang, ông Huệ cũng tránh không gặp. Có thể nói, tình thế của ông Huệ đang rất bất lợi vì bị Tô Lâm vây hãm và cô lập.

Chuyến đi sứ sang Bắc Kinh của ông Huệ, từ ngày 7 đến ngày 12/4 vừa qua, được xem là chuyến đi “cầu cứu”. Ngay trong chuyến đi này, ông Tô Lâm cũng không để cho ông Huệ được yên. Ngày 8/4, Vương Đình Huệ gặp Tập Cận Bình tại Bắc Kinh, cũng là lúc Tô Lâm cho bắt Nguyễn Duy Hưng – Chủ tịch Tập đoàn Thuận An. Ngày trở về, vừa mới đáp chuyến bay xuống Nội Bài, thì đệ tử ruột của ông Huệ là Phạm Thái Hà, đã bị ông Tô Lâm cho câu lưu về Bộ Công an làm việc.

Một lý do khiến dư luận nghi ngờ, chuyến đi của bà Hạ Vinh đến Việt Nam là nhằm “dàn xếp” giữa các phe. Bởi nếu chỉ là hợp tác tư pháp, thì bà Hạ Vinh cần gặp ông Lê Thành Long – Bộ trưởng Tư pháp Việt Nam, vì sao lại gặp Phan Đình Trạc và Tô Lâm?

Lâu nay, các chuyến thăm qua lại giữa các quan chức Việt Nam và Trung Quốc thường không nằm trong khuôn khổ “công vụ”, mà là “tư vụ” là chính. “Tư vụ” ở đây có thể hiểu là việc riêng của cá nhân quan chức, việc riêng của một phe phái, hoặc cũng có thể là việc riêng của 2 Đảng Cộng sản. “Công vụ” chỉ là hình thức, dùng để che đậy cho “tư vụ”. Khi ông Huệ bị ông Tô Lâm dí vào đường cùng, thì ông Huệ đi Trung Quốc, chuyến đi được thông báo là “công vụ”, nhưng các nhà quan sát đánh giá, đó là chuyến đi “cầu viện”, tức là “tư vụ”.

Không biết bà Hạ Vinh đã “dàn xếp” được những gì? Nếu thật sự chuyến đi này của bà Hạ Vinh nhằm mục đích “dàn xếp” trong Đảng, thì đấy là một dấu hiệu đáng lo ngại. Đảng Cộng sản mải lo choảng nhau giành ghế, giành quyền lực, để thâu tóm quyền lợi, thì họ bất cần những yếu tố “độc lập”, “chủ quyền”. Họ sẵn sàng mang vận mệnh của Đảng trao vào tay “giặc”, mà Đảng Cộng Sản Việt Nam lại đang nắm vận mệnh đất nước.

Cả ông Tô Lâm và ông Vương Đình Huệ đều từng “đi sứ” sang Trung Quốc, ông Tô đi vào giữa tháng 9/2023, còn ông Vương Đình Huệ mới đi trong nửa đầu tháng 4 này.

Việc cả 2 người này đều sang Tàu để tranh thủ sự ủng hộ của Tập Cận Bình cho vị trí Tổng Bí thư, thì có thể nói, trong Đảng, ai lên cũng như nhau, cũng đều thuần phục Bắc Kinh, cũng đem sợi thòng lọng Xã hội Chủ nghĩa tự thít vào cổ mình, để tỏ lòng trung thành với Tập. Đất nước sẽ không có cơ hội độc lập về chính trị cả kinh tế, người dân sẽ không có cơ hội để sống đời sống tự do, doanh nghiệp không có cơ hội để phát triển tốt hơn.

Đảng Cộng sản Việt Nam càng loạn, thì Trung Quốc càng hưởng lợi. Thực tế đã chứng minh, chẳng ai trong số lãnh đạo Cộng sản dựa vào dân, mà họ dựa vào Bắc Kinh, mặc dù mồm của họ vẫn oang oang “dựa vào dân”.

 

Thái Hà – Thoibao.de

Kasse animation 7.8.2023