Thủ Chính chọn phe của Tô Lâm: Điều gì sẽ xảy ra với Tổng Trọng và Huệ Vương?

Việc các đối thủ hay phe nhóm chính trị hợp rồi tan, tan rồi hợp, vốn là điều thể hiện một nguyên tắc của chính trị. Đó là“không có đồng minh hay kẻ thù vĩnh viễn, chỉ có quyền lợi mới là vĩnh viễn”.

Mối quan hệ “nóng lạnh” thất thường giữa Thủ Chính và Tổng Trọng, cũng như Bộ trưởng Tô Lâm, thông qua việc truy lùng Nguyễn Thị Thanh Nhàn – Chủ tịch Hội đồng Quản trị của Công ty Cổ phần Tiến bộ AIC, là một ví dụ.

Theo giới phân tích, trong một thời gian dài, Tổng Trọng và Bộ trưởng Tô đã sử dụng con bài Nhàn AIC – một người đang trốn truy nã, để gây sức ép cũng như buộc Thủ Chính phải rút lui khỏi cuộc đua nhân sự cấp cao

Truyền thông nhà nước ngày 14/4 đồng loạt đưa tin về việc hơn 5.000 Cảnh sát Cơ động và dàn xe đặc chủng hiện đại, phô diễn sức mạnh của lực lượng này, tại lễ kỷ niệm 50 năm ngày truyền thống và đón nhận danh hiệu Anh hùng Lực lượng Vũ trang Nhân dân lần thứ 2. Theo giới quan sát, đây là lần biểu dương, phô diễn sức mạnh của lực lượng này với quy mô lớn nhất từ trước đến nay.

Đáng chú ý, các hình ảnh của Thủ tướng Chính trong buổi lễ vừa kể, đặc biệt hình ảnh có mặt Tô Lâm, đã cho thấy mối quan hệ nồng ấm giữa Thủ Chính và Tô Đại tướng.

Các Bộ trưởng Bộ Công an từ thời ông Trần Đại Quang tới nay, đã và đang bành trướng sức mạnh quân sự, không ngại tranh chấp quyền lực với quân đội, thông qua lực lượng Cảnh sát Cơ động. Việc Bộ Công an tăng cường bổ sung xe bọc thép, máy bay trực thăng chiến đấu, không đơn giản chỉ nhằm mục đích đàn áp dân, mà còn có mục tiêu cạnh tranh với Bộ Quốc phòng.

Việc phô diễn sức mạnh của lực lượng Cảnh sát Cơ động này, trong bối cảnh cạnh tranh quyền lực giữa Bộ trưởng Tô với Tổng Trọng đang vào hồi quyết liệt. Điều đó đã ảnh hưởng đến vị thế và khả năng trở thành người kế nhiệm Tổng Bí thư của Vương Đình Huệ.

Theo giới phân tích, việc Tổng Trọng cho ông Huệ làm người kế nhiệm là điều chắc chắn. Với sự ủng hộ của Tổng Trọng, phe Nghệ Tĩnh đã chiếm số lượng ghế uỷ viên Trung ương Đảng không hề nhỏ. Đặc biệt, số lượng uỷ viên Bộ Chính trị cũng áp đảo trong Bộ Chính trị, phe Nghệ Tĩnh và Vương đình Huệ từng làm mưa làm gió một thời gian dài.

Tuy nhiên, gần đây, nhiều đồn đoán từ giới thạo tin cho thấy, Tô Lâm đã quay mũi tấn công vào các doanh nghiệp sân sau, cũng như người thân cận của ông Huệ, tương tự bài học tày liếp của cựu Chủ tịch Thưởng mới đây.

Trong cơ cấu nhân sự của Bộ Chính trị hiện nay, có 6 tướng Công an và Quân đội. Đó là: Phạm Minh Chính, Lương Cường, Tô Lâm, Phan Đình Trạc, Nguyễn Hòa Bình và Phan Văn Giang. Hiện nay, phe của Bộ trưởng Tô Lâm đang ở thế chủ công, ngược lại, phe của Tổng Trọng đang ở thế phòng thủ.

Một trong những lý do buộc Tô Lâm và phe cánh phải gia tăng sức ép lên Tổng Trọng, buộc ông sớm rời bỏ chính trường, vì có nhiều dấu hiệu cho thấy, ông Trọng đang tìm cách để ngồi lại ghế Tổng Bí thư nhiệm kỳ thứ 4.

Theo giới thạo tin, Thượng tướng Nguyễn Văn Hưởng – cựu Thứ trưởng Bộ Công an, đồng thời là cố vấn An ninh và Tôn giáo của cựu Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, có mối quan hệ bền chặt với Bộ trưởng Tô Lâm. Do ông Hưởng là “thủ trưởng” cũ của Tô Lâm.

Sự góp mặt của Thủ tướng Chính – cũng là một nhân vật thân cận với ông Ba Dũng, trong liên minh chính trị này, rõ ràng, sẽ bổ sung nanh vuốt cho ông Tô Lâm.

Tác giả Dương Vũ đã có loạt bài viết “Ai đang làm khánh kiệt đất nước?” dài 16 kỳ. Giới thạo tin tiết lộ, Dương Vũ chính là Thượng tướng Bùi Văn Nam – Thứ trưởng Bộ Công an. Bài viết trên đã tiết lộ một chi tiết quan trọng. Đó là, sau Đại hội Đảng 12, với sự thất bại của cựu Thủ tướng Dũng, tại biệt thự của cựu Thứ trưởng Nguyễn Văn Hưởng đã tổ chức một cuộc họp bàn về “Kế hoạch hậu chiến”, với sự có mặt của nhiều quan chức thân cận với Nguyễn Tấn Dũng, như: Nguyễn Văn Bình, Hoàng Trung Hải, Tô Lâm v.v…

Xin nhắc lại, bài “Nguyễn Tấn Dũng lại thoát nữa!” của tác giả Trung Điền, đã đưa ra một dự báo đáng chú ý, khi cho rằng “sự kiện ông Nguyễn Phú Trọng bị đột quỵ tại Kiên Giang đã hé mở một viễn cảnh là phe nhóm ông Dũng có thể quay trở lại trong Đại hội 13”.

Theo giới quan sát, dưới thời Tổng Trọng đã để xảy ra tình trạng cán bộ chạy chức chạy quyền, dùng tiền bạc để mua ghế, với mức độ chưa từng có trước đây. Điều đó cho thấy, việc lựa chọn nhân sự do Trưởng tiểu ban Nguyễn Phú Trọng rất có vấn đề.

Những điều vừa kể cho thấy, Tô Lâm và phe cựu Thủ tướng Ba Dũng muốn tiến tới việc thay thế, thậm chí là xử lý hình sự Tổng Trọng, chứ không riêng Huệ Vương.

 

Trà My – Thoibao.de

Kasse animation 7.8.2023