Sự chia rẽ Bắc – Nam trong nội bộ lãnh đạo cấp cao của Đảng Cộng sản Việt Nam

Cơ cấu nhân sự người miền Nam trong Bộ Chính trị, cũng như thành viên Tứ trụ, đã và đang giảm đến mức báo động. Việc loại bỏ các nhân sự Tứ trụ người miền Nam như Nguyễn Xuân Phúc và Võ Văn Thưởng, đã cho thấy điều đó.

Theo giới quan sát, tiêu chuẩn của nhân sự của Tổng Trọng là “người Bắc có lý luận”, càng khẳng định việc Tổng Trọng không tin tưởng phe Cộng sản miền Nam.

Liên quan đến việc tòa án Việt Nam tuyên phạt bà trùm Trương Mỹ Lan bản án tử hình,  BBC Việt ngữ đã dẫn ý kiến của nhà báo David Brown cho rằng:

“Phiên tòa Vạn Thịnh Phát là nỗ lực khẳng định lại quyền lực của Đảng Cộng sản đối với lối làm ăn, kinh doanh tự do của miền Nam. Điều mà ông Nguyễn Phú Trọng và các đồng minh trong Đảng của ông ta đang cố gắng làm, là giành lại quyền kiểm soát Sài Gòn, hoặc ít nhất là ngăn chặn nó tuột khỏi tầm tay. Từ trước cho đến năm 2016, Đảng Cộng sản gần như đã để cho nhóm mafia gốc Hoa này tung hoành.”

Theo giới phân tích, nhận định vừa kể của ông David Brown – một nhà bình luận hiểu rất rõ thực trạng chính trị chính trường Việt Nam, đã cho thấy, Tổng Trọng và Ban lãnh đạo Đảng không ủng hộ lối làm ăn, kinh doanh năng động và tự do, theo kinh tế thị trường ở miền Nam. Đặc biệt thành phần thương gia người Việt gốc Hoa.

Đây là điều trái ngược với tư duy của số đông lãnh đạo Cộng sản miền Nam. Điển hình là mối quan hệ của cựu Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng với một Hoa kiều gốc Kh’mer là ông Trầm Bê.

Theo giới phân tích, việc hiện hữu của lối kinh doanh tự do và cởi mở ở miền Nam là điều có thật, và đã từng tồn tại hàng trăm năm, với sự đóng góp đáng kể của giới thương gia Hoa Kiều. Đây là đặc trưng của các nền kinh tế ở khu vực Đông Nam Á, như Singapore, Thái Lan, Malaisia…

Học giả Trương Nhân Tuấn từ Paris, đã đặt câu hỏi, lối kinh doanh tự do năng động của người Hoa có vi phạm luật của Việt Nam, hay vượt ra ngoài vòng kiểm soát của Đảng hay không? Đã có khi nào, Sài Gòn “tuột” khỏi tầm kiểm soát của Đảng hay chưa, mà ông Trọng muốn giành lại quyền kiểm soát?

Công luận so sánh việc tử hình đại gia Hoa kiều Tăng Minh Phụng 20 năm trước và đại gia Trương Mỹ Lan hiện nay, có liên quan gì đến chủ trương ngăn chặn và xóa bỏ giới thương gia Hoa Kiều ở miền Nam?

Trong lúc, nền kinh tế của Sài Gòn đã và đang đóng góp cho ngân sách quốc gia một tỷ trọng lớn, trên dưới 80%, và sự đóng góp của giới kinh doanh người Việt gốc Hoa rất đáng kể.

Tổng Trọng được đánh giá là người có mối quan hệ rất tốt với Bắc Kinh, thậm chí là thân Trung Quốc. Ông Trọng bị giới quan sát cáo buộc là “thái thú của Trung Nam Hải”. Trước phiên tòa Vạn Thịnh Phát, giới phân tích quốc tế cho rằng, mối quan hệ của bà Lan với chính quyền Bắc Kinh đã làm cho Ban lãnh đạo Hà Nội hết sức khó xử. Đồng thời, đó cũng là lý do, vì sao, vụ án này kéo dài suốt hơn 20 năm mới bị truy tố và đưa ra xét xử.

Vào cuối tháng 9/2022, trước khi bắt bà Lan, Tổng Trọng đã bất ngờ có chuyến thăm và làm việc với Ban Thường vụ Thành ủy thành phố Hồ Chí Minh, với những nhân sự đặc biệt tháp tùng. Và chưa đầy 2 tuần sau đó, bà Lan đã bị bắt.

Theo giới thạo tin, việc bắt Nguyễn Công Khế cũng là do có những thế lực chính trị muốn khống chế quyền lực của phe Cộng sản miền Nam đang tìm cách trỗi dậy. Theo đó, các thế lực đang nắm quyền muốn khống chế ý đồ “nổi loạn” của các cựu chính trị gia Cộng sản miền Nam, như Trương Tấn Sang, Nguyễn Tấn Dũng, Nguyễn Minh Triết… hay các nhân vật lãnh đạo mới nổi ở Sài Gòn, cũng như ở các tỉnh phía Nam.

Những điều vừa kể cho thấy, sự chia rẽ Bắc – Nam trong nội bộ lãnh đạo cấp cao của Đảng Cộng sản, không chỉ ở trên mặt tư duy, mà còn thể hiện trong hành động, là điều có thật.

Bài phân tích có tựa đề “Gốc gác miền Nam, và có thể là Trung Quốc, đã làm tan nát hy vọng của ông Dũng như thế nào”, đăng trên tờ Nikkei Asian Review của Nhật, nhận định, chiến tranh Việt Nam đã chấm dứt hơn 40 năm, nhưng cuộc tranh giành quyền lãnh đạo trong Đảng Cộng sản vừa qua cho thấy, chia rẽ Nam – Bắc vẫn là một yếu tố chính trên chính trường Việt Nam.

Vẫn theo Nikkei Asian Review, khi bình luận về quan hệ Hà Nội – Bắc Kinh, đã cho rằng, “ở phía sau hậu trường [chính trị Việt Nam] lẩn quất bóng dáng của Trung Quốc, và rõ ràng, có sự ảnh hưởng”.

Đài Á Châu Tự Do khẳng định, Trung Quốc luôn tìm mọi cách can thiệp, để chia cắt 2 miền Việt Nam, không chỉ ở Hội nghị Genever năm 1954. Ở giai đoạn cuối của cuộc chiến tranh Việt Nam, tháng 4/1975, một kế hoạch can thiệp “quân sự”, với việc tung vào hai sư đoàn Nhảy Dù của Quân Giải phóng Trung Quốc, để chặn Quân đội Bắc Việt tiến vào Sài Gòn, là điều ít người biết đến./.

 

Trà My – Thoibao.de

Kasse animation 7.8.2023