Mục đích tối cao của Huệ Vương khi sang thăm Bắc Kinh là gì?

Chuyện Việt Nam lệ thuộc vào Trung Quốc đã là chuyện từ nhiều đời nay. Ngày xưa, các triều đại Việt Nam, sau khi đánh thắng Trung Quốc xâm lược, lại phải tiếp tục triều cống.

Dưới thời Tổng Bí thư Lê Duẩn, việc chống Trung Quốc triệt để đã khiến Việt Nam phải trả một giá quá đắt, đau thương chồng chất.

Sau Hội nghị Thành Đô, Trung Nam Hải ngày càng can thiệp sâu hơn và trực tiếp hơn vào chính trường Việt Nam, cũng là điều không thể chối bỏ. Đỉnh điểm của sự can thiệp này là sự thành công của ông Nguyễn Phú Trọng, đánh bại đối thủ Nguyễn Tấn Dũng, tại Đại hội Đảng lần thứ 12.

Vậy nên, lãnh đạo cấp cao của Đảng Cộng sản Việt Nam, trước các sự kiện trọng đại, đều phải sang báo cáo, nhận chỉ thị từ Trung Quốc, cũng như nhờ vả họ giúp đỡ cho sự nghiệp chính trị cá nhân được hanh thông.

Báo Tuổi Trẻ ngày 4/4 đưa tin, “Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ sẽ thăm chính thức Trung Quốc”. Bản tin cho biết, nhận lời mời của ông Triệu Lạc Tế – Ủy viên trưởng Ủy ban Thường vụ Đại hội Đại biểu toàn quốc Trung Quốc, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ sẽ dẫn đầu đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam thăm chính thức Trung Quốc, từ ngày 7 đến ngày 12/4.

Theo giới quan sát, chuyến thăm này của ông Huệ là một sự bất bình thường, trong bối cảnh cuộc chiến ở thượng tầng cung đình Việt Nam đang vào hồi quyết liệt.

Đáng chú ý, đây là cuộc gặp trực tiếp lần đầu tiên giữa 2 người đứng đầu cơ quan lập pháp Việt Nam và Trung Quốc, kể từ sau Đại hội 13 của Đảng Cộng sản Việt Nam. Công luận đặt câu hỏi, vì sao, Đại hội 13 đã hơn 3 năm, bây giờ ông Huệ mới sang thăm Bắc Kinh?

Điều này có liên quan gì đến cuộc đua vào chiếc ghế Tổng Bí thư tại Đại hội lần thứ 14 hay không, khi ông Trọng vẫn muốn ông Huệ là người sẽ kế nhiệm ghế Tổng Bí thư?

Trong bối cảnh, ông Tô Lâm được đánh giá là sẽ không có cửa trong sự sắp xếp nhân sự của Tổng Trọng, buộc Tô Lâm phải nỗ lực cản phá tất cả các ứng viên khác, để giành cho ông một cơ hội.

Trên mạng xã hội và các diễn đàn chính trị của người Việt, trong những ngày gần đây, đang rộ tin, sau Võ Văn Thưởng, rất có thể sẽ đến lượt ông Vương Đình Huệ.

Theo giới quan sát, việc ông Thưởng bất ngờ “ngã ngựa”, đã cho thấy, tất cả các lãnh đạo cấp cao của Đảng Cộng sản Việt Nam không có ai thực sự trong sạch cả. Và việc hồi tố để lật lại hồ sơ “nhúng chàm” trong quá khứ, thì động đến ai, chết người ấy, kể cả Tổng Trọng.

Theo giới phân tích, đến lúc này, chỉ còn 2 ứng viên có tiềm năng cao nhất cho ghế Tổng Bí thư, là Vương Đình Huệ và Tô Lâm. Tuy nhiên, vẫn theo giới thạo tin, ông Huệ trong thời gian giữ chức Bộ trưởng Bộ Tài chính đã có rất nhiều sai phạm tày đình, gấp vạn lần ông Thưởng.

Mạng xã hội đã chia sẻ rộng rãi thông tin từ kenh14.vn cho rằng, “đang ở đỉnh cao sự nghiệp ca nhạc, ca sĩ Hương Tràm (Nghệ An) gác lại tất cả, đi Mỹ, nói là để du học, nhưng thực ra là để sinh 2 con”. Đây là vấn đề hết sức nhạy cảm, là một trong những “vết đen” tình ái của ông Vương Đình Huệ. Việc kênh 14 đăng tải công khai cho thấy, có đèn xanh được bật từ Bộ Công an, vì đây là điều cấm kỵ liên quan một quan chức cấp cao.

Những điều vừa kể, phải chăng là Tô Lâm đang dọn đường, để từ đó, Bộ Công an tiếp tục lùng sục, moi ra các sai phạm của ông Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ – một đối thủ chính trị “nguy hiểm”, đối với công cuộc thâu tóm quyền lực của Bộ trưởng Công an Tô Lâm.

Công cuộc “đốt lò” hay cuộc chiến chống tham nhũng của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, được phát động sau Đại hội Đảng lần thứ 12 (năm 2016), là bản sao của Chiến dịch “đả hổ, diệt ruồi” của Tập Cận Bình, khởi xướng ở Trung Quốc từ năm 2012.

Do vậy, yếu tố Trung Quốc cũng đóng vai trò lớn trong cuộc chiến quyền lực trên thượng tầng chính trị Việt Nam hiện nay. Vì vậy, việc ông Vương Đình Huệ sang Trung Quốc trong lúc này để “nhờ cậy”, là điều cần thiết và dễ hiểu.

Xin nhắc lại, Ban lãnh đạo Trung Nam Hải, từ sau Hội nghị Thành Đô, không dấu diếm ý đồ, muốn tạo ra tình thế đấu đá quyền lực trong nội bộ Đảng Cộng sản Việt Nam, để gây nên tình trạng bất ổn chính trị. Việc Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng bị xử lý sau hơn 12 năm nhận hối lộ, cho thấy, khả năng rất cao, có sự chỉ đạo từ Trung Quốc.

Việc Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đến nay vẫn chưa thể quyết định chọn ai làm người kế nhiệm, cho thấy, chính ông Trọng đã trở thành con tin trong cuộc chiến này – cuộc chiến quyền lực ở thượng tầng Ban lãnh đạo Việt Nam./.

 

Trà My – Thoibao.de

Kasse animation 7.8.2023