Vì sao Toà không xem xét thư của các nhà đầu tư nước ngoài trong vụ Vạn Thịnh Phát

Ngày 4/4, RFA Tiếng Việt loan tin “Vụ xử Vạn Thịnh Phát: Tòa không xem xét thư của các nhà đầu tư nước ngoài liên quan”.

Theo RFA, các bức thư của giới đầu tư nước ngoài có liên quan đàm phán những dự án trị giá hàng tỷ USD của Tập đoàn Vạn Thịnh Phát, không được Tòa án thành phố Hồ Chí Minh chấp nhận là tài liệu cho vụ xử đang diễn ra.

RFA dẫn một hãng tin quốc tế lớn, ngày 4/4 cho hay, 3 lá thư đó là thư của Tập đoàn phát triển địa ốc Hong Kong CK Asset Holdings, Lifestyle International Holding của Hong Kong, và Vantage Point của Singapore.

Nội dung thư nhấn mạnh đến vai trò kêu gọi đầu tư vào Việt Nam của  bà Trương Mỹ Lan – Chủ tịch Tập đoàn Vạn Thịnh Phát, cũng như quan tâm của họ trong những dự án bất động sản đang đàm phán với Tập đoàn này.

Vẫn theo RFA, thư do Tổng Giám đốc Điều hành CK Asset Holdings- ông Justin Chiu, ký cho biết, Tập đoàn này bắt đầu đàm phán với bà Trương Mỹ Lan hồi năm 2022 về một dự án bất động sản tiềm năng của Vạn Thịnh Phát; và đề nghị Tòa án và Chính phủ Việt Nam xem xét tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư quan tâm tiếp tục các cuộc đàm phán với những bên liên quan, nhằm chuẩn bị cho các bước đầu tư tiếp theo.

Thư của nhà bán lẻ Hong Kong Lifestyle International Holding, hiện đang sở hữu Siêu thị Sogo tại Hong Kong, khen ngợi bà Trương Mỹ Lan về những cuộc đàm phán diễn ra trước dịch COVID-19, về những dự án mà Hong Kong Lifestyle International Holding muốn đầu tư tại Việt Nam trong ngành địa ốc và siêu thị. Đàm phán giữa hai phía phải ngưng vì đại dịch.

Thư của hãng quản lý tài sản Vantage Point của Singapore đưa ra những giải pháp toàn diện đối với những tài sản liên quan Ngân hàng Thương mại Cổ phần Sài Gòn SCB, trong vụ án này; trong đó có những chiến lược phát triển nhằm tối đa hóa giá trị tài sản và tìm kiếm các nhà đầu tư định chế tài chính toàn cầu…

Trong khi đó, RFA dẫn truyền thông Nhà nước Việt Nam, thì các thẩm phán phiên tòa cho biết, thư của 3 đơn vị nước ngoài như vừa nêu là không công khai, và cần được sự thẩm định của lãnh sự liên quan.

Đây có thể lại là một thông tin gây sốc, sau một loạt bất ngờ từ lời khai của bà Trương Mỹ Lan tại tòa.

Sự bí ẩn của Vạn Thịnh Phát từng xuất hiện lần đầu tiên sau cái chết của Thượng tướng Phạm Quý Ngọ, vào ngày 18/2/2014, chỉ sau 43 ngày, kể từ ngày ông Dương Chí Dũng khai đưa giúp tiền của bà Trương Mỹ Lan hối lộ ông Ngọ (ngày 7/1/2014). Lý do cái chết được loan báo là do ung thư, nhưng không mấy ai tin.

Giờ đây, theo lời khai của bà Lan, còn có một người khác cũng chết bí ẩn trước ông Phạm Quý Ngọ chỉ 6 ngày, và sau lời khai của ông Dương Chí Dũng hơn 1 tháng. Đó là ông Trần Minh Tuấn, cựu Phó Thống đốc Ngân hàng, là người đã “năn nỉ” bà Lan hợp nhất 3 ngân hàng thành Ngân hàng SCB. Ông mất ngày 12/2/2014.

Ngoài ra, còn có một loạt cái chết đáng ngờ khác, gồm cả quan chức và cấp dưới của bà Lan, sau khi bà bị bắt. Trong đó có Phó Thanh tra Chính phủ Trần Văn Minh, chết do “tự tử”.

Thêm nữa, việc bà Lan khai, bà chỉ đại diện “bạn bè” tìm người đứng tên giúp cổ phần của SCB, khiến sự bí ẩn và những nghi vấn xung quanh vụ án tăng lên.

Phải chăng, bà Lan cũng chỉ là một con cờ, bị một thế lực “khủng” nào đó chi phối, mà thậm chí bà cũng không biết rõ người này là ai. Chắc chắn, người này không “lộ liễu” như ông Lê Thanh Hải  – cựu Bí thư Thành Hồ – người vẫn được xem là hậu thuẫn cho Vạn Thịnh Phát.

Những người có liên quan, có thể biết về “nhân vật khủng” này, đã bị “diệt khẩu” ngay khi có nguy cơ bị lộ.

Và, một câu hỏi lớn nữa, nhưng không được toà làm rõ, đó là: Ai thật sự là chủ nhân đằng sau của phần lớn cổ phiếu SCB?

 

Ý Nhi – thoibao.de

Kasse animation 7.8.2023