Ngày 3/8/2024, ngay sau khi đảm nhận cương vị Tổng Bí thư và Chủ tịch nước, cựu Bộ trưởng Bộ Công an, Đại tướng Tô Lâm, đã thể hiện quyết tâm mạnh mẽ trong công tác phòng, chống tham nhũng và tiêu cực.
Ông Tô Lâm ngay lập tức đã khẳng định sẽ tiếp tục triển khai mạnh mẽ công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực theo phương châm “không ngừng, không nghỉ, không có vùng cấm, không có ngoại lệ”. Đồng thời, ông cam kết, không lợi dụng phòng, chống tham nhũng để trục lợi cá nhân, và đây là điều không chấp nhận được.
Ngày 31/12/2024, tại phiên họp thứ 27 của Ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng, tiêu cực, trên cương vị người đứng đầu, Tổng Bí thư Tô Lâm khẳng định, việc xử lý 2 cựu lãnh đạo chủ chốt của Đảng, và Nhà nước trong năm 2024 thể hiện sự nghiêm minh, quyết tâm cao của Đảng, Nhà nước trong phòng chống tham nhũng, tiêu cực.
Theo giới quan sát, tuyên bố vừa kể của ông Tô lâm là một thông điệp cho thấy, kể từ nay sẽ không để cho cán bộ sai phạm hạ cánh an toàn.
Dù không nêu danh tính của 2 cựu cán bộ chủ chốt bị Bộ Chính trị kỷ luật là ai, nhưng người ta dễ dàng nhận thấy, tuyên bố kể trên đã ám chỉ tới cựu Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc và cựu Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ. Đây là 2 nhân vật trong tứ trụ được coi là “bất khả xâm phạm”, nhưng mới đây đã bị Bộ Chính trị kỷ luật cảnh cáo.
Dù rằng, việc khởi tố 1 ủy viên Bộ Chính trị của Đảng Cộng sản Việt Nam là sự kiện hiếm hoi. Từ trước đến nay chỉ có trường hợp ông Đinh La Thăng – cựu Bí thư Thành phố Hồ Chí Minh vào năm 2017, bị kỷ luật và truy tố với bản án hơn 30 năm tù.
Nhưng mới nhất, nhà báo Zachary Abuza đưa ra dự báo, cựu Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc có khả năng sẽ phải đối mặt với việc khởi tố hình sự. Theo ông Abuza, điều tồi tệ nhất có thể đến với ông Phúc bất cứ lúc nào. Theo đó, vào thời điểm hiện nay, khả năng ông Phúc cùng với một số thành viên trong gia đình sẽ bị điều tra hình sự là rất cao!?
Theo truyền thông quốc tế, trước đó cũng có các đánh giá cho rằng, từ đầu năm 2024, dưới sự chỉ đạo của ông Tô Lâm, Bộ Công an đã khởi tố và bắt tạm giam 10 lãnh đạo cấp cao, với các cáo buộc lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ và nhận hối lộ.
Đáng chú ý, có nhiều ủy viên Bộ Chính trị đã buộc phải từ chức, đây là điều hiếm thấy, và nó phản ánh những biến động trong cuộc chiến quyền lực trong nội bộ Đảng đang diễn ra hết sức quyết liệt.
Theo đó, Tổng Bí thư Tô Lâm, dưới danh nghĩa chống tham nhũng, đã sử dụng Bộ Công an như một vũ khí để triệt hạ các đối thủ chính trị của mình, và buộc họ phải từ chức đã được ghi nhận rõ ràng.
Trước đây, các lý do và các bằng chứng sai phạm của các lãnh đạo cao cấp không được đưa ra cụ thể, và mang tính giữ thể diện. Tất cả đều được hạ cánh an toàn và phần lớn tài sản, cũng như sở hữu tại các doanh nghiệp sân sau vẫn được giữ nguyên đầy đủ. Không ai bị đưa ra xét xử.
Nhưng điều này tới đây có thể sẽ thay đổi sau tuyên bố mới nhất của Tổng Bí thư Tô Lâm. Theo Giáo sư Zachary Abuza, điều quan trọng cần phải hiểu là ông Nguyễn Xuân Phúc không chỉ là đối thủ chính trị mà còn là đối thủ trong kinh doanh của ông Tô Lâm.
Theo đó, gia đình ông Phúc hiện nắm cổ phần lớn, và kiểm soát tại Tập đoàn Trung Nam. Đây là đối thủ trực tiếp cạnh tranh trong hầu hết các lĩnh vực với Tập đoàn Xuân Cầu Holdings thuộc sở hữu của ông Tô Dũng – em trai của Tổng Bí thư Tô Lâm.
Ngoài Tập đoàn Trung Nam, gia đình ông Nguyễn Xuân Phúc còn được cho là có mối liên hệ với một số doanh nghiệp khác, được coi là “mạng lưới” sân sau của ông Bảy Phúc.
Tập đoàn Xuân Cầu Holdings đã và đang đặt mục tiêu trở thành một trong những tập đoàn tư nhân hàng đầu tại Việt Nam. Tổng Bí thư Tô Lâm được cho là sau khi nghỉ hưu, rời bỏ chức vụ Tổng Bí thư sẽ trở thành nhà “tài phiệt” giàu có nhất Việt Nam.
Trà My – Thoibao.de