Cáo trạng khẳng định, luật sư Trần Đình Triển bị bắt vì 2 bài viết “nói xấu” ông Nguyễn Hoà Bình

Ngày 29/12, RFA Tiếng Việt loan tin “Luật sư Trần Đình Triển sắp ra toà vì “nói xấu” ông Nguyễn Hoà Bình”.

RFA cho biết, Tòa án Nhân dân thành phố Hà Nội sẽ mở phiên tòa xét xử luật sư Trần Đình Triển, vào ngày 9/1/2025, dưới cáo buộc “lợi dụng các quyền tự do dân chủ”.

Thông tin trên được luật sư Nguyễn Duy Bình, người bào chữa cho ông Trần Đình Triển, đăng tải công khai trên trang Facebook cá nhân vào ngày 29/12.

RFA nhắc lại, luật sư Trần Đình Triển bị bắt giam từ tháng 6/2024,  phía công an cáo buộc ông vi phạm Điều 331, Bộ luật Hình sự, vì đã “lợi dụng các quyền tự do dân chủ” trên không gian mạng.

Cụ thể, ông Triển bị cáo buộc đăng tải các bài viết lên trang Facebook cá nhân, chứa nội dung “xâm phạm lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân”, trong trường hợp này là ngành tòa án và cá nhân lãnh đạo Tòa án Nhân dân Tối cao.

RFA dẫn nội dung bản cáo trạng, được luật sư Nguyễn Duy Bình công khai trên mạng xã hội, theo đó, luật sư Trần Đình Triển vướng vòng lao lý vì 2 bài viết, có các tựa đề “Nguyễn Hòa Bình –  Những cái nhất khi làm Chánh án”, và “Ông Nguyễn Hòa Bình nói đúng hay sai?!”.

Từ đó có thể suy ra, vị lãnh đạo tòa tối cao có lợi ích bị xâm phạm trong vụ án này là ông Nguyễn Hòa Bình, do ở thời điểm các bài viết trên được đăng tải, ông Bình đang giữ ghế Chánh án Tòa tối cao.

RFA cũng cho biết, nếu bị tuyên có tội trong phiên tòa sắp tới, luật sư Trần Đình Triển có nguy cơ phải đối diện với mức án tối đa là 7 năm tù giam.

Theo RFA, nhiệm kỳ Chánh án Tòa tối cao của ông Nguyễn Hòa Bình gắn với vụ án của Hồ Duy Hải, người bị tòa tuyên tử hình dưới cáo buộc giết người, cướp tài sản vào năm 2009, nhưng đã một mực kêu oan.

Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao sau đó đã kháng nghị bản án này, vào tháng 11/2019, do phát hiện nhiều sai sót trong khâu điều tra và xét xử. Tuy nhiên, Tòa tối cao dưới sự lãnh đạo của ông Bình đã ra quyết định giữ nguyên án tử hình đối với Hồ Duy Hải, trong phiên xét xử Giám đốc thẩm diễn ra vào tháng 5/2020.

RFA cho biết thêm, 2 tháng sau khi luật sư Triển bị bắt, ông Nguyễn Hòa Bình được bổ nhiệm làm Phó Thủ tướng Chính phủ, vào tháng 8/2024.

Từ tháng 8/2024, thoibao.de đã chỉ ra lý do khiến luật sư Trần Đình Triển bị bắt, là chỉ trích Chánh án Nguyễn Hòa Bình. Cụ thể, trong bài “Nguyễn Hoà Bình – Những cái nhất khi làm Chánh án”, đăng ngày 23/4, ông Triển chỉ ra:

  • Nguyễn Hoà Bình là Chánh án mà nhiều cấp toà, phiên tòa không cho người thân của bị cáo, đương sự và nhân dân tham dự phiên tòa;
  • Là Chánh án tạo nên những kết luận của bản án, hoặc câu cửa miệng của các thẩm phán là:

“Mặc dù có vi phạm về tố tụng nhưng không làm thay đổi bản chất vụ án”;

“Bị cáo có mâu thuẫn gì với người làm chứng A hoặc B,… không ?”.

Tạo nên sự bất chấp các quy định trong Bộ luật Hình sự và Tố tụng Hình sự, khiến một số quy định về tố tụng trở nên vô hiệu trong thực tế.

  • Là Chánh án bị nhiều người dân, nhân sỹ trí thức, và mạng xã hội lên tiếng về việc hệ thống toà án xét xử oan sai nhiều nhất; làm mất niềm tin của nhân dân đối với hệ thống ngành tòa án cao nhất;
  • Là Chánh án ghi dấu ấn nhiều nhất trên mạng xã hội, có những clip nêu đích danh vợ con và khối tài sản riêng kếch xù, mà chưa có lời giải đáp đúng hay sai?
  • Là Chánh án có con trai còn rất trẻ, đã được luân chuyển, bổ nhiệm làm Phó Chủ tịch Uỷ ban Nhân dân tỉnh Gia Lai;
  • Là Chánh án sẽ đi vào lịch sử tố tụng của Việt Nam, vì bất chấp ý kiến của Quốc hội, Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao, luật sư, chứng cứ và pháp luật,… về 2 vụ án có đủ chứng cứ oan sai, là vụ án Hồ Duy Hải ở Long An và vụ mẹ con cô gái síp gà ở Điện Biên.
  • Là Chánh án mà các phiên toà xét xử công khai nhưng cấm báo chí, luật sư,… ghi âm ghi hình, bất chấp quy định của pháp luật. Vì vậy, khi bị tố cáo xét xử sai thì được trả lời tỉnh queo là “không có bằng chứng”.

 

Xuân Hưng – thoibao.de