Tương lai, Việt Nam sẽ mua vũ khí từ đâu?

Ngày 24/3, trang scmp.com có bài bình luận về nguồn cung vũ khí cho Việt Nam của tác giả Maria Siow. Bài viết được dịch giả Cù Tuấn biên dịch và đăng trên báo Tiếng Dân cùng ngày, với tựa đề “Khi nguồn cung vũ khí Nga cho Việt Nam cạn kiệt, nước này sẽ mua vũ khí từ đâu?”.

Tác giả dẫn số liệu mới nhất cho thấy, nhập khẩu vũ khí của Việt Nam từ Nga đang giảm dần.

Việt Nam không đặt thêm đơn hàng lớn nào mới trong năm ngoái, theo số liệu của Viện Nghiên cứu Hòa bình Quốc tế Stockholm công bố vào tuần trước, dù có ngân sách mua sắm vũ khí hàng năm ước tính hơn một tỷ USD.

Theo tác giả, các quan chức Việt Nam đã công khai nói rằng, họ muốn đa dạng hóa nguồn cung, thay vì phụ thuộc vào Nga. Vào cuối năm 2022, Việt Nam đã tổ chức hội chợ vũ khí quốc tế đầu tiên. Điều này đã dẫn đến một số giao dịch mua bán, nhưng không có thêm thông tin nào được đưa ra.

Tác giả dẫn lời ông Nguyễn Thế Phương, chuyên gia quốc phòng Việt Nam tại Đại học New South Wales ở Australia, cho biết, một mũi nhọn quan trọng trong nỗ lực hiện đại hóa quân sự của Việt Nam, là xây dựng một tổ hợp công nghiệp quốc phòng mạnh mẽ, độc lập và lưỡng dụng. Và giảm sự phụ thuộc vào nhập khẩu vũ khí là ưu tiên hàng đầu trong thời gian tới.

Trái lại, tác giả cũng dẫn quan điểm của Giáo sư Carl Thayer, chuyên gia về Việt Nam và giáo sư danh dự tại Đại học New South Wales ở Australia, cho biết, mặc dù nhập khẩu đã giảm, nhưng “không có bằng chứng thực tế nào cho thấy Việt Nam đang đa dạng hóa nguồn vũ khí khỏi Nga”.

Ông Phương cho biết, một khó khăn mà Việt Nam phải đối mặt trong việc thích ứng với các loại vũ khí và nền tảng hiện đại, là loại bỏ các xe tăng, máy bay chiến đấu và tàu chiến từ thời Liên Xô, vốn vẫn chiếm một phần đáng kể trong kho vũ khí của Việt Nam.

Ông nói: “Quân đội Việt Nam từ lâu đã quen với các cách thức cũ”.

Cuối cùng, nhưng không kém phần quan trọng, tiền là một vấn đề lớn, vì việc hiện đại hóa bất kỳ lực lượng hải quân hoặc không quân nào đều “cực kỳ tốn kém”.”

Bên cạnh đó, ông Thayer cho biết, vào năm 2022, Việt Nam đã ký một biên bản ghi nhớ với Nga về việc mua một lượng lớn vũ khí.

Hà Nội đã và đang thực hiện các kế hoạch bí mật để mua vũ khí của Nga, trái với lệnh trừng phạt của Mỹ, theo một tài liệu nội bộ của Chính phủ Việt Nam bị rò rỉ.

Tác giả đề cập đến việc, Việt Nam đã nâng cấp quan hệ với nhiều quốc gia – bao gồm Úc, Nhật Bản, Hàn Quốc và Mỹ trong năm qua, và trong mỗi tuyên bố chung với các đối tác, đều có một phần về hợp tác quốc phòng.

Giáo sư Thayer cho rằng, những điều khoản này có thể tạo cơ sở để Việt Nam bắt đầu tìm hiểu việc mua vũ khí từ các nước khác. Ông cũng nhắc đến việc, Hàn Quốc đang trở thành nhà cung cấp vũ khí cho các quốc gia Đông Nam Á, đặc biệt là Philippines và Indonesia.

Ông Phương thì cho biết, mối quan hệ được cải thiện với Washington sẽ giúp Hà Nội dễ dàng tiếp cận các công nghệ quân sự của các đồng minh của Mỹ hơn, đồng thời việc nâng cấp quan hệ với các nước khác có thể giúp Việt Nam xây dựng năng lực công nghiệp quốc phòng.

Vấn đề nan giải đối với Việt Nam là hiện nay họ cần một lực lượng hải quân và không quân hùng mạnh và hiện đại hóa, nhưng đồng thời cũng đang loay hoay và do dự trong việc tìm giải pháp thay thế cho các vũ khí của Nga”, ông Phương nói.

Ông cho biết, Việt Nam có thể sẽ tiếp tục mua vũ khí từ Nga và phải đối mặt với nguy cơ bị trừng phạt, và tổn hại về danh tiếng, hoặc hợp tác nhiều hơn với các quốc gia cung cấp vũ khí từ phương Tây – điều này sẽ đòi hỏi sự thay đổi đáng kể về thể chế trong quân đội Việt Nam.

Dù thế nào đi nữa, “thời điểm là rất quan trọng”, ông Phương nói.

Ý Nhi – thoibao.de

 

Kasse animation 7.8.2023