“Bắt sống”, tín hiệu đe dọa của Tô gửi đến các đồng chí, ai can đảm đối đầu?

Ngày 28/3, Tướng Tô Ân Xô – người phát ngôn Bộ Công an, thông báo với báo chí rằng, cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an C03 đã bắt bị can, tạm giam ông Phạm Hoàng Anh đang là Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy tỉnh Vĩnh Phúc, về tội “Nhận hối lộ”, quy định tại Khoản 4, Điều 354, Bộ luật Hình sự. Cùng bị bắt với ông Phạm Hoàng Anh còn có ông Lê Viết Chữ, cựu Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ngãi.

Như vậy, lại thêm một vụ bắt quan chức đang tại chức. Rồi sẽ có thêm những vụ khác nữa, bởi đây là cách làm việc của ông Bộ trưởng Bộ Công an trong thời gian gần đây. Tính từ đầu năm, đây là nhân vật thứ 6 bị bắt khi còn tại chức và chưa bị Ủy ban Kiểm tra Trung ương đề xuất kỷ luật, cách chức, và khai trừ khỏi Đảng. Tất nhiên, sau khi bị bắt, những người này cũng sẽ bị kỷ luật và khai trừ Đảng.

Theo quy định của Đảng, những lãnh đạo là uỷ viên Trung ương Đảng và uỷ viên Bộ Chính trị thì thuộc Bộ Chính trị quản lý. Nhóm quan chức thấp hơn, cấp phó trong các cơ quan trực thuộc Trung ương, do Ban Bí thư quản lý. Ông Phạm Hoàng Anh là Phó Bí thư Thường trực Tỉnh uỷ – cơ quan trực thuộc Trung ương, nhưng không phải là Ủy viên Trung ương Đảng, nên thuộc diện Ban Bí thư quản lý. Vậy, theo quy trình, trước khi bị bắt, ông Phạm Hoàng Anh phải bị Ban Bí thư xử lý kỷ luật.

Ông Tô Lâm là Bộ trưởng Bộ Công an, không có thẩm quyền đối với Ban Bí thư, vì vậy, ông không thể thực hiện kỷ luật Đảng đối với kẻ mà ông muốn bắt. Cho nên, ông mới “bắt sống” không thông qua kỷ luật Đảng. Vụ này và những vụ “bắt sống” gần đây, là dấu hiệu cho thấy, Tô Lâm đang qua mặt Ban Bí thư và tự ý hành động.

Phải chăng, đây là tín hiệu nội loạn của Đảng Cộng sản Việt Nam?

Trước đây, ông Tô Lâm phải chờ “ngoài cổng”, đợi Ban Bí thư họp bàn, rồi sau đó giao cho Trần Cẩm Tú lên danh sách kỷ luật trình Bộ Chính trị. Sau khi Bộ Chính trị chính thức quyết định hình thức kỷ luật, thì lúc đó, Tô Lâm mới được phép thể hiện vai trò của mình.

Có nhiều hình thức kỷ luật, như khiển trách, cảnh cáo, cách chức, và khai trừ khỏi Đảng. Thường chỉ khi bị cách chức và khai trừ khỏi Đảng, thì Tô Lâm mới có thể bắt. Còn nếu kỷ luật khiển trách hoặc cảnh cáo, thì không tới lượt Tô Lâm ra tay.

Một khi Tô Lâm dám bỏ qua vai trò của Ban Bí thư, thì rõ ràng, Tô Lâm đã ra mặt khoe “cơ bắp” trước các đồng chí trong Đảng, rằng, “hãy biết điều, nếu không thì Ban Bí thư cũng không cứu được các ngươi”. Ông Tô Lâm đang làm chủ trò chơi trên bàn cờ chính trị hiện nay. Thông điệp ông đưa ra đã rõ. Liệu có nhóm lợi ích nào “dám” đứng ra đối đầu với một ông Bộ trưởng Bộ Công an đang “say máu sát phạt” hay không?

Đối với Tô Lâm, thì việc dùng bạo lực để khủng bố, nhằm kiểm soát “đồng chí” là sở trường của ông. E rằng, không mấy ai đủ can đảm để đứng ra đối đầu với Tô Lâm, mà đa số đều khiếp sợ, phải nhún nhường trước Tô Lâm. Giả sử, toàn Đảng đều vì quá sợ hãi mà phải nhường Tô Lâm, thì khi lên được ghế Tổng Bí thư, Tô Lâm chắc chắn cũng sẽ không tha cho những người đã “nhường mình”. Bởi với tính cách không khoan nhượng, không nhân đạo và đặc biệt rất vô ơn, của Tô Lâm, thì ông sẽ không tha một ai. Đây là cuộc chiến tranh giành quyền lực, là cuộc chiến sinh tử, nên các bên chẳng việc gì phải tử tế với nhau.

Cho tới nay, đối với cấp bậc từ uỷ viên Trung ương Đảng trở xuống, Tô Lâm cho bắt sống. Với các nhân vật Tứ trụ, Tô Lâm cũng đã ra đòn chính xác với trụ Chủ tịch nước, khiến 2 nhân sự của trụ này gục ngã.

Liệu rằng, trụ Chủ tịch Quốc hội và trụ Thủ tướng có đủ vững, để bám trụ lại cho đến hết nhiệm kỳ hay không?

Hai trụ này ắt cũng biết, dù có không tấn công Tô Lâm, thì Tô Lâm cũng không tha. Diễn biến tiếp theo thế nào, hãy chờ bộ phim tiếp theo.

Hoàng Anh – Thoibao.de

 

Kasse animation 7.8.2023