Nhiều lực lượng “không tham chiến” của phương Tây đã có mặt tại Ukraina

Nhiều lực lượng phương Tây ‘‘không trực tiếp tham chiến’’ đã có mặt ở Ukraina

Ngày 7/3, RFI Tiếng Việt cho hay “Nhiều lực lượng phương Tây “không trực tiếp tham chiến” đã có mặt ở Ukraina”.

RFI nhắc lại tuyên bố gây sốc và tạo ra bất đồng tại một số nước phương Tây của Tổng thống Pháp, vào ngày 26/2, rằng, không loại trừ các đồng minh “chính thức” gửi lực lượng quân sự đến Ukraina. Tuy nhiên, theo giới quan sát, tuyên bố này đã làm nổi bật thực tế là đã có nhiều lực lượng quân sự phương Tây có mặt tại Ukraina.

Về nước Pháp, RFI dẫn lời Tướng Jérôme Pellistrandi, Giám đốc tạp chí Quốc phòng, nhận định, Pháp không có đơn vị trực tiếp tác chiến tại Ukraine, nhưng cung cấp vũ khí và người Pháp có mặt để hỗ trợ quân Ukraine sử dụng thiết bị quân sự và bảo dưỡng chúng, cũng như cung cấp thông tin.

Về nước Anh, RFI dẫn lời cựu chỉ huy Thủy Quân Lục Chiến Hoàng gia Anh, ông Robert Magowan, năm 2022 thừa nhận, “một số lực lượng đặc nhiệm Anh đã tiến hành các hoạt động bí mật trong một môi trường cực kỳ nhạy cảm”. Và phát ngôn viên của Thủ tướng Anh, ngày 27/2 cũng thừa nhận ‘‘có một số lượng nhỏ’’ người Anh có mặt tại chỗ “để hỗ trợ các lực lượng vũ trang Ukraina”.

Cuối tháng 2 vừa qua, RFI cho biết, báo Mỹ cũng công bố nhiều thông tin hiếm có về các hoạt động của cơ quan tình báo Mỹ CIA tại Ukraina, từ sau cuộc Cách mạng Maidan 2014. Theo báo Mỹ, 2 năm qua, các lực lượng tình báo Mỹ đã cung cấp cho phía Ukraina nhiều thông tin quý giá “về các địa điểm Nga chuẩn bị tấn công, các vũ khí có thể được sử dụng”, “một số sĩ quan CIA cũng được cử đến các căn cứ của quân đội Ukraina, để phối hợp xem xét các mục tiêu của Nga mà Ukraina chuẩn bị tấn công, đối chiếu các thông tin tình báo hai bên có được để bảo đảm xác định chính xác mục tiêu”.

RFI cũng cho biết, cuối năm 2022, Lầu Năm Góc xác nhận, đã cử một số đơn vị nhỏ, thuộc lực lượng Thủy Quân Lục Chiến, ngoài việc bảo vệ Sứ quán Mỹ, còn có nhiệm vụ “giám sát” các vũ khí phương Tây viện trợ cho Kiev.

Trong bối cảnh nhiều nước phương Tây đã có lực lượng “không trực tiếp tham chiến” tại Ukraine để hỗ trợ Kiev chống xâm lược Nga, RFI dẫn bình luận của nhà nghiên cứu Vincent Tourret, thuộc Viện Nghiên cứu Chiến lược, Đại học Montréal, Canada, nhấn mạnh đến một thông điệp ít được công chúng chú ý trong tuyên bố của Tổng thống Pháp, nhưng có thể là “rất rõ ràng” đối với Nga.

 

Đó là, ngoài mở đường cho việc chính thức hóa sự hiện diện của các lực lượng quân sự phương Tây không trực tiếp tham chiến, tuyên bố của Tổng thống Pháp cũng nhấn mạnh đến vấn đề “an toàn của các lực lượng phương Tây”. Theo chuyên gia Vincent Tourret, điện Elysée muốn khẳng định với Moscow rằng, tính mạng của các binh sĩ phương Tây được cử đến Ukraina là “lằn ranh đỏ”, cho thấy quyết tâm của đồng minh Ukraine sẵn sàng đối mặt với chế độ Putin.

RFI cũng trích dẫn chuyên gia quân sự Olivier Schmitt, Đại học Nam Đan Mạch, cho rằng, vấn đề cử công binh cũng như nhân viên quân sự phụ trách khâu hậu cần, nhân viên chiến tranh điện tử… đã được các nước châu Âu bắt đầu bàn đến từ tháng 11/2023. Ngày 5/3, Tổng thống Cộng hoà Séc Petr Pavel là lãnh đạo châu Âu đầu tiên chính thức ủng hộ quan điểm của Tổng thống Pháp, khẳng định “đồng tình với việc tìm kiếm các biện pháp mới, bao gồm thảo luận về việc đưa lực lượng đến Ukraina”, cho dù không phải là “các lực lượng tác chiến”.

RFI cho biết thêm, khối NATO, mà Pháp là thành viên, không đối đầu quân sự trực tiếp với Nga, không cử quân đội tham chiến trực tiếp chống Nga tại Ukraine, nhưng “các lực lượng quân sự không trực tiếp tham chiến” thì có thể được triển khai, để không cho Nga chiến thắng tại Ukraina. Đó là cảnh cáo mạnh mẽ của Tổng thống Pháp gửi đến Moscow, và cũng là lời hiệu triệu của Paris gửi đến các đồng minh, đối tác của Kiev.

 

Quang Minh – thoibao.de

Kasse animation 7.8.2023