“Hạm đội ma” giúp Nga bán dầu, bất chấp lệnh trừng phạt

“Hạm đội ma” giúp Nga bán dầu, bất chấp lệnh trừng phạt

Ngày 27/2, RFI Tiếng Việt có bài “Dầu hoả: “Hạm đội ma”, cánh tay đắc lực giúp Nga lách trừng phạt quốc tế”.

Theo đó, 10 % các tàu chở dầu trên thế giới hiện nay là “tàu ma”. Đó là phương tiện xuất khẩu 70 % dầu hỏa của Nga bằng đường biển. “Hạm đội ma” trên thế giới, trong vỏn vẹn 1 năm đã được nhân lên gấp đôi, cho phép Moscow tiếp tục bán dầu hỏa với giá cao hơn giá trần.

RFI cho biết, ngày 22/2, nhân kỷ niệm tròn 2 năm cuộc xâm lược Ukraine của Nga, Hoa Kỳ đã loan báo ban hành lệnh trừng phạt, nhắm vào Tập đoàn vận tải đường biển của Nga Sovcomflot, và 14 “tàu chở dầu ma” mà Moscow sử dụng.

Trước đó, từ tháng 12/2022, Liên Hiệp Châu Âu, khối G7 và Úc, đã quy định “mức giá trần 60 đô la một thùng dầu”. Đây là giá tối đa mà các thành viên liên minh này có thể mua vào dầu hỏa của Nga.

RFA dẫn một thông cáo của liên minh Âu – Mỹ vào cuối năm 2023, cho rằng, dưới tác động của các biện pháp trừng phạt, “thu nhập của Nga từ các hoạt động xuất khẩu dầu hỏa và các sản phẩm chế dầu giảm 1/3 so với hồi 2022”.

Tuy nhiên, RFI dẫn báo Financial Times của Anh, vào tháng 10/2023, trích dẫn “nhiều nguồn tin chính thức” của Liên hiệp châu Âu cho biết, “không một lô dầu xuất khẩu bằng đường biển nào của Nga bán ra với giá dưới 60 đô la/thùng. Theo các thống kê của Moscow, Nga xuất khẩu vàng đen với cái giá trung bình hơn 80 đô la”.

RFI tiếp tục dẫn Tạp chí chuyên về vận tải đường biển của Anh – Lloyd’s List Intelligence, báo động “số lượng tàu thuộc diện hạm đội ma năm ngoái đã tăng lên gấp đôi và chiếm 10 % toàn bộ tàu chở dầu đang hoạt động trên trường quốc tế ».

RFI cũng cho biết, theo trung tâm nghiên cứu về quan hệ quốc tế Atlantic Council, trụ sở tại Washington, hiện có khoảng 1.400 “tàu ma” đi khắp nơi trên thế giới, chủ yếu là chở dầu của Nga hướng về châu Á, với hai mắt xích quan trọng là Trung Quốc và Ấn Độ.

Và vào tháng 10/2023, mỗi ngày, Nga “xuất khẩu 2,3 triệu thùng dầu thô và 800.000 thùng dầu lọc bằng phương tiện này”.

Theo RFI, dù “đen” hay “xám”, thì những chiếc tàu đó thường là những con tàu cũ kỹ, tối thiểu đã phục vụ trong 20 năm, không thông qua các khâu kiểm tra về các chuẩn mực an toàn. Thêm vào đó, các “Hạm đội ma” không hề có bảo hiểm về an toàn hàng hải, vì vậy, chúng tiềm ẩn rủi ro về nguy cơ “thuỷ triều đen”.

RFI nhắc lại một số vụ tai nạn làm vỡ “tàu ma”, có nguy cơ dẫn đến nạn “thuỷ triều đen”, như: vụ vỡ tàu ma gần bãi biển Tobago của Trinidad trong vùng Caribbe vào đầu tháng 2 vừa qua; vụ tàu dầu cũ kỹ Pablo chứa hơn 700.000 thùng dầu bị nổ và bốc cháy ngoài khơi Malaysia vào năm ngoái…

Về chiến thuật của Nga, RFI dẫn ghi nhận của ông Christopher Weafer – Giám đốc Công ty tư vấn Macro Advisory Ltd của Anh, cho biết: Các đại tập đoàn năng lượng của Nga không quản lý việc xuất khẩu dầu hoả nữa, thay vào đó là “nhiều công ty nhỏ và hoàn toàn không có tiếng tăm”, nhưng lại vận chuyển “hàng triệu thùng dầu sang châu Á”, sau đó “nhanh chóng ngừng hoạt động thậm chí mất dạng” khỏi các màn hình radar của các cơ quan có chức năng kiểm soát giao thương hàng hải quốc tế.

Hơn nữa, với đội ngũ “tàu ma”, dầu hỏa của Nga từ khi rời các bến cảng cho đến khi được giao cho khách hàng, đã “năm lần, bảy lượt được chuyển từ tàu này sang một tàu khác”: Đố ai tìm được dấu vết để chứng minh đấy là dầu của Nga.

Theo Công ty Macro Advisory Ltd, “Ấn Độ, Trung Quốc và Thổ Nhĩ Kỳ là những nguồn nhập khẩu dầu lớn nhất của Nga”, nhưng “một phần lớn trong số đó, trước sau gì rồi cũng sẽ quay trở lại châu Âu”. Mỗi ngày có khoảng 1,5 triệu thùng dầu rời các bến cảng của Nga, mà “trên giấy tờ là để hướng tới Trung Quốc hay Ấn Độ”, nhưng thực ra “chúng được hòa loãng trên thị trường dầu hỏa thế giới”, và để bán cho Liên hiệp châu Âu.

 

Quang Minh – thoibao.de

Kasse animation 7.8.2023