Vì sao Tổng Trọng “dứt ghế” Tổng Bí thư mãi không ra?

Tờ The Economist 23/1 trong bài viết, “Cởi trói cho con Cọp”, đã đưa ra nhận định cho rằng, “Việt Nam cần một nhà lãnh đạo mới”. Theo đó, có rất ít quốc gia sở hữu nhiều lợi thế như Việt Nam hiện nay, để trở nên giàu có. Nhưng sự tê liệt về chính trị có thể làm chậm quá trình phát triển, và ông Trọng có thể đang là vật cản.

Giới phân tích lâu nay đã đưa ra các nhận định cho rằng, vấn nạn tham nhũng của Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng, trong 2 nhiệm kỳ làm Thủ tướng trước đây (2006 – 2015), đã mất kiểm soát. Đó là lý do, sau Đại hội Đảng lần thứ 12, với sự thất bại của Thủ tướng Dũng, ngay sau đó, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã khởi động một chiến dịch “đốt lò”. Đây là bản sao của chiến dịch “đả hổ, diệt ruồi” mà người đồng cấp Tập Cận Bình ở Trung Quốc đã khởi động, từ khi lên nắm quyền từ năm 2012. Nhưng kể từ năm 2016 đến nay, ông Trọng “đốt lò” mãi vẫn chưa thành công.

Một trong những mong muốn của ông Trọng về nhân vật kế nhiệm là phải thừa kế và tiếp tục công cuộc “đốt lò” – chống tham nhũng. Tuy nhiên, cho đến nay, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã bước sang tuổi 80, nhưng ông vẫn chưa tìm được người kế nhiệm đáng tin cậy.

Theo giới phân tích, đó là lý do đã khiến ông Nguyễn Phú Trọng đã trở thành con tin trong chiến dịch chống tham nhũng của chính mình. Nếu trong trường hợp, Đảng không thể loại hết được những kẻ tham nhũng, hay phần tử không trung thành với lý tưởng của Đảng, thì tối thiểu, theo ý ông Trọng, Đảng phải được lãnh đạo bởi một nhân vật có cùng động cơ giống ông.

Theo The Economist, rõ ràng ông Trọng chưa tìm được người kế nhiệm đáng tin cậy, thế nên, ông phải làm thêm nhiệm kỳ Tổng Bí thư thứ ba. Và sẽ rất thú vị nếu ông Nguyễn Phú Trọng công bố được tên người sẽ kế nhiệm ông vào năm 2026.

The Economist sau đó đã đưa ra lời khuyên rằng, “ông Nguyễn Phú Trọng cần chấm dứt tâm trạng lo ngại này, tốt nhất là Tổng Bí thư nên rút lui, để cho Đảng chọn lựa một người kế nhiệm thực tiễn”.

Theo giới phân tích, điều kể trên không đơn giản như vậy, mà còn rất nhiều những vấn đề đằng sau, cho thấy, việc ông Nguyễn Phú Trọng nếu chịu chấp nhận rời bỏ quyền lực tại thời điểm này, là điều không hề dễ dàng. Không đơn giản chỉ là chuyện không có người thay thế cho ông Trọng. Mà vấn đề là, người thay thế vào chiếc ghế Tổng Bí thư của ông Trọng, có đảm bảo cho cựu Tổng Bí thư, về tài sản, tính mệnh và sự an toàn hay không?

Theo giới quan sát, tại Hội nghị Trung ương 8 khóa 13, trong phiên bế mạc, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng lần đầu tiên đã chính thức thông báo, ông sẽ nghỉ khi hết nhiệm kỳ Đại hội 13, với lý do tuổi đã quá cao và đã ngồi tới 3 nhiệm kỳ Tổng Bí thư liên tiếp.

Giới thạo tin khẳng định rằng, Tổng Trọng hoàn toàn, hay không bao giờ muốn nghỉ, mà muốn ngồi trên chiếc ghế Tổng Bí thư này đến hết đời. Với lý do, hơn 10 năm trên cương vị Tổng Bí thư, ông Trọng đã gây lắm thù và chuốc lắm oán, từ các đồng chí của mình trong Đảng. Hơn bao giờ hết, tại thời điểm hiện nay, ông Trọng đã và đang nghĩ tới điều mang tính quy luật, “cá ăn kiến rồi có ngày kiến ăn cá”.

Công tác tổ chức nhân sự dưới sự chỉ huy của Tổng Bí thư Trọng, trên cương vị Trưởng tiểu ban Nhân sự của 2 kỳ Đại hội Đảng gần đây, rõ ràng đã rơi vào tình trạng khủng hoảng trầm trọng. Số lượng các uỷ viên Trung ương, lãnh đạo cao cấp, lũ lượt dắt tay nhau vào tù mấy năm gấn đây, lớn cả về số lượng lẫn quy mô chức tước. Điều đó cho thấy, chất lượng nhân sự do Trưởng tiểu ban Nguyễn Phú Trọng chọn lựa là rất có vấn đề, do yếu tố chủ quan từ Tổng Bí thư và khả năng bị “hồi tố” tương đối cao.

Đó là những lý do, vì sao, theo giới quan sát, nhân sự kế cận thay cho ông Trọng cũng như bộ máy tứ trụ mà ông Trọng muốn, cũng phải đảm bảo sự an toàn tuyệt đối cho ông, sau khi ông hạ cánh về hưu, để không bị các thế lực kình địch trong Đảng hồi tố.

Giới thạo tin cho biết, Tổng Bí thư Trọng đang nỗ lực xây dựng một ê kíp lãnh đạo gồm những người phe ông trong Bộ Chính trị, với trên 2/3 các ủy viên; hoặc cả 4/4 nhân vật tứ trụ của Đại hội 14 tới đây. Như vậy, ông Trọng vẫn có thể khuynh loát và điều khiển được họ, sau khi đã nghỉ hưu. Phải như thế, Tổng Trọng mới ăn ngon, ngủ yên trong những ngày cuối đời.

Cứ nhìn cách đối xử của Tổng Trọng với các ông cựu Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc hay đương kim Thủ tướng Phạm Minh Chính, thì thấy rõ, ông Trọng những ngày tháng cuối đời sẽ sống chết ra sao?

Đó là chưa kể đến sự trỗi dậy của Bộ trưởng Tô Lâm, một kẻ đang ủ mưu và đang cố gắng “giành ngôi, đoạt vị” với Tổng Bí thư Trọng, là chuyện không thể bỏ qua./.

 

Trà My – Thoibao.de

29.1.2024

Kasse animation 7.8.2023