EVN là túi tham không đáy, cho 2 lần tăng giá điện vẫn báo lỗ 38 ngàn tỷ!

Bài ca tăng giá điện lại tiếp tục đối với EVN. Cuối năm 2022, EVN than lỗ, đề xuất tăng giá điện và được toại nguyện. Năm 2023, EVN được tăng giá điện 2 lần, lần thứ nhất vào tháng 5 và lần thứ nhì vào tháng 11.

Doanh nghiệp bán điện ở các nước khác phải cạnh tranh và chấp nhận luật chơi của cơ chế thị trường, lời ăn lỗ chịu. Ở Việt Nam, một mình EVN độc quyền mua điện và độc quyền bán điện, vậy mà doanh nghiệp này vẫn kêu ca thua lỗ, triền miên từ năm này đến năm khác.

Đảng Cộng sản Việt Nam lấy lý do “vì an ninh năng lượng”, nên áp dụng chính sách độc quyền điện. Tuy nhiên, đây chỉ là lý do để che đậy cho việc chia chác miếng bánh béo bở ngành điện, của nhóm lợi ích liên quan. Nhóm này rất lớn, từ Chính phủ đến Bộ Công thương và đến các lãnh đạo EVN.

Thực ra thị trường hóa ngành điện mới đảm bảo an ninh năng lượng. Lúc đó, cả người dân và nhà nước đều có quyền chọn lựa nhà cung cấp điện. Nếu nhà cung cấp này không đáp ứng được yêu cầu thì chọn nhà cung cấp khác, bảo đảm việc cung cấp điện không bị gián đoạn và giá cả không bị thổi lên. Nếu cố chấp giữ nguyên độc quyền cấp điện kiểu EVN, thì người sử dụng điện không có lựa chọn khác. Khi EVN không cung cấp đủ điện, hoặc tăng giá vô tội vạ, thì người sử dụng buộc phải chấp nhận. Lúc đó, hoạt động kinh doanh bị đình trệ dẫn tới ảnh hưởng toàn bộ nền kinh tế, đời sống người dân thì khốn đốn. Trên thực tế, hè 2023 đã xảy ra tình trạng này.

Vào tháng 11/2023, Công ty Intel đã hủy bỏ kế hoạch đầu tư mở rộng vào Việt Nam. Khoản đầu tư này vốn được kỳ vọng sẽ giúp Intel tăng gần gấp đôi năng lực sản xuất tại Việt Nam. Nguyên nhân được phía Intel đưa ra là, nguồn cung cấp điện của Việt Nam không đảm bảo.

Những người từng có cơ hội vừa sống ở Việt Nam, vừa ở nước ngoài, thì có thể so sánh. Ngay trong khu vực Đông Nam Á, những nước không phát triển quá xa so với Việt Nam, thì cũng không có hiện tượng cúp điện nhiều như Việt Nam. Lấy ví dụ như Thái Lan, hiện tượng cúp điện rất hiếm, một năm chỉ chừng một vài lần, và mỗi lần chỉ vài phút, vì sự cố, chứ không phải vì thiếu nguồn cung.

Trong khi đó, người dân Việt Nam rất khốn khổ vì điện. EVN cúp tùy hứng, có khi cúp điện hàng giờ và đôi khi cúp nhiều ngày liên tục. Ngay cả khu vực thành phố lớn cũng không ngoại lệ.

Đối với doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài, muốn có điện liên tục phục vụ sản xuất kinh doanh, thì phải đầu tư thêm hệ thống phát điện dự phòng, cực kỳ tốn kém. Bởi nếu chỉ phụ thuộc vào nguồn điện của EVN, thì khi EVN cúp điện bất chừng, hoạt động sản xuất kinh doanh bị gián đoạn gây thiệt hại kinh tế.

Ở các nước thị trường hóa ngành điện, cả người dân và doanh nghiệp đều có quyền từ bỏ mua điện, loại bỏ nhà cung cấp tồi. Thậm chí, một doanh nghiệp có thể sử dụng hai nhà cung cấp điện, để dự phòng rủi ro.

Bên cạnh đó, nếu có thị trường cạnh tranh, nhà cung cấp điện không thể tùy tiện tăng giá bán điện. Bởi khi tăng không có lý do chính đáng, thì khách hàng sẽ quay lưng, vì họ còn có chọn lựa khác. Muốn vừa có lãi, vừa giữ được khách hàng, doanh nghiệp buộc phải cải tổ bộ máy, sao cho vừa tinh gọn và hiệu quả, đồng thời nghiên cứu đầu tư nguồn cung điện hợp lý, để giảm thiểu giá điện đầu vào. Ví dụ, khi giá than lên quá cao, thì từ bỏ điện than, hướng đến năng lượng tái tạo.

Năm 2023, EVN tiếp tục báo lỗ 38 ngàn tỷ để đòi tăng giá điện. Nếu năm 2024 được tăng giá điện, thì EVN lại tiếp tục dùng chiêu này để đòi tăng vào những kỳ tiếp theo. Và cứ thế, họ cứ moi tiền dân mà không đưa ra những giải pháp, những lựa chọn để tiết kiệm chi phí và hạ thấp giá thành sản phẩm.

Hiện nay, củi trong EVN và Bộ Công thương rất nhiều, liệu ông Tổng Bí thư có khui hết hay không? Nếu khui hết ra, thì sẽ có rất nhiều nhân vật lớn phải xộ khám. Bởi tiền vét được trong dân lâu nay, EVN không rót vào túi quan thì rót đi đâu?

Ý Nhi – Thoibao.de

28.1.2024

Kasse animation 7.8.2023