Bàn tay dính “da cóc”, Tô Bộ Trưởng chạy trốn khi gặp Tổng thống Đức!

Ngày 23/1, tại Phủ Chủ tịch, ông Võ Văn Thưởng và phu nhân đã dự Lễ đón chính thức Tổng thống Đức Frank-Walter Steinmeier và phu nhân, thăm cấp nhà nước tới Việt Nam. Tổng thống Đức sang thăm Việt Nam 2 ngày, tiếp xúc với 3 nhân vật tứ trụ, trừ ông Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, do ông Trọng đã phí sức trong buổi họp Quốc hội trước đó 8 ngày.

Đức là nền kinh tế lớn nhất trong khối EU. Đồng thời, tại Đức có nhiều nhân vật bị chính quyền Cộng sản truy nã đang lẩn trốn tại đây, trong đó có bà Nguyễn Thị Thanh Nhàn. Phía Việt Nam đang rất cần phía Đức giúp đỡ về nhiều mặt, trong đó có vấn đề kinh tế và hợp tác dẫn độ tội phạm.

Việc Tổng thống Đức đến Hà Nội là một dịp để ông Võ Văn Thưởng có thể sắp xếp cho Tô Lâm gặp, bởi đây là cơ hội để đề xuất phía Đức cho dẫn độ bà Nguyễn Thị Thanh Nhàn, mặc dù trước đây đã từng có đề xuất nhưng đã bị từ chối. Trong vấn đề đàm phán, chuyện bị từ chối rồi nối lại đàm phán và sau đó được chấp nhận, là chuyện bình thường. Tuy nhiên, lần này Tổng thống Đức sang Hà Nội, thì ông Tô Lâm lại không có mặt ở đây.

Vậy ông đã đi đâu?

Ngày 23/1, ngày mà Tổng thống Đức đến Việt Nam, cũng là ngày mà Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm đến Phnom Penh, thăm và làm việc với Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Campuchia Sar Sokha. Điều đáng nói là, ông Tô Lâm cũng thăm Campuchia đúng 2 ngày, trùng với lịch trình của Tổng thống Đức. Khi Tổng thống Đức vừa lên máy bay về nước, thì ông Tô Lâm cũng trở về Việt Nam. Đây được xem là hành động “lánh mặt” của ông Tô Lâm, khi Tổng thống Đức đến thăm.

Chuyện về Trịnh Xuân Thanh là chuyện đã rồi, Trịnh Xuân Thanh đã bị kết án và đang thụ lý án tù. Sẽ không có chuyện chính quyền Cộng sản trả Trịnh Xuân Thanh về lại Đức, để Đức thực hiện theo đúng quy định của luật pháp Đức. Nếu ông Nguyễn Phú Trọng có ý định tử tế, thì ông đã không cho Tô Lâm bắt cóc người. Bởi đây là hành động của băng đảng tội phạm, chứ không phải của một chính quyền đúng nghĩa.

Đức chơi với Việt Nam cũng chỉ về vấn đề kinh tế, trong đó, nhiều nhà đầu tư Đức muốn chính quyền Đức xích lại gần hơn nữa với Việt Nam, để thuận tiện cho việc đầu tư của họ. Việt Nam chơi với Đức vì cũng muốn có được khe hẹp để chui vào thị trường EU, kiếm ngoại tệ về cho Đảng. Mỗi bên đều vì lợi ích của mình, tuy nhiên, Đức là nhà nước pháp quyền, họ không chấp nhận được việc một chính quyền lại hành xử như tội phạm. Có lẽ, đó là lý do khiến Tổng thống Đức sẽ không chấp nhận bắt tay với một “tên tội phạm”, dù người đó có là Bộ trưởng đi nữa.

Ông Tô Lâm đi Campuchia để lánh mặt Tổng thống Đức, điều đó cho thấy, ông biết ông bị xem là một “tên tội phạm”, và tất nhiên, ông cũng biết, hành động của ông cách đây 7 năm là hành động phạm pháp tại lãnh thổ nước Đức.

Bàn tay ông Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm đã “dính da cóc” ở Đức, nếu ông Tô Lâm mà làm Tổng Bí thư, thì không biết, ông sẽ tiếp các vị nguyên thủ đến từ Đức và Slovakia như thế nào đây? Bởi tại Slovakia, ông Tô Lâm đã lừa Chính phủ nước này, thuê máy bay để thực hiện việc chuyên chở Trịnh Xuân Thanh, rồi sau đó “quỵt” luôn tiền thuê, thì đấy cũng là hành động của một tên tội phạm.

Giả sử, ông Tô Lâm mà lên được Tổng Bí thư, thì đây cũng là trường hợp chưa từng có trong lịch sử Đảng Cộng sản. Một tên “tội phạm” ở nước khác, nhưng lại đứng trên đỉnh cao quyền lực tại Việt Nam.

Việt Nam sẽ còn vướng víu với phía Đức vì vụ Trịnh Xuân Thanh, ít nhất là cho tới khi ông Tô Lâm không còn quyền lực. Quen thói làm bừa, làm việc bất chấp luật pháp ở Việt Nam, nên khi bước ra sân chơi thế giới thì bị người ta xem như là tội phạm. Thật nhục nhã cho một nhà nước tự xưng là “pháp quyền Xã hội Chủ nghĩa”.

Ý Nhi – Thoibao.de

27.1.2024

Kasse animation 7.8.2023