Có hay không ông Tổng dở chứng để trái lệnh “thiên triều”?

Trước ngày tưởng niệm 50 năm Hải chiến Hoàng Sa – 19/1/1974, dư luận mạng xã hội đã thất vọng, và “cằn nhằn” rằng, vì sao truyền thông nhà nước không mảy may nhắc đến sự kiện đau lòng này.

Nhưng giới quan sát và công luận bất ngờ, khi sau ngày kỷ niệm kể trên một ngày, Bộ Ngoại giao Việt Nam đã chính thức nêu quan điểm của Việt Nam về việc Trung Quốc ngang nhiên dùng vũ lực, chiếm đoạt quần đảo Hoàng Sa vào ngày 19/1/1974.

Báo Tuổi Trẻ ngày 20/1 đưa tin, với tiêu đề “Bộ Ngoại giao lên tiếng việc Trung Quốc chiếm đoạt Hoàng Sa năm 1974”.

Bản tin của báo Tuổi Trẻ cho biết, ngày 20/1, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Phạm Thu Hằng tuyên bố:

“Việt Nam có đầy đủ cơ sở pháp lý và bằng chứng lịch sử để khẳng định chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, trong đó, chủ quyền của Việt Nam đối với Hoàng Sa được xác lập ít nhất từ thế kỷ XVII, phù hợp với luật pháp quốc tế và được các nhà nước kế tiếp nhau của Việt Nam thực hiện một cách hòa bình, liên tục, công khai.”

Đồng thời, bà Phạm Thu Hằng nhấn mạnh, các hành động sử dụng vũ lực không thể tạo ra danh nghĩa chủ quyền, cũng như không thể làm thay đổi được sự thật, rằng, chủ quyền đối với quần đảo Hoàng Sa thuộc về Việt Nam. Đáng chú ý, theo giới quan sát, truyền thông nhà nước Việt Nam đã sử dụng cụm từ Trung Quốc ngang nhiên dùng vũ lực chiếm đoạt quần đảo Hoàng Sa vào ngày 19/1/1974”. Trong đó, báo chí sử dụng động từ “chiếm đoạt”, là một từ có hàm ý tố cáo mạnh mẽ, so với từ “cưỡng chiếm” hay “đánh chiếm” thường được dùng trước đây.

Nhưng từ “chiếm đoạt” cũng thể hiện cho thấy sự vô trách nhiệm, cũng như sự thông đồng của những người Cộng sản miền Bắc Việt Nam, trước, trong và sau sự kiện Hoàng Sa.

Cụ thể:

– Tại cuộc đối thoại với các nhà khoa học Việt Nam vào sáng 17/5/2014, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam khi đó đã đưa ra một tuyên bố vô trách nhiệm, khi cho rằng: “Hoàng Sa là của Việt Nam. Trung Quốc đã dùng vũ lực để chiếm Hoàng Sa và nhất định chúng ta phải đòi lại. Đời tôi, đời các bạn chưa đòi được thì con cháu chúng ta sẽ tiếp tục đòi lại”.

– Trước Đại hội Đảng Cộng sản Việt Nam lần thứ 12, báo Dân Việt ngày 8/12/2015 có bài “Tổng Bí thư: “Nếu đụng độ trên biển ta có ngồi đây được không?”

Theo Dân Việt: “Sáng 8/12/2014, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cùng các đại biểu Quốc hội Hà Nội tại tổ bầu cử số 1, đã có cuộc tiếp xúc cử tri quận Ba Đình, Hoàn Kiếm (Hà Nội), để báo cáo kết quả kỳ họp thứ 10 Quốc hội khóa XIII vừa diễn ra.”

>>> (Hình 02: Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và Chủ tịch Tập Cận Bình tại Bắc Kinh tháng 11/2022)

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã có câu trả lời “xanh rờn” về vấn đề Biển Đông, như thách thức cử tri cả nước, rằng:

“Nếu để xảy ra đụng độ gì thì tình hình bây giờ bất ổn thế nào, chúng ta có ngồi đây mà bàn việc tổ chức Đại hội Đảng được không?”

V.v… và v.v…

Nhà nghiên cứu Biển Đông Đinh Kim Phúc, mới đây, đã trả lời Đài Á Châu Tự do (RFA) khi được hỏi, “nếu Việt Nam kiện Trung Quốc ra tòa án quốc tế, thì tài liệu về chủ quyền của Việt Nam có đứng vững về mặt công pháp quốc tế hay không?”

Ông Phúc cho biết:

“Nói về mặt lịch sử, Việt Nam có đầy đủ các thư tịch, có đầy đủ các văn kiện của các nhà nước phong kiến trước đây, cũng như thời kỳ quản lý quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa thời Việt Nam Cộng Hòa. Nhưng khi ra tòa án công lý quốc tế, người ta sẽ xét trên những điều kiện thực tế.”

Ông Đinh Kim Phúc cho biết thêm, nếu Việt Nam không có một bộ hồ sơ hoàn chỉnh về chủ quyền của mình dựa trên công pháp quốc tế, thì e rằng, dù Trung Quốc có đồng ý ra tòa, thì chưa chắc Việt Nam có thể thắng kiện. Mà đã kiện về chủ quyền lãnh thổ, không thắng thì đồng nghĩa với thua, như vậy, chỉ có mất trắng.

Các chuyên gia Biển Đông đều đồng thuận với ý kiến nêu trên của ông Đinh Kim Phúc, và thống nhất rằng, một trở ngại khiến Việt Nam không thể kiện Trung Quốc, hoặc có kiện thì rồi cũng “chắc chắn thua”, bởi “Công hàm Phạm Văn Đồng vẫn là một khúc xương khó gặm nhất trong bộ hồ sơ chủ quyền của Việt Nam”.

Việc Bộ Ngoại giao Việt Nam, sau một ngày so với ngày kỷ niệm 50 năm Hải chiến Hoàng Sa, mới lên tiếng, cho thấy, đây là một tuyên bố hoàn toàn bất thường, vào thời điểm hết sức sít sao, và dường như không có sự chuẩn bị trước.

Điều đó có liên quan gì đến vị thế và quyền lực của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng trong nội bộ Đảng Cộng sản Việt Nam hay không? Trong lúc, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng lâu nay vẫn bị đánh giá là một phần tử thân Bắc Kinh, và do Trung Quốc dựng nên.

Theo giới phân tích, một khả năng có thể, đó là, Tổng Bí thư Trọng năm nay đã bước sang tuổi 80, tuổi cao, sức yếu, đã hết giá trị sử dụng. Việc Trung Quốc công khai ủng hộ, để Bộ trưởng Công an Tô Lâm thay thế ông Trọng, có thể khiến Tổng Bí thư phật ý, và ra lệnh cho Bộ Ngoại giao có những phản ứng tới mức “bát nước đổ đi, không bao giờ lấy đầy trở lại” được.

Và thời gian sẽ cho chúng ta câu trả lời./.

Trà My – Thoibao.de

21.1.2024

Kasse animation 7.8.2023