Tô đại mời Trung Quốc vào Việt Nam để bảo vệ Đảng?

Ngày 10/1, RFA Tiếng Việt loan tin “Bộ trưởng Tô Lâm muốn Trung Quốc giúp đỡ duy trì vị trí cầm quyền tuyệt đối của Đảng Cộng sản, chế độ Xã hội Chủ nghĩa”.

Theo đó, Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm hôm 10/1, đã đề nghị với lãnh đạo Bộ Công an Trung Quốc giúp đỡ về lý luận và thực tiễn, trong việc duy trì vai trò lãnh đạo tuyệt đối của Đảng Cộng sản và chế độ Xã hội Chủ nghĩa.

RFA dẫn báo Công An Nhân Dân – cơ quan ngôn luận của Bộ Công an Việt Nam – cho biết, đề nghị này được đưa ra nhân cuộc gặp giữa Bộ trưởng Công an Tô Lâm và Thứ trưởng Bộ Công an Trung Quốc – ông Trần Tư Nguyên.

Ông Trần Tư Nguyên sang Việt Nam lần này nhân Hội nghị đối thoại cấp Thứ trưởng về An ninh chính trị lần thứ nhất, giữa Bộ Công an hai nước Việt Nam – Trung Quốc.

RFA dẫn lời Bộ trưởng Tô Lâm đánh giá về Hội nghị này:

“Điều này thể hiện quan hệ hai Đảng, hai nước Việt Nam – Trung Quốc đang trên đà phát triển tích cực, hiệu quả, thực chất, đúng như tinh thần Tuyên bố chung hai nước đã đề cập “Hợp tác quốc phòng – an ninh thực chất hơn”, trở thành một trong những trụ cột của quan hệ Việt Nam – Trung Quốc, có vai trò quan trọng trong việc củng cố tin cậy chiến lược giữa hai Đảng, hai nước.”

Theo báo Công An Nhân Dân, được BBC tường thuật lại, tại cuộc gặp, Bộ trưởng Tô Lâm đề nghị hai bên tăng cường trao đổi các vấn đề về lý luận và thực tiễn, liên quan đến Chủ nghĩa Xã hội, Đảng cầm quyền, cơ chế Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, chống tham nhũng, bảo vệ tuyệt đối vị trí cầm quyền của Đảng Cộng sản và chế độ Xã hội Chủ nghĩa.

Như vậy, với Hội nghị đối thoại cấp Thứ trưởng về An ninh chính trị lần thứ nhất giữa Việt Nam và Trung Quốc, với đề nghị của ông Tô Lâm đối với Trung Quốc, có thể thấy, đây không phải chỉ là những phát biểu mang tính ngoại giao đơn thuần. Rõ ràng, ông Tô Lâm đang mời Trung Quốc vào Việt Nam để giúp Đảng Cộng sản Việt Nam bảo vệ Đảng, bảo vệ chế độ, bởi ngoài giúp về lý luận như bao lâu nay, thì nay, ông Tô còn nhờ Trung Quốc giúp về thực tiễn.

Từ đó có thể thấy, những hy vọng được nhen nhóm lên, về việc Việt Nam sẽ ngả về Mỹ để kìm hãm Trung Quốc trong những vấn đề an ninh quốc gia, biển đảo, biên giới… khi Việt Nam nâng cấp quan hệ ngoại giao với Mỹ, chỉ là ảo tưởng.

Việt Nam không muốn và không thể thoát khỏi vòng kim cô của Trung Quốc, và điều này đồng nghĩa với việc, Việt Nam tiếp tục bỏ mặc cho Trung Quốc tung hoành ngoài Biển Đông, tiếp tục im lặng về vấn đề Hoàng Sa, dùng năm nay đã là đúng 50 năm kể từ ngày Trung Quốc cưỡng chiếm quần đảo này.

Hành động của Tô Lâm có thể nói là “cõng rắn vào nhà”.

Ngoài ra, RFA cho hay, hai bên cũng cam kết thúc đẩy mạnh hợp tác đấu tranh phòng, chống các loại tội phạm xuyên quốc gia, bao gồm ma túy, buôn bán người, lừa đảo qua mạng, tuy bắt đối tượng truy nã và tội phạm tổ chức người xuất nhập cảnh trái phép.

Theo RFA, Việt Nam và Trung Quốc có chung đường biên giới dài ở phía Bắc và thường xuyên có tình trạng người nhập cư trái phép giữa hai nước. Thời gian qua, các cơ quan chức năng Việt Nam đã bắt giữ nhiều trường hợp người Trung Quốc nhập cư trái phép vào Việt Nam và vi phạm pháp luật Việt Nam. Ngoài ra, cũng có nhiều trường hợp người Việt Nam bị lừa bán qua Trung Quốc.

RFA cho biết thêm, Việt Nam cũng là nước đã từng bị Liên Hiệp Quốc chỉ trích hồi năm 2022, khi bắt giữ nhà hoạt động Trung Quốc Đổng Quảng Bình và giữ kín thông tin này. Gia đình nhà hoạt động này lo lắng Hà Nội có thể trả ông về lại Trung Quốc.

Thu Phương – thoibao.de

11.1.2024

Kasse animation 7.8.2023