Bắc Kinh có giúp Tô đại “mãn nguyện” trở thành Tổng Bí thư tại Đại hội 14 hay không?

Câu thành ngữ “Bắc kinh đổ mưa thì Hà Nội giương ô”, dùng để chỉ mối quan hệ mật thiết giữa 2 hệ thống chính trị theo ý thức hệ Cộng sản – Việt Nam và Trung Quốc. Ý nghĩa của nó cũng tương tự như câu thơ của Tố Hữu:

“Bên kia biên giới là nhà.

Bên này biên giới cũng là quê hương.”

Việc các lãnh đạo Cộng sản Việt Nam từ trước đến nay vẫn dựa vào Trung Quốc để nắm giữ và duy trì quyền lực, là điều phổ biến. Bài học trước Đại hội Đảng lần thứ 12, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng từ chỗ thất thế trước cựu Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, nhưng đã lật ngược thế cờ một các ngoạn mục, là một minh chứng.

Kết quả là, kể từ sau Đại hội 12 năm 2016, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng bỗng nổi lên, và trở thành một lãnh đạo có quyền lực tuyệt đối, nắm quyền sinh, quyền sát trong nội bộ Đảng. Từ đó, ông Trọng cho ai sống thì người đó được sống; bắt ai chết là người đó phải chết, không được phép bị thương.

Gần đây, giới phân tích đưa ra một nhận xét đáng chú ý. Đó là, “Bộ trưởng Bộ Công an Việt Nam Tô Lâm đang theo bài học của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, là dựa vào Trung Quốc để nắm quyền lực?”

Có rất nhiều bằng chứng để chứng minh cho nhận định trên. Mới nhất, Đài Á Châu Tự Do RFA đưa một bản tin có tiêu đề, “Bộ trưởng Tô Lâm muốn Trung Quốc giúp đỡ duy trì vị trí cầm quyền tuyệt đối của Đảng Cộng sản, chế độ Xã hội Chủ nghĩa”.

RFA dẫn bản tin của báo Công An Nhân Dân ngày 10/1 cho biết:

“Đề nghị này được đưa ra vào sáng ngày 10/1/2024, nhân cuộc gặp giữa Bộ trưởng Công an Tô Lâm và Thứ trưởng Bộ Công an Trung Quốc Trần Tư Nguyên. Ông Trần Tư Nguyên sang Việt Nam lần này nhân Hội nghị đối thoại cấp Thứ trưởng, về An ninh chính trị lần thứ nhất, giữa Bộ Công an hai nước Việt Nam – Trung Quốc.”

Theo đó, trong cuộc gặp, Bộ trưởng Tô Lâm đã đề nghị với lãnh đạo Bộ Công an Trung Quốc, “giúp đỡ về lý luận và thực tiễn trong việc duy trì vai trò lãnh đạo tuyệt đối của Đảng Cộng sản và chế độ Xã hội Chủ nghĩa, cũng như các cơ chế Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, chống tham nhũng, bảo vệ tuyệt đối vị trí cầm quyền của Đảng Cộng sản và chế độ Xã hội Chủ nghĩa”.

Vẫn theo báo Công An Nhân Dân cho biết, Bộ trưởng Tô Lâm nói, “Điều này thể hiện quan hệ hai Đảng, hai nước Việt Nam – Trung Quốc đang trên đà phát triển tích cực, hiệu quả, thực chất, đúng như tinh thần Tuyên bố chung hai nước đã đề cập “Hợp tác quốc phòng – an ninh thực chất hơn”, trở thành một trong những trụ cột của quan hệ Việt Nam – Trung Quốc, có vai trò quan trọng trong việc củng cố tin cậy chiến lược giữa hai Đảng, hai nước.”

Việc Bộ trưởng Công an Tô Lâm, trong những năm gần đây, được đánh giá là một nhân vật “siêu quyền lực”, là điều không thể chối bỏ. Trước đây, với vai trò là “cánh tay phải” của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng trong công cuộc đốt lò, đã giúp cho Tô Lâm điều đó.

Kể từ sau Đại hội 12, bằng việc phanh phui hàng loạt các vụ án tham nhũng, Bộ trưởng Công an Tô Lâm đã khẳng định vị trí độc tôn, là người thực sự nắm quyền lực thống trị trên bàn cờ chính trị Việt Nam. Vấn đề quan trọng nhất ở chỗ, chỉ Tô Lâm mới là người nắm được “thóp” của tất cả lãnh đạo cấp cao Việt nam hiện nay.

Không dừng lại ở đó, trong thời gian qua, ông Tô Lâm có nhiều biểu hiện chuyên quyền và lộng hành. Mới nhất, Bộ Công an đã thông qua Công an tỉnh Thái Bình khởi tố, bắt giam ông Lưu Bình Nhưỡng, là một ví dụ.

Công luận nhận xét, vụ bắt bớ ông Lưu Bình Nhưỡng sặc mùi âm mưu chính trị, triệt hạ phe cánh trong nội bộ Đảng. Và khả năng cao, việc bắt giữ ông Lưu Bình Nhưỡng là quyết định từ Bộ trưởng Bộ Công an, chứ khó có thể là từ Bộ Chính trị.

Hơn nữa, ông Lưu Bình Nhưỡng là Phó trưởng ban Dân nguyện của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, một cấp dưới của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ – ứng viên hàng đầu của chiếc ghế Tổng Bí thư, tại Đại hội 14 tới đây. Phải chăng, đây cũng là một phép “thử sức” của Tô Lâm đối với Huệ Vương.

Trước đó, các vụ án liên quan tới đại dịch Covid-19, một loạt đàn em thân cận của Tổng Bí thư Trọng cũng  dính chưởng của Tô Lâm. Đó là, Chu Ngọc Anh – cựu Bộ trưởng Bộ Khoa học Công nghệ, nguyên Chủ tịch Hà Nội; Nguyễn Thanh Long – cựu Phó ban Tuyên giáo Trung ương, nguyên Bộ trưởng Bộ Y tế v.v…

Đó chính là lý do vì sao, mối quan hệ giữa người đứng đầu Đảng Cộng sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng, và Bộ trưởng Công an Tô Lâm, đã xấu đi nhanh chóng, và lên tới mức “một mất, một còn”.

Đây cũng là một điểm yếu của Bộ trưởng Công an, đó là việc “phần còn lại” trong Ban lãnh đạo hiện nay. Họ đã tập hợp, chung tay chống lại Bộ trưởng Công an Tô Lâm. Đây là một trong những lý do chính, giải thích cho việc ông Tô Lâm đang rốt ráo quay sang dựa hẳn vào Trung Quốc, để duy trì và củng cố quyền lực.

Xin nhắc lại, ngày 10/1, trang Facebook của đảng Việt Tân đưa ra lời bình đáng chú ý, “Tô Lâm là nhân vật có tham vọng lớn, là một trong những người được dư luận cho rằng, y là một trong những đồ tể. Nếu y thành công lật đổ được Nguyễn Phú Trọng thì dân càng khổ hơn”.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng hiện đã cao tuổi, trí tuệ giảm sút và cũng đã hết giá trị sử dụng đối với Bắc Kinh. Do đó, có khả năng ông Tô Lâm – một người ít tuổi hơn, quyền uy vẫn mạnh mẽ – thay thế?

Liệu Ban lãnh đạo Trung Nam Hải có ra tay giúp Tô Lâm trở thành Tổng Bí thư tại Đại hội Đảng lần thứ 14 hay không.

Chúng ta hãy chờ xem./.

Trà My – Thoibao.de

11.1.2023

Kasse animation 7.8.2023