Quốc Hội chuẩn bị kỳ họp bất thường, vì sao rộ tin đồn Tổng BT Trọng sắp nghỉ?

Ủy ban Thường vụ Quốc hội vừa có quyết định triệu tập Kỳ họp bất thường lần thứ 5, Quốc hội khóa XV. Kỳ họp này dự kiến khai mạc ngày 15/1, bế mạc ngày 18/1/2024.

VietNamNet online ngày 7/1/2024 đưa tin, với tiêu đề “Kỳ họp Quốc hội bất thường lần thứ 5 khai mạc ngày 15/1”.

Bản tin cho biết, tại phiên họp tháng 12/2023 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Tổng Thư ký Quốc hội, đề nghị trình Quốc hội tại kỳ họp bất thường lần thứ 5, xem xét thông qua dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi), dự thảo Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi), nếu đủ điều kiện.

Theo đó, chiều ngày 8/1/2024, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ khai mạc phiên họp lần tứ 29, để cho ý kiến về việc chuẩn bị cho kỳ họp bất thường này, đồng thời xem xét công tác nhân sự thuộc thẩm quyền.

Theo giới quan sát, nếu suy luận bằng phương pháp loại trừ, dựa trên căn cứ, mức độ quan trọng của kỳ họp bất thường lần thứ 5 lần này, liên quan đến vấn đề nhân sự, nếu có thay đổi, thì là các chức danh liên quan đến nhân sự của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Đó có thể là: Chủ tịch Hội đồng Dân tộc, chủ nhiệm các uỷ ban của Quốc hội; Chủ tịch Hội đồng Bầu cử quốc gia; Tổng Kiểm toán nhà nước; Tổng Thư ký Quốc hội…

Còn các chức danh quan trọng của Nhà nước như Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch nước, Chủ tịch Quốc hội…, nếu có sự thay đổi, thì theo lệ thường, quy trình nhân sự cấp cao sẽ diễn ra theo các trình tự như sau:

Ban đầu, Ban Chấp hành Trung ương sẽ bỏ phiếu giới thiệu nhân sự ứng cử các chức danh tại Hội nghị Trung ương.

Sau khi được Trung ương Đảng thông qua, nhân sự đó sẽ được đưa ra để Quốc hội thực hiện thủ tục phê chuẩn và bổ nhiệm.

Vậy tại sao, trên mạng xã hội trong những ngày qua, tại các diễn đàn chính trị, dân cư mạng bàn tán sôi nổi rằng, Quốc hội chuẩn bị kỳ họp bất thường này để sẽ xem xét công tác nhân sự. Đồng thời, có tin cho rằng, Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam có nhiều dấu hiệu cho thấy là sắp nghỉ.

Theo giới quan sát, có một biểu hiện rất rõ nét, đó là việc Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, từ đầu năm 2024, không xuất hiện trên truyền thông nhà nước. Lần cuối cùng Tổng Bí thư xuất hiện là tại Đại hội Đại biểu toàn quốc Hội Nông dân Việt Nam lần thứ VIII, nhiệm kỳ 2023 – 2028, vào ngày 26/12/2023.

Đáng chú ý, ông Nguyễn Phú Trọng đã không tham dự và phát biểu tại một Hội nghị quan trọng của Chính phủ và các lãnh đạo địa phương thường niên.

Được biết, tại Hội nghị Chính phủ và chính quyền địa phương các tỉnh, thành phố trên cả nước, năm 2024. Hội nghị này có đầy đủ các ban bệ, các uỷ viên Bộ Chính trị; thành viên Ban Bí thư… Ngoài ra, còn có các uỷ viên Trung ương Đảng, lãnh đạo các Bộ, ban ngành, các cơ quan Trung ương, bí thư thành ủy, tỉnh ủy, chủ tịch hội đồng nhân dân, chủ tịch uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

Tuy nhiên, không có sự hiện diện như thường lệ của người đứng đầu Đảng Cộng sản Việt Nam.

Trong lễ khai mạc Hội nghị này, Ban Tổ chức đã thông báo, “Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã gửi lời chúc mừng đến Hội nghị và đánh giá kết quả của năm 2023, có thể nói cao hơn năm 2022. Đồng thời, Tổng Bí thư còn giao nhiệm vụ cho Chính phủ,  không được chủ quan, thỏa mãn, mà phải nỗ lực phấn đấu hơn nữa để năm 2024 lại có kết quả cao hơn năm 2023.”

Có thể liệt kê những sự kiện mà Tổng Bí thư tham gia gần đây, theo truyền thông nhà nước đưa tin, cụ thể:

– Ngày 19/12/2023, Tổng Bí thư đến dự và phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị Ngoại giao lần thứ 32, với chủ đề “Phát huy vai trò tiên phong, xây dựng nền ngoại giao toàn diện, hiện đại, vững mạnh, thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội lần thứ 13 của Đảng”.

– Sáng 20/12/2023, Đảng ủy Công an Trung ương tổ chức Hội nghị đánh giá kết quả, kiểm điểm lại việc lãnh đạo thực hiện nhiệm vụ chính trị năm 2023, phương hướng, nhiệm vụ năm 2024, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tham dự và phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị này.

– Ngày 25/12/2023, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng còn chủ trì Hội nghị lần thứ 8, nhiệm kỳ 2020 – 2025, đánh giá kết quả lãnh đạo thực hiện nhiệm vụ quân sự, quốc phòng và xây dựng Đảng bộ Quân đội năm 2023; xác định phương hướng, nhiệm vụ, giải pháp lãnh đạo thực hiện nhiệm vụ năm 2024.

– Lần cuối cùng, Tổng Bí thư xuất hiện tại Đại hội Đại biểu toàn quốc Hội Nông dân Việt Nam lần thứ VIII, nhiệm kỳ 2023 – 2028 ngày 26/12/2023.

Công luận thấy rằng, Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng bước sang tuổi 80. Hiện nay, ông đang nắm giữ rất nhiều chức vụ cũng như quyền lực hàng đầu của bộ máy Đảng và nhà nước Việt Nam. Bao gồm: Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam; Bí thư Quân ủy Trung ương; Ủy viên Thường vụ Đảng ủy Công an Trung ương; Trưởng ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực…

Xin được nhắc lại, cũng do tuổi cao sức yếu, ngày 14/4/2019, trong chuyến kinh lý tới tỉnh Kiên Giang, quê hương của cựu Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, một tai nạn đã xảy ra đúng vào ngày sinh nhật lần thứ 75 của ông Trọng. Ông Nguyễn Phú Trọng đã bị đột quỵ thể nhẹ, sau đó đã nhanh chóng phục hồi.

Người ta vẫn thường nói, người già như trái chín cây, như ngọn đèn tàn trước gió. Đó là lý do khiến dư luận lo lắng rằng, sức khỏe của Tổng Bí thư Trọng có vấn đề, bất chấp các đồn đoán cho rằng, các bác sĩ Trung Quốc đảm bảo, ông Trọng sẽ thọ trên trăm tuổi, như tuổi thọ của đa số các lãnh đạo ở Bắc Kinh./.

Trà My – Thoibao.de

8.1.2024

Kasse animation 7.8.2023