Đảng chọn người bằng đấu đá nội bộ, đất nước tan nát, đời dân bi đát!

Năm 2023 sắp kết thúc, rồi cũng sẽ có những con số thống kê được công bố. Và chắc chắn rằng, những con số này so với các nền kinh tế phát triển bền vững như Nhật Bản và Hàn Quốc, cũng sẽ rất ấn tượng. Đặc biệt là tốc độ tăng trưởng kinh tế.

Tuy nhiên, thực tế thì luôn ngược lại, đời sống dân sinh đang vô cùng khốn đốn, doanh nghiệp thì điêu đứng và phá sản liên tục, nền kinh tế rất khó khăn. Tình trạng này đã kéo dài từ sau đại dịch đến nay.

Dịch Covid đã kết thúc cách đây 2 năm, 2 năm là thời gian đủ dài để phục hồi. Nhưng thực tế, nền kinh tế Việt Nam sau đại dịch còn bết bát hơn cả thời kỳ dịch bệnh, và không biết đến bao giờ mới hồi phục.

Nhà cầm quyền vẫn luôn đổ thừa rằng, kinh tế khó khăn là do suy thoái kinh tế thế giới, do dịch bệnh và chiến tranh Ukraine, đấy là khó khăn chung. Ý kiến này thoạt nghe qua thì có vẻ như hợp lý, nhưng nếu xem xét kỹ thì có vấn đề. Bởi đây là kiểu lý luận đổ thừa, tương tự như trước đây, Đảng Cộng sản vẫn đổ thừa cho sự khó khăn đất nước là bởi “chiến tranh”. Lý do này bị xã hội vạch trần, nên những năm gần đây, họ không còn đổ thừa lý do này nữa.

Phân tích những số liệu thực tế thì sẽ thấy được bản chất vấn đề. Từ dịch Covid trở về trước, tỷ trọng đóng góp cho xuất khẩu của doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, xoay quanh con số từ 69% đến 70% tổng kim ngạch xuất khẩu. Nhưng hậu Covid, tỷ trọng này tăng lên thành 74%. Nếu kinh tế thế giới cũng khó khăn như Việt Nam tuyên truyền, thì lẽ ra, tỷ trọng này phải không đổi, chứ tại sao lại tăng lên?

Việc tăng tỷ trọng đóng góp vào tổng kim ngạch xuất khẩu của khối FDI, có thể rơi vào một trong các trường hợp sau. Khả năng thứ nhất,  thế giới phát triển còn Việt Nam tụt hậu. Khả năng thứ hai, thế giới cũng khó khăn nhưng Việt Nam còn khó khăn nhiều hơn.

Hiện nay, nền kinh tế Việt Nam đang phải dựa vào khối FDI và kiều hối để làm nên tăng trưởng. Còn những doanh nghiệp thuần Việt vô cùng khốn đốn và đời sống dân sinh cũng bi đát theo. Người chịu trách nhiệm cho những khó khăn này, không ai khác chính là ông Phạm Minh Chính – người đang trực tiếp điều hành nền kinh tế đất nước.

Không phải như các nước dân chủ, mỗi lần bầu cử, ứng viên Tổng thống phải đem những vấn đề của đất nước ra mổ xẻ và trình bày trước dân cách giải quyết. Dân thấy thuận tai thì bỏ phiếu cho. Và đó chính là cách chọn người có năng lực quản lý đất nước. Ấy vậy mà vẫn có trường hợp dân bầu nhầm, chọn trúng ứng viên nói hay hơn làm.

Tuy nhiên, với Việt Nam thì lại khác, các vấn đề thực chất của đất nước bị ém, thay vào đó là những con số được chế tác rất đẹp. Và ông Thủ tướng được chọn không phải vì ông có năng lực giải quyết vấn đề, mà vì ông là chiến binh trên chính trường, đã chiến thắng đồng chí của ông bằng những trò đấu đá sinh tử. Chính vì lẽ đó mà một y tá rừng có thể lên làm Thủ tướng, hay một ông “hoạn lợn” có thể làm Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng (tức là Thủ tướng).

Vậy thì nền kinh tế đất nước này không nát sao được?

Quan chức Việt Nam lên chức bằng đấu đá, mà giữ chức cũng bằng đấu đá. Quanh năm, các “đồng chí” ấy chỉ lo vun vén cho lợi ích của mình, lợi ích nhóm mình, chứ nào có ai lo cho dân cho nước?

Cứ lên chức là phá, phá với chủ đích làm lợi cho cá nhân và cho nhóm, và phá vì kém tài kém đức, không đủ khả năng đảm nhiệm chức vụ. Cứ quản lý tồi, số liệu phát triển kinh tế đẹp thì đã có tuyên giáo lo, vậy thì, đất nước này không nát sao được?

Phạm Minh Chính đáng ra phải bị lôi ra khỏi ghế Thủ tướng vì quản lý tồi. Tuy nhiên, nếu ông có bị đá ra khỏi ghế, thì sẽ không phải vì quản lý tồi, mà chỉ có thể vì ông là kẻ thua cuộc trên võ đài chính trị. Với cách làm như thế, thì cho dù là Phạm Minh Chính hay các ông Thủ tướng khác cũng thế mà thôi.

Chỉ có dân là khốn khổ.

Ý Nhi – Thoibao.de

24.12.2023

Kasse animation 7.8.2023