Tổng Trọng bị “nắm thóp”, “bạn vàng” không ngại mối quan hệ Việt – Mỹ

 

 

Việc Tổng thống Mỹ sang thăm Việt Nam hồi tháng 9 làm cho báo giới tốn khá nhiều giấy mực. Đặc biệt là việc Mỹ nâng cấp quan hệ với Việt Nam, lên hàng đối tác chiến lược toàn diện, ngang bằng với mối quan hệ giữa Việt Nam và Trung Quốc.

Điều đáng nói là, sau chuyến thăm của Tổng thống Mỹ Joe Biden đến Việt Nam, là chuyến đi Mỹ của ông Phạm Minh Chính sau đó không lâu, và hiện nay là chuyến đi Mỹ của ông Võ Văn Thưởng. Trong chuyến thăm của ông Chính, báo chí thế giới còn đưa tin về việc Việt Nam muốn mua vũ khí, đặc biệt là mua tiêm kích F-16 của Mỹ. Điều đó cho thấy có tín hiệu đáng mừng. Tuy nhiên, thực chất, mối quan hệ giữa Việt Nam và Mỹ không được tốt như những gì thể hiện trên bề mặt.

Nếu Việt Nam tiến gần hơn với Mỹ về chính trị, thì Bắc Kinh sẽ phản ứng gay gắt. Đó là điều dễ hiểu, bởi họ cho rằng, Việt Nam gần Mỹ sẽ đe dọa họ, như Đài Loan. Tuy nhiên, sau chuyến thăm của ông Biden thì Bộ Ngoại giao Trung Quốc không có phản ứng gì. Còn tờ Hoàn Cầu Thời Báo – một tờ báo diều hâu của Bắc Kinh – thì cũng chỉ nói một cách nhẹ nhàng về tin Việt Nam ve vãn F-16 của Mỹ.

Ở clip ghi âm lời phát biểu của ông Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Hà Kim Ngọc, nói trước các lãnh đạo hưu trí tại Câu lạc bộ Thăng Long, có tiết lộ rằng, trước khi mời Tổng thống Mỹ sang thăm, ông Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã cử người sang Trung Quốc, báo cáo toàn bộ với Tập Cận Bình. Nghĩa là, Việt Nam đang chứng tỏ mình có độc lập trong quan hệ quốc tế, nhưng mà là sự “độc lập” trong khuôn khổ do Bắc Kinh kiểm soát.

Việt Nam đang được Trung Quốc xem là vùng đệm của quốc gia này. Cho đến nay, Trung Quốc đã biến Việt Nam trở thành quốc gia phụ thuộc cả về kinh tế lẫn chính trị. Về kinh tế, Việt Nam đang ngày một phụ thuộc hơn với Trung Quốc. Hàng rẻ Trung Quốc đang phá nát nền nông nghiệp Việt Nam, và điều đang nói, Trung Quốc đã biến Việt Nam phụ thuộc hoàn toàn vào thị trường nguyên liệu của họ. Nếu Trung Quốc ngắt kết nối, nền kinh tế Việt Nam chết không kịp hấp hối.

Về mặt chính trị là vấn đề rất nhạy cảm, bởi hơn ai hết, ông Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng biết rằng, người dân Việt Nam có sức đề kháng rất mạnh đối với Tàu Cộng. Vì thế, muốn đưa Đảng Cộng sản Việt Nam dính kết hơn với Trung Quốc, thì ông Tổng Bí thư phải tạo ra mặt nạ, phải cho người dân Việt Nam “uống nước đường”, để toàn dân nghĩ rằng, ông Tổng đã có chuyển biến, đã xích lại gần Mỹ hơn. Làm chính trị là phải thủ đoạn, là phải biết tạo mặt nạ, đặc biệt là phải tận dụng chủ nghĩa dân túy để đạt mục đích chính trị.

Thông tin riêng cho biết, khi ông Tổng Bí thư thâu tóm hoàn toàn quyền lực, tức là, khi ông bước sang nhiệm kỳ thứ hai, ông đã cho thực hiện những kế hoạch vô cùng bất lợi cho Việt Nam, nhưng lại rất có lợi cho Trung Quốc. Đó là, ông thọc tay vào Đảng ủy Bộ Công an, và ông đã cho dẹp bỏ Tổng Cục tình báo Bộ Công an (tức Tổng Cục 5) và xóa hết các phòng tình báo cấp tỉnh.

Trước khi dẹp bỏ Tổng Cục 5, các phòng tình báo của 6 tỉnh biên giới phía Bắc là chốt chặn các thành phần do thám từ “nước bạn” xâm nhập vào Việt Nam. Tuy nhiên, khi những chốt chặn này không còn, thì có thể nói, tình báo Việt Nam đã mất kiểm soát ngay trên lãnh thổ của mình.

Việc dẹp bỏ Tổng Cục 5 có sự giúp sức mạnh mẽ của ông Tô Lâm. Cho nên, có thể nói, Tô Lâm không những là người được lòng ông Tổng Bí thư, mà còn được lòng cả Bắc Kinh. Tuy là hung thần của người dân, nhưng Tô Lâm rất được việc đối với người “bạn vàng phương Bắc”.

Việc Tô Lâm sang Berlin bắt cóc người là một hành động gây thiệt hại lớn đối với đất nước. Bởi không chỉ nước Đức, mà các quốc gia trong khối EU cũng dè chừng Việt Nam hơn. Nhưng đây lại là việc làm có lợi cho Trung Quốc. Bởi Việt Nam không xích lại gần Mỹ về chính trị, và các nước phương Tây giữ khoảng cách đối với Việt Nam, thì chỉ có Trung Quốc được lợi nhất mà thôi.

Ý Nhi – Thoibao.de

Kasse animation 7.8.2023