Sau chuyến thăm của Tổng thống Biden, lần lượt các nhân vật lớn trong Bộ Chính trị Việt Nam tranh nhau đi Trung Quốc. Đầu tiên là ông Tô Lâm, đi Trung Quốc từ ngày 12 đến ngày 16/9. Kế đến là ông Phạm Minh Chính, đi Trung Quốc từ ngày 16/9 đến ngày 17/9. Tiếp theo là ông Võ Văn Thưởng, đi Trung Quốc từ ngày 17 đến ngày 20/10. Và giờ đây là ông Phan Văn Giang, đi Trung Quốc từ ngày 28/10.
Trong cuộc điện đàm giữa ông Vương Đình Huệ – Chủ tịch Quốc hội Cộng sản Việt Nam – và ông Triệu Lạc Tế – Chủ tịch Quốc hội Trung Quốc – hồi tháng 3 vừa qua, ông Triệu Lạc Tế đã mời ông Vương Đình Huệ sang Trung Quốc. Và có lẽ, sẽ có chuyến đi Trung Quốc của ông Vương Đình Huệ trong thời gian sắp tới.
Ông Phan Văn Giang sang Trung Quốc và khẳng định rằng, Việt Nam vẫn kiên quyết thực hiện chính sách 4 không, “Không tham gia liên minh quân sự; không liên kết với nước này để chống nước kia; không cho nước ngoài đặt căn cứ quân sự hoặc sử dụng lãnh thổ để chống lại nước khác; không sử dụng vũ lực hoặc đe dọa sử dụng vũ lực trong quan hệ quốc tế”.
Điều đáng nói là, tại Trung Quốc, ông Giang không hề đả động một lời nào về việc tàu Trung Quốc rượt đuổi và tấn công tàu cá Việt Nam ở Hoàng Sa hồi tháng 8, cũng như những chuyến xâm phạm vùng đặc quyền kinh tế Việt Nam của tàu Trung Quốc từ tháng 5 đến nay.
Theo ghi âm cuộc nói chuyện của Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Hà Kim Ngọc, trước các cựu quan chức Cộng sản ở Câu lạc bộ Thăng long, thì trước khi mời Tổng thống Mỹ sang Việt Nam, ông Nguyễn Phú Trọng đã cử người sang Trung Quốc, để báo cáo đầy đủ cho Tập Cận Bình.
Nếu đã có báo cáo đầy đủ như thế, thì sau chuyến thăm của Tổng Thống Mỹ, Đảng Cộng sản có cần phải cử lần lượt các nhân vật cấp cao trong Bộ Chính trị đi Trung Quốc hay không? Đây là điều rất bất thường. Giống như các nhân vật cấp cao trong Bộ Chính trị đang tranh nhau sang Trung Quốc thì phải.
Dù xích lại gần Mỹ, nhưng Đảng Cộng sản Việt Nam vẫn đu bám vào Trung Quốc, bởi Trung Quốc đang nắm vai trò lớn, chi phối cả về kinh tế lẫn chính trị Việt Nam.
Hiện nay, nền kinh tế Việt Nam đang sống nhờ vào thị trường nguyên liệu từ Trung Quốc. Hàng nông sản kém chất lượng của Việt Nam vẫn cần Trung Quốc tiêu thụ rất nhiều. Rất ít hàng hóa Việt Nam vào được châu Âu và Mỹ, bởi những thị trường đấy đòi hỏi tiêu chuẩn rất cao.
Từ khi những ông như Nguyễn Bá Thanh, Trần Đại Quang và gần đây nhất là Lê Văn Thành, bị ngã bệnh bí hiểm sau khi đi Trung Quốc, thì dư luận cũng dấy lên nghi ngờ rằng, Trung Quốc đã và đang thọc tay vào những trò thư hùng giữa các đồng chí với nhau, trong nội bộ Đảng Cộng sản Việt Nam.
Một khi, phía Trung Quốc mà giúp đồng chí này loại đồng chí kia trong Đảng Cộng sản Việt Nam, thì khi đó, Trung Quốc đã thao túng hoàn toàn Đảng Cộng sản Việt Nam. Cho nên, hiện tượng lần lượt những nhân vật cấp cao trong Bộ Chính trị đi Trung Quốc, thì đó là đi để thanh minh với Trung Quốc theo ý đồ của ông Tổng, hay là đi để tìm kiếm “bố đỡ đầu” ở phương Bắc, để rồi các đồng chí có chỗ dựa mà về nước ra tay với đồng chí của mình?
Hiện nay, Đảng Cộng sản đang bắt đầu cuộc đua tranh quyền lực cho nhiệm kỳ sắp tới. Hội nghị Trung ương 8 vừa rồi đã tiến hành chọn lựa nhân sự cấp ủy viên Trung ương Đảng. Còn nhóm ủy viên Bộ Chính trị thì cũng đang tìm mọi cách để vào tứ trụ, hoặc chí ít sẽ bám trụ lại Bộ Chính trị.
Tình hình chính trị Việt Nam rất phức tạp. Nhiều thế lực đang đấu nhau rất khốc liệt. Bản thân ông Phan Văn Giang cũng dính líu đến bà Nguyễn Thị Thanh Nhàn. Có lẽ, ông Giang cũng cần phải tìm “bố đỡ đầu” cho sự nghiệp chính trị của ông. Bởi nếu không nắm chắc quyền lực, thì e lại trở thành nạn nhân của đồng chí mình.
Ý Nhi – Thoibao.de