Theo báo cáo tài chính bán niên của Tập đoàn VinGroup, thì hiện nay, Tập đoàn này đang nợ một khoản lên đến 461.474 tỷ đồng, tương đương 19,2 tỷ đô la Mỹ. Một con số có thể nói vô cùng lớn đối với nền kinh tế Việt Nam. Con số này tương đương 4,8% GDP của Việt Nam.
Cũng theo bản báo cáo tài chính này, vốn chủ sở hữu của Tập đoàn VinGroup là 137.702 tỷ đồng, tương đương 5,7 tỷ đô la Mỹ. Vậy thì, nợ của VinGroup đang gấp 336% vốn chủ sở hữu.
Được biết, từ quý 4 năm 2021, thời điểm mà VinFast bắt đầu chuyển sang làm xe điện, thì VinGroup nợ khoảng 268.177 tỷ đồng, tương đương 11,2 tỷ đô la Mỹ. Như vậy, chỉ mới sau 18 tháng, khối nợ đã tăng thêm 72% so với ban đầu. Tương đương với 8 tỷ đô la Mỹ.
Lâu nay, Vinhomes được xem như là “con gà đẻ trứng vàng” cho VinGroup. Dù thị trường bất động sản đang thời kỳ đóng băng, nhưng Vinhomes không đốt tiền kinh khủng như VinFast. Hay nói đúng hơn, từ khi VinFast chuyển sang sản xuất xe điện, thì dường như VinGroup lâm nợ nhiều hơn.
Năm 2021, khi VinFast bắt đầu chuyển sang xe điện, thì VinFast lỗ 1,3 tỷ đô la. Năm 2022, lỗ 2,1 tỷ đô la. Và trong 6 tháng đầu năm 2023, VinFast lỗ 18.000 tỷ đồng, tương đương 750 triệu đô la Mỹ. Hiện nay, VinFast vẫn tiếp tục thua lỗ và không biết đến bao giờ mới đạt điểm hòa vốn.
Sau khi lên sàn Nasdaq hồi giữa tháng 8, cổ phiếu VFS của VinFast đã tăng vùn vụt, nhưng chỉ trong khoảng thời gian rất ngắn, rồi cắm đầu rơi tự do. Lúc cổ phiếu VFS lên đến 93 USD/cổ phiếu, là lúc số cổ phiếu giao dịch rất ít, chỉ có 4,5 triệu cổ phiếu trong tổng số 2,3 tỷ cổ phiếu phát hành, cho nên giá cổ phiếu lúc này dễ bị thao túng.
Đến nay, số cổ phiếu được phép bán ra thị trường chỉ mới 80 triệu cổ phiếu, tương đương với 3,5% tổng lượng cổ phiếu, mà đã rớt giá thê thảm. Cho nên, việc kỳ vọng vào nguồn vốn từ thị trường Nasdaq, ắt không được như ý của các nhà sáng lập VinFast.
Mới chỉ tung ra 3,5% lượng cổ phiếu, mà giá đã rơi mất đến 2 phần 3, so với mệnh giá phát hành, thì rất khó để VinFast vét đủ tiền cho giai đoạn tiếp theo. Vậy nên, từ thời điểm này trở đi, chủ yếu tiền cho VinFast đốt, là tiền của VinGroup và của cá nhân ông Phạm Nhật Vượng.
Hiện nay, ông Phạm Nhật Vượng đã cam kết xuất 1 tỷ đô la tiền túi và Vinhomes cam kết hỗ trợ 2,5 tỷ đô la cho VinFast đốt. Việc VinFast đã lên sàn Nasdaq, mà vẫn còn phải trông cậy vào tiền túi của ông chủ cũng như của các thành viên khác trong Tập đoàn, thì điều đấy cho thấy, việc huy động vốn trên sàn chứng khoán Mỹ không được như mong đợi, ít nhất là đến thời điểm này.
Cho nên, VinFast sẽ vẫn là máy ngốn tiền, là kẻ gây nợ cho VinGroup mà thôi. Không xác định được thời điểm hòa vốn, thì tương lai của VinFast nói riêng và VinGroup nói chung sẽ là vô định.
Nếu cổ phiếu VFS vẫn cứ ì ạch như hiện nay, thì nợ của VinGroup sẽ bị đẩy lên cao hơn nữa, là điều khó tránh khỏi. Được biết, tính đến thời điểm này, tỷ số đòn bẩy tài chính của Tập đoàn VinGroup đã lên đến 4,36. Đây là mức rất cao. Đòn bẩy tài chính được hiểu là tổng tài sản chia cho vốn chủ sở hữu.
Công ty này vay nợ quá nhiều, nên lãi suất vay nợ sẽ gặm sâu vào lợi nhuận, đồng thời, áp lực trả nợ cũng rất lớn. Được biết, tỷ số đòn bẩy tài chính của Tập đoàn Novaland hiện nay là 5,87 và doanh nghiệp này đang phải khốn đốn vật lộn với núi nợ để tồn tại. Khả năng Novaland sẽ ngã sụm trong nay mai.
Câu hỏi đặt ra là, với khoản nợ lên đến 336% vốn chủ sở hữu như thế, và với việc VinFast chỉ biết đốt tiền, thì VinGroup có thể cầm cự được bao lâu?
Có người nhận xét, do khoản nợ của VinGroup đã lên đến 4,8% GDP, nên nếu để nó ngã thì rất nguy hiểm cho nền kinh tế. Vì thế, chính quyền Cộng sản đang phải tìm cách đỡ cho Vin. Tuy nhiên, với tốc độ đốt tiền của VinFast vẫn khủng như hiện nay, thì tới lúc chính quyền cũng phải buông.
Xem ra, VinFast là bài toán khó giải cho ông Vượng.
Ý Nhi – Thoibao.de