Ngày 9/10, các tờ báo lớn trên thế giới, trong đó có tờ Bưu điện Washington đã đồng loạt đăng tin rằng, Tổ chức Ân xá Quốc tế cho biết, các tin tặc có liên kết với Việt Nam đã cố gắng sử dụng các nền tảng truyền thông xã hội X và Facebook, để cài đặt phần mềm gián điệp trên điện thoại của hàng chục mục tiêu, bao gồm các nhà lập pháp Hoa Kỳ, các quan chức Liên Hợp Quốc và các nhà báo của CNN .
Theo các nhà điều tra của Tổ chức Ân xá Quốc tế, công cụ hack mà Việt Nam sử dụng là cực mạnh – được thiết kế để lấy dữ liệu cuộc gọi và tin nhắn từ điện thoại – nhắm vào các tài khoản mạng xã hội, liên kết với Thượng nghị sĩ đảng Dân chủ Gary Peters và Chris Murphy, cũng như nghị sĩ đảng Cộng hòa và Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại Hạ viện Michael McCaul. Được biết, nhiều nhà báo của CNN chuyên đưa tin về các vấn đề Đông Á cũng là mục tiêu, tuy nhiên, Người phát ngôn của CNN từ chối bình luận về vấn đề này.
Theo cuộc điều tra, các điệp viên Việt Nam đã sử dụng mạng xã hội X (trước đây gọi là Twitter), để cố gắng lôi kéo các chính trị gia và những người khác, truy cập vào các trang web được thiết kế để cài đặt phần mềm hack có tên Predator. Được biết, phần mềm này là của hãng Intellexa, một nhà chuyên cung cấp phần mềm gián điệp của Ireland.
Một nguồn tin riêng cho thoibao biết, ngoài phần mềm Predator, phía Công an Việt Nam còn mua phần mềm gián điệp của Israel để theo dõi toàn dân.
Việc dùng phần mềm gián điệp tấn công vào các quan chức Âu Mỹ, là cách làm thiếu tôn trọng đối tác của Việt Nam. Các phần mềm và thiết bị gián điệp mà chính quyền Cộng sản đã mua và dùng, không phải là phần mềm độc quyền do Việt Nam tự phát triển, mà là phần mềm được các nhà cung cấp rao bán trên toàn thế giới.
Sử dụng những phần mềm này theo dõi người dân thì có lẽ không sao, nhưng dùng để theo dõi các quan chức nước ngoài, thì e là bị lộ dễ dàng. Và thực tế, chính quyền Cộng sản Việt Nam đã bị chỉ mặt, bị lên án vì đã thực hiện hành động bị đánh giá là “bỉ ổi”.
Vụ tấn công xảy ra khi các nhà ngoại giao Việt Nam và Mỹ đang đàm phán về một thỏa thuận hợp tác lớn, nhằm chống lại ảnh hưởng ngày càng tăng của Trung Quốc. Điều này làm cho một số nhà quan sát nghi ngờ rằng, trong Đảng Cộng sản Việt Nam, có thế lực nào đó muốn chống phá mối quan hệ đang tốt đẹp lên giữa Việt Nam và Mỹ. Hiện nay, trong Đảng Cộng sản Việt Nam đang tồn tại một thế lực muốn Việt Nam gần Trung Quốc hơn gần Mỹ.
Việt Nam tiến đến gần Mỹ thì có lợi cho dân cho nước, nhưng “bạn vàng” phương Bắc không thích. Trong nhiều năm qua, đặc biệt là từ Hội nghị Thành Đô vào năm 1990 đến nay, Trung Quốc vẫn luôn “nắm đầu” được Đảng Cộng sản Việt Nam. Tuy nhiên, những động thái gần đây của Đảng Cộng sản Việt Nam đã khiến Bắc Kinh không hài lòng, mặc dù ông Trọng đã cho 300 cán bộ nguồn sang Trung Quốc để ông Tập “dạy dỗ”.
Vừa bắt tay với Mỹ, vừa thực hiện hành vi xấu xa với Mỹ, thì có thể thấy rằng, bên trong Đảng Cộng sản Việt Nam không có sự thống nhất. Kẻ này nỗ lực, kẻ khác lại phá hoại. Kẻ đang phá hoại mối quan hệ giữa Việt Nam với Mỹ, thì cũng hiểu họ muốn Việt Nam gần ai?
Đã từ lâu, trong Đảng Cộng sản chia làm nhiều phe choảng nhau. Và dường như, mối quan hệ ngoại giao với Tàu hoặc với Mỹ, cũng là nguyên nhân cho những vụ choảng nhau như thế.
Trước đây, ở thời kỳ quan hệ Việt – Trung căng thẳng, mà đỉnh điểm là Chiến tranh Biên giới năm 1979, có Hoàng Văn Hoan công khai theo Tàu, rồi đào thoát sang Tàu như Lê Chiêu Thống. Hiện nay, không loại trừ trong Đảng Cộng sản Việt Nam cũng có những thế lực như thế, thậm chí, thế lực này không hề yếu thế.
Không biết, sau khi bị lộ vụ gián điệp mạng này, phía chính quyền Cộng sản Việt Nam sẽ phản ứng thế nào? Có lẽ là họ im lặng. Tuy nhiên, câu hỏi là, sau khi bị lộ họ sẽ chùn bước hay tiếp tục hành động này? Hãy chờ xem!
Ý Nhi – Thoibao.de