Thực chất từ chính sách “ngoại giao cây tre” đến “ngoại giao đánh võng” của Hà Nội với Washington?

Với việc Việt Nam và Hoa Kỳ đạt được sự thống nhất, đưa mối quan hệ ngoại giao giữa hai nước lên mức cao nhất “đối tác chiến lược toàn diện”, truyền thông Hoa Kỳ nhận định rằng, cả hai chuyến thăm đến Ấn Độ và Việt Nam của Tổng thống Biden, đều được coi là động thái thúc đẩy hơn nữa của Hoa Kỳ, nhằm chống lại ảnh hưởng của Trung Quốc ở châu Á.

Một câu hỏi đặt ra là, mối quan hệ “Đối tác chiến lược toàn diện Việt-Mỹ” chỉ mang tính hình thức hay là vấn đề thực chất?

Trước chuyến thăm, đa số các đánh giá cho rằng, việc nâng cấp chỉ mang tính hình thức, với mục đích tạo cơ hội giúp cho Hà Nội tận dụng được thị trường, nguồn vốn cũng như công nghệ của Mỹ, để phát triển kinh tế. Còn vấn đề hợp tác an ninh, bảo vệ chủ quyền thì khả năng sẽ thấp, hay chưa được đề cập.

Quả nhiên, ngay sau khi Tổng thống Mỹ Joe Biden rời Việt Nam ngày 11/9, thì ông Tô Lâm – trùm an ninh và cảnh sát Việt Nam – đã vội vàng chạy sang Trung Quốc. Sau đó là Thủ tướng Phạm Minh Chính cũng có chuyến đi tương tự.

Theo truyền thông nhà nước cho biết, ngày 14/9, tại Bắc Kinh, ông Tô Lâm được ông Trần Văn Thanh, Bí thư Ủy ban Chính pháp Trung ương Trung Quốc tiếp. Bản tin cho biết, mục đích chuyến thăm của ông Tô Lâm nhằm “góp phần đẩy mạnh và làm sâu sắc hơn nữa quan hệ Việt – Trung trong lĩnh vực an ninh, thực thi pháp luật, ngày càng đi vào chiều sâu, phát triển thực chất lên tầm cao mới.” Trong chuyến thăm, ông Tô Lâm cũng thảo luận với phía Trung Quốc về việc ký kết “Hiệp định chuyển giao người bị kết án phạt tù Việt – Trung”.

Giới quan sát đánh giá, những tin tức liên quan đến chuyến thăm này của truyền thông Trung Quốc đưa ra cho thấy, Bộ trưởng Tô Lâm được tiếp đón long trọng, như là nhân vật số năm sau các “tứ trụ”.

Sau ông Tô Lâm, Thủ tướng Phạm Minh Chính cũng thăm Trung Quốc trong hai ngày 16 và 17/9, để tham dự Hội nghị Thương mại – Đầu tư Trung Quốc – ASEAN 2023, ở thành phố Nam Ninh, Quảng Tây. Tại đây, Thủ tướng Phạm Minh Chính sẽ có cuộc gặp với Thủ tướng Trung Quốc Lý Cường.

Tiếp đó, ông Phạm Minh Chính sẽ dẫn đầu đoàn Việt Nam tham gia Khóa họp 78 Đại Hội đồng Liên Hiệp Quốc, tại New York, Hoa Kỳ. Theo dự kiến, trong thời gian ở Mỹ, Thủ tướng Chính sẽ hội kiến các lãnh đạo Chính phủ, Quốc hội Mỹ, và xúc tiến một số hoạt động đối ngoại, kinh tế – thương mại Việt –  Mỹ.

Thông Tấn Xã Việt Nam cho biết, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Việt Nam – Hà Kim Ngọc – ngày 14/9 tiết lộ, Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng, bất ngờ chưa thăm Mỹ được, vì điều kiện “chưa cho phép”.

Theo Thứ trưởng Hà Kim Ngọc, “Ban đầu Tổng thống Joe Biden đã mời Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng thăm Mỹ. Nhưng do điều kiện chưa cho phép, Tổng Bí thư chưa thực hiện được chuyến thăm đó và đã gửi thư mời Tổng thống Biden thăm Việt Nam”.

Tuy nhiên, Thứ trưởng Ngọc không nêu rõ điều kiện đó là gì?

Phía Việt Nam bất ngờ đưa ý kiến trên của Thứ trưởng Ngọc ra, trong lúc, trước đó, Tổng thống Joe Biden trong khi vận động tranh cử vào tháng 7/2023, đã khẳng định, lãnh đạo cao nhất của Việt Nam muốn ông trong chuyến công du châu Á ghé thăm Hà Nội. Không hiểu sao, Thứ trưởng Hà Kim Ngọc lại coi đó là một thắng lợi của Việt Nam?

Nhận định về lý do Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng hoãn chuyến thăm tòa Bạch Ốc theo lời mời của ông Joe Biden, giới quan sát tình hình chính trị Việt Nam, có chung nhận xét, “Không hẳn là lý do sức khỏe của ông Trọng kém, mà vấn đề là Tổng Bí thư Trọng và các lãnh đạo cấp cao Việt Nam đang bị sức ép rất lớn từ Trung Quốc”.

Việc các giới chức lãnh đạo Việt Nam vội vã sang Trung Quốc trước hoặc sau các hoạt động tăng cường ngoại giao với Mỹ, đã có tiền lệ. Giới quan sát cho là, những chuyến thăm này nhằm mục đích trấn an lãnh đạo Trung Nam Hải, rằng, Hà Nội dù nâng cấp quan hệ đối ngoại với Mỹ, song quan hệ đối ngoại “chiến lược toàn diện” thì vẫn tôn trọng “16 chữ vàng và 4 tốt” ở mức cao nhất.

Sau khi Tổng thống Joe Biden rời Việt Nam chiều 11/9, lập tức, Phát ngôn viên Bộ Ngoại Giao Trung Quốc Mao Ninh lên tiếng gièm pha chuyến thăm Việt Nam của Tổng thống Biden. Bà Mao Ninh cho rằng, đó chỉ là quan hệ mang tính hình thức, trong khi quan hệ hai nước Việt Nam Trung Quốc đặt trên nền tảng ý thức hệ Cộng sản, anh em tin cậy lẫn nhau. Đồng thời, bà Mao Ninh còn nhắc tới các phát biểu của các lãnh đạo Việt Nam mỗi khi gặp các lãnh đạo Trung Quốc, đều nói rằng, mối quan hệ Trung – Việt là mối quan hệ “giữa hai đảng Cộng sản”. Trong khi, nước Mỹ là kẻ “thù nghịch với Xã hội Chủ nghĩa” – điều mà cả hai nước Trung Quốc và Việt Nam đang nỗ lực theo đuổi.

Những diễn biến trong mối quan hệ giữa Việt Nam và Trung Quốc trong thời gian gần đây, đã cho người ta hiểu rõ hơn về mối bang giao giữa hai nhà nước Cộng sản anh em, “núi liền núi, sông liền sông”, với “bốn tốt” và “16 chữ vàng” vẫn là nền tảng.

Và chính sách ngoại giao cây tre của Hà Nội với Hoa Kỳ, chỉ là mối quan hệ ngoại giao đánh võng của Ba Đình với Washington mà thôi./.

Trà My – Thoibao.de

Kasse animation 7.8.2023