Vì sao quy hoạch nhân sự cấp cao, Tổng Trọng thường chọn các quan chức đã nhúng chàm?

Sau vụ án “chuyến bay giải cứu” và chuẩn bị cho phiên xét xử “đại án Việt Á”, đã có quá nhiều động thái cho thấy, ban lãnh đạo Đảng Cộng sản Việt Nam và Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, đang tìm mọi cách để giảm nhẹ tội cho các quan chức phạm tội. Cũng bởi lý do công tác nhân sự của Tổng Bí thư có vấn đề, nên mới được nửa nhiệm kỳ Đại hội XIII đã rơi rụng hàng loạt do tham nhũng.

Đó là các cựu Bộ trưởng Bộ y tế Nguyễn Thanh Long và cựu Bộ trưởng Bộ Khoa học Công nghệ Chu Ngọc Anh.

Điều đáng tiếc cho Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long, nếu công tác quy hoạch nhân sự cho Đại hội XIII, người đứng đầu Tiểu ban Nhân sự của Đại hội – Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng – sắp xếp nhân sự theo đúng quy định nghiêm ngặt và triệt để của các Quy định về Công tác Tổ chức, Quy hoạch Nhân sự cao cấp, thì cũng chẳng có chuyện ngày hôm nay, cựu Bộ trưởng Long đang phải đối diện với mức án tử hình (song có lẽ chỉ là án chung thân, vì kết luận điều tra của Bộ Công an đã liệt kê công trạng, thành tích, trước rồi).

Theo báo Tuổi Trẻ ngày 14/5/2020, người đứng đầu Đảng Cộng sản Việt Nam đã nhấn mạnh, “Kiên quyết không để lọt vào Ban Chấp hành Trung ương những người có biểu hiện cơ hội chính trị, tham vọng quyền lực, xu nịnh, chạy chọt, tham nhũng, quan liêu, cục bộ, vận động cá nhân, phe cánh…”

Vậy mà, có những thông tin từ giới thạo tin nói với thoibao.de, với điều kiện dấu danh tính, đã khẳng định, ông Nguyễn Thanh Long do có các “biểu hiện cơ hội chính trị, tham vọng quyền lực, xu nịnh, chạy chọt, tham nhũng…” nên ông này đã 2 lần bị gạt khỏi Ban Chấp hành Trung ương vì bất tín nhiệm. Cụ thể:

Lần thứ nhất, tại Đại hội Đảng XII ( tháng 1/2016), ngành y tế được phép đề 2 ứng cử viên tham gia Ban Chấp hành Trung ương, đó là, Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến và Thứ trưởng Nguyễn Thanh Long. Kết quả, cả hai vị đều không trúng Ủy viên Trung ương khóa XII, và ngành y tế là ngành duy nhất không có Ủy viên Trung ương tại Đại Hội XII.

Rồi sau đó, trong cuộc đua vào ghế Thứ trưởng Bộ Y tế, giữa Trương Quốc Cường và Nguyễn Thanh Long, Long đã “thất thủ”. Để rồi, vào năm 2018, Nguyễn Thanh Long được ưu ái, đưa về và bổ nhiệm chức Phó ban Tuyên giáo.

Dẫn vụ việc liên quan đến việc lựa chọn nhân sự là Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long, cũng tương tự như quy trình lựa chọn bố trí nhân sự Bộ Chính trị, để thấy:

Theo Điều lệ của Đảng Cộng sản Việt Nam năm 2006, Cơ quan Bộ Chính trị Đảng Cộng sản Việt Nam được quy định rõ, “Bộ Chính trị là cơ quan lãnh đạo và kiểm tra việc thực hiện nghị quyết Đại hội Đại biểu toàn quốc, nghị quyết của Ban Chấp hành Trung ương; quyết định những vấn đề về chủ trương, chính sách, tổ chức, cán bộ; quyết định triệu tập và chuẩn bị nội dung các kỳ họp của Ban Chấp hành Trung ương; báo cáo công việc đã yêu cầu của Ban Chấp hành Trung ương.

… những vấn đề cấp bách, đột xuất thuộc trách nhiệm của Ban Chấp hành Trung ương nhưng chưa kịp họp thì tập thể Bộ Chính trị bàn bạc quyết định và báo cáo lại Ban Chấp hành Trung ương ở kỳ họp gần nhất.

Các thành viên trong Bộ Chính trị do Ban Chấp hành Trung ương bầu ra. Bộ Chính trị gồm các ủy viên chính thức.

Trong lĩnh vực nhân sự, Bộ Chính trị có quyền quyết định hay giới thiệu nhân sự cho các chức vụ quan trọng trong bộ máy Đảng, Nhà nước và các đoàn thể, không kể các chức danh do Ban Chấp hành Trung ương hay Ban Bí thư quyết định theo phân cấp.”

Và một quy định rất quan trọng của Đảng Cộng sản Việt Nam, đó là nguyên tắc “Tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách”. Đó là nguyên tắc lãnh đạo cao nhất của Đảng Cộng sản Việt Nam, nghĩa là, “tránh tình trạng lãnh đạo tối cao độc đoán, độc tài, bởi quyền lực sẽ được san sẻ cho các cá nhân và tổ chức khác của Đảng”.

Đối chiếu với những điều kể trên, sẽ thấy, kể từ Đại hội Đảng Cộng sản Việt Nam lần thứ XII, XIII, danh sách cơ cấu các ủy viên Bộ Chính trị thường có một vài lãnh đạo từng là ủy viên Bộ Chính trị, hay các lãnh đạo khác đã từng nhúng chàm, song vẫn được cơ cấu. Đại hội XII có các ủy viên Bộ Chính trị như: Đinh La Thăng, Nguyễn Văn Bình, Hoàng Trung Hải… Còn ở Đại hội XIII, có, Trần Tuấn Anh, Phạm Bình Minh, Đinh Tiến Dũng (Bí thư Hà Nội), thậm chí cả Phạm Minh Chính (Thủ tướng Chính phủ) v.v…

Một câu hỏi đặt ra là, tại sao Tổng Bí thư Trọng, với tư cách Trưởng Tiểu ban Nhân sự, lại có lối cơ cấu vừa bừa, vừa ẩu như vậy? Phải chăng, Tổng Trọng không nắm được các thông tin sai phạm của các nhân sự vừa kể?

Xin khẳng định, Tổng Bí thư không những biết, mà thậm chí còn biết rõ hơn ai hết. Song, do nắm được các tử huyệt của tất cả các ủy viên Bộ Chính trị nói riêng, và các nhân sự lãnh đạo các cấp nói chung, nên Tổng Bí thư có toàn quyền không chế, và buộc họ phải thực hiện các yêu cầu của Tổng Bí thư ở mọi vấn đề. Đặc biệt, khi cần thông qua các nghị quyết của Bộ Chính trị, theo nguyên tắc lấy số đông, thì ý muốn của Tổng Bí thư luôn được đa số các ủy viên Bộ Chính trị ủng hộ. Vì các ủy viên Bộ Chính trị đã “nhúng chàm”, thì làm sao dám biểu quyết ngược.

Đó là lý do, nhân sự các khóa lãnh đạo gần đây, thỉnh thoảng lại có tin Ủy viên Bộ Chính trị A sắp bị xử, ít lâu sau lại có tin đồn, Ủy viên Bộ Chính trị B sắp lên thớt…, nhưng hầu hết chả thấy xử lý gì. Ủy viên Bộ Chính trị Đinh Tiến Dũng, Bí thư Hà Nội, là một dẫn chứng rõ nhất.

Quan chức, thông qua các trợ lý của mình, trước mỗi mùa nhân sự cũng kiếm được một vài mớ kha khá. Một là chạy tội cũ để không bị xử lý, hai là thừa thắng xốc tới để chạy cơ cấu tiếp, với chức vụ cao hơn trong kỳ đại hội sắp tới. Nhưng đổi lại, các vị đó luôn sống trong nơm nớp lo sợ và sẽ thực hiện mọi yêu cầu của Tổng Bí thư.

Đó là lý do: Vì sao quy hoạch nhân sự cấp cao, Tổng Bí thư Trọng thường chọn các quan chức đã nhúng chàm?

 

Vũ Anh – Thoibao.de

 

 

 

Kasse animation 7.8.2023