Trung Quốc, vừa dùng “lý tưởng Cộng sản” để dụ dỗ, vừa quân sự hóa để uy hiếp Việt Nam

Link Youtube: https://youtu.be/wxBssMPmGWc

Ngày 18/8, một trang tin quốc tế tiếng Việt có bài bình luận về việc Trung Quốc vừa dụ dỗ Việt Nam “giữ vững lý tưởng Cộng sản”, vừa quân sự hóa ở đảo Tri Tôn, đảo gần Việt Nam nhất trong quần đảo Hoàng Sa mà Trung Quốc cưỡng chiếm của Việt Nam năm 1974.

Bài báo dẫn lời ông Vương Nghị, Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc, nói với Phó Thủ tướng Việt Nam Trần Lưu Quang hôm 16/8, rằng,hai bên nên chuẩn bị cho giai đoạn tiếp theo của mối quan hệ ở tầm cao mới”.

“[Chúng ta nên] cùng bảo vệ an ninh của chế độ và thể chế, đồng thời cùng nhau duy trì tư tưởng và niềm tin của Đảng Cộng sản và các định hướng Xã hội Chủ nghĩa của Đảng.”

Bài báo dẫn nguồn tin từ Trung Quốc rằng, tại cuộc họp, ông Quang tái khẳng định “tầm quan trọng không thể so sánh được và tính chất đặc biệt” của Trung Quốc đối với Việt Nam, và rằng, mối quan hệ giữa hai bên “luôn luôn là ưu tiên hàng đầu” của Hà Nội.

“Việt Nam phản đối và cảnh giác trước các thế lực nước ngoài và sẽ tăng cường mối quan hệ cấp cao với Trung Quốc để làm sâu sắc thêm sự hợp tác thực chất trên mọi lĩnh vực,” ông Quang cho hay.

Hình: Phó Thủ tướng Việt Nam Trần Lưu Quang và Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị

Trong khi đó, bài báo cho biết, Trung Quốc đang khẩn trương tiến hành các hoạt động quân sự hóa trên đảo Tri Tôn – hòn đảo nằm ở cực tây trong quần đảo Hoàng Sa.

Chỉ trong vài tuần qua, Trung Quốc đã bắt đầu xây một công trình có vẻ là đường băng trên đảo này.

Các hình ảnh vệ tinh cho thấy, các công trình mới trong giai đoạn khởi công, nhưng tốc độ xây dựng rất gấp gáp. Đường băng này mới chỉ được xây cách đây vài tuần. Hình ảnh vệ tinh hồi giữa tháng 7 còn chưa thấy các hoạt động xây dựng này.

Ngoài đường băng, còn có một nhà máy xi măng, cũng chỉ mới xuất hiện vào tháng trước.

Theo bài báo, trước đây, tiền đồn này của Trung Quốc chỉ có một trạm quan sát với hai mái vòm và một số lá cờ của Trung Quốc. Hòn đảo này trước đây được dùng như một bến cảng nhỏ và sân bay cho trực thăng.

Bài báo nhận xét, đường băng hiện mới chỉ dài khoảng 600m, chiều rộng khoảng 10m, tức là vừa ngắn vừa hẹp. Đường băng này có thể dùng cho các cuộc hạ cánh và cất cánh ngắn của máy bay phản lực cánh quạt và máy bay hạng nhẹ.

Nó cũng có thể được dùng để triển khai các drone loại có độ cao trung bình và thời gian bay trung bình hoặc dài. Có khả năng đường băng này sẽ được tiếp tục mở rộng. Nhưng với diện tích khiêm tốn của hòn đảo, thì đường băng này khó có thể dài hơn 900m nếu không bồi đắp thêm để mở rộng hòn đảo.

Bài báo cho biết thêm, là một nhóm khoảng 30 đảo và hơn 100 rặng san hô, bãi ngầm, và các thực thể khác, quần đảo Hoàng Sa là nơi Trung Quốc tập trung tiến hành quân sự hóa trong các năm gần đây. Trung Quốc đã cho mở rộng quy mô và phạm vi của các công trình ở Hoàng Sa, nhằm tăng cường năng lực và sự hiện diện bao trùm của mình trên Biển Đông.

Bài báo nhận định, mặc dù đường băng trên đảo Tri Tôn chỉ mới ở giai đoạn đầu, nhưng quy mô xây dựng cho thấy, có khả năng sẽ còn nhiều công trình nữa, để biến nơi này thành một tiền đồn quan trọng.

Đặc biệt, việc thiết lập các hệ thống tên lửa đất đối không và đất đối đất ở đây, cùng với các thiết bị giám sát, sẽ cho phép Trung Quốc tăng cường thêm một lớp chống xâm nhập rất gần với Việt Nam.

Nguy hiểm hơn, theo bài báo, chỉ cách đất liền Việt Nam 150 dặm, quân đội Trung Quốc sẽ không chỉ có thể liên tục giám sát các hoạt động quân sự của Việt Nam, bao gồm cả các máy bay chiến đấu tầm xa, mà còn củng cố và mở rộng khả năng chống xâm nhập của mình vượt ra khỏi đảo Tri Tôn và vào lãnh thổ Việt Nam.

Thậm chí các hoạt động drone từ đảo này cũng cho phép các hệ thống giám sát tự động các hoạt động giữa đảo Tri Tôn và bờ biển Việt Nam ở phía tây và phía nam.

Xuân Hưng – thoibao.de

>>> Có bao nhiêu công an là tội phạm?

>>> Trung Quốc dụ dỗ Việt Nam cùng duy trì lý tưởng Cộng sản

>>> Bong bóng VFS vỡ chỉ sau một ngày

>>> Liệu có còn tia hy vọng nào cho Nguyễn Văn Chưởng?

Cú ngã lớn của VinFast

Kasse animation 7.8.2023