Link Video: https://youtu.be/-hdL2LFhNf0
Báo Đất Việt ngày 12/7 có bài bình luận về phiên tòa xét xử vụ “chuyến bay giải cứu”, của tác giả Xuân Vương Nghiêm.
Thoibao.de trích lược giới thiệu đến quý khán giả. Nội dung như sau:
Nhiều người quan sát phiên toà nói rằng, nếu Tô Anh Dũng này mặc áo số thì lại có một Tô Anh Dũng khác, Nguyễn Thị Hương Lan đi ăn cơm cân thì lại xuất hiện một Hương Lan khác, biết đâu lứa sau tự chuyển biến để phù hợp lại còn nguy hiểm hơn lứa trước vì họ có sự tiến hóa nhanh chóng.
Vụ “ngạo nghễ” này lúc đầu được báo chí lề phải tung hô như là một hành động nhân văn với khẩu hiệu “Không để ai bị bỏ lại phía sau”, thậm chí có người còn nổi tiếng vụ này vì câu “ngạo nghễ Việt Nam” và lúc này cũng báo chí ấy gọi tên từng bị can với thống kê các con số kinh hoàng. Trong số này không hiếm người từng nói đạo lý và gọi tên chiến dịch giải cứu là một thành công của Cục Lãnh sự với trách nhiệm bảo hộ công dân đó là cựu cục trưởng Nguyễn Thị Hương Lan.
Nhìn lại cả giai đoạn tiến hành các chuyến bay giải cứu, chúng ta cũng dễ dàng thấy số tiền mà mọi người phải bỏ ra để về nước trong dịp này mới thấy là con số khủng khiếp cỡ nào, lúc vỡ lở mới nhìn thấy bản chất của vụ việc là họ đã ăn xương máu đồng loại và đặc biệt táng tận lương tâm là kiếm ăn, tận thu, nạo vét ngay trong lúc dịch bệnh khi tất cả mọi người đều khó khăn, đôi khi còn là ranh giới giữa sự sống và cái chết.
Họ đã kiếm tiền bằng cách vô cùng mất nhân tính nhưng lại khoác lên hành động này là “nhân văn”, là “giải cứu”, là “thành công”.
54 bị can trong vụ này liệu đã đủ chưa? Tôi cho rằng chưa đủ, còn rất nhiều nhiều nữa hoặc chưa bị phát giác hoặc đã được che chắn như một số trùm cuối hiện đã hạ cánh an toàn, rất không công bằng cho 54 bị can hầu tòa hôm nay. Đọc những tin này chắc nhiều người cũng thấy mát ruột, đặc biệt là những người đã phải vật lộn mới có được tấm vé giải cứu thoát khỏi vùng dịch bệnh.
Để có thể xâu chuỗi 5 bộ và rất nhiều các phòng ban, các cục ở các bộ để ra được cái giấy phép bay là một hành động tổ chức gắn kết ở cấp rất cao, không có gì đáng nói ngoài lời khen nếu đó là một hành động thực sự mang tính bảo hộ công dân nhưng đáng buồn đây là một hành động tận dụng cơ hội dịch bệnh để kiếm tiền.
Mặc dù đại án này đã được đưa ra xét xử, một vết không son cho Bộ ngoại giao và Cục lãnh sự nơi quản lý các đại sứ quán, các lãnh sự quán ở các nước, sau một khoảng thời gian giật mình thì các cơ quan đại diện cũng đã có thay đổi chút ít cho hợp thời cuộc nhưng hiện nay lại như hòn đá ném ao bèo, đâu lại vào đấy. Đọc những bài gần đây về sứ quán Việt Nam tại Nhật, tại Malaysia, tại New Zealand, tại Pháp… thì những tấm gương của thứ trưởng Dũng, của cục trưởng Lan vẫn không là gì với họ, cỗ máy chặt chém đó vẫn hoạt động bình thường.
Vậy bao giờ mới đến ngày các sứ quán phải chấm dứt việc gây khó dễ và tham nhũng thủ tục lãnh sự? Câu hỏi này có vẻ khó trả lời vì nó phụ thuộc vào hệ thống. Nếu Tô Anh Dũng này mặc áo số thì lại có một Tô Anh Dũng khác, Nguyễn Thị Hương Lan này đi ăn cơm cân thì lại xuất hiện một Hương Lan khác, biết đâu lứa sau tự chuyển biến để phù hợp lại còn nguy hiểm hơn lứa trước vì họ có sự tiến hóa nhanh chóng. Buồn!
Tấm gương sáng ngời là cộng đồng người Việt ở Ba Lan đã tổ chức một cuộc biểu tình trước sứ quán và có kết quả rõ rệt, không riêng gì ở Ba Lan mà ở các nơi khác cũng đã có những thay đổi. Nhìn chung những chỗ có thay đổi là nơi có cộng đồng người Việt mạnh để đấu tranh hoặc có những cá nhân xuất sắc, sẵn lòng đấu tranh đến cùng, còn như ở Malaysia, Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan… chúng ta vẫn chưa nhìn thấy sự mạnh mẽ đó.
Trước khi rên xiết trước gọng kìm của sứ quán thì cũng nên nhìn nhận lại sức đấu tranh của mình, trông chờ người khác đấu tranh để mình hưởng lợi không phải là cách đúng, nó chỉ làm cho yếu hèn hơn mà thôi.
Tóm lại, chúng ta cùng chờ xem kết quả của vụ án chuyến bay giải cứu này nhưng đừng vội mừng mong những bản án thích đáng, phải chờ đến khi tiếng búa chung cuộc được gõ mới biết kết quả cuối cùng, còn với “chính sách nhân đạo”, “giơ cao đánh khẽ”, xét “công sức đóng góp”, “có nhân thân tốt”, “phạm tội lần đầu”, “có tinh thần hợp tác”, “đã nộp tiền khắc phục hậu quả”, “Có tiền sử thần kinh”, “có nhiều phiếu bé ngoan”, “được đồng nghiệp và hàng xóm đánh giá là hiền lành” vân vân và mây mây thì chưa biết chừng là có người được thả ngay tại tòa cũng nên.
Thu Phương – Thoibao.de (Tổng hợp)
>>> ĐakLak: cấp phép cho một công ty Trung Quốc đầu tư vào danh mục cấm.
>>> “Tôi đã hiểu vì sao người ta xin lỗi bác Trọng”
>>> Ông Tô Anh Dũng nộp lại 16 tỉ đồng tham nhũng
>>> “Cóc” còn nhiều nhưng ông Tô sẽ bắt được bao nhiêu?
Lộ rồi Tô Đại tướng! Đánh chuyến bay giải cứu nhưng bao che cho Thứ trưởng gốc Hưng Yên!