Link Video: https://youtu.be/eGNYA7VUmFE
BBC Tiếng Việt ngày 6/6 có bài “Đảng Cộng sản Việt Nam học gì từ các chính sách của “người đồng chí Trung Quốc”?” phỏng vấn Tiến sĩ Nguyễn Công Tùng, Nghiên cứu viên sau Tiến sĩ, Viện Nghiên cứu Chính trị thuộc Academia Sinica, Đài Loan.
Theo đó, Đảng Cộng sản Việt Nam được xem là đã và đang học theo nhiều chính sách của Trung Quốc, nhưng có sự cân nhắc, và điều chỉnh từ lợi thế quốc gia đi sau.
BBC đặt câu hỏi, hiểu được chính sách của Đảng Cộng sản Trung Quốc có thể giúp dự đoán được định hướng sắp tới của Đảng Cộng sản Việt Nam hay không?
Tiến sĩ Tùng cho rằng, giống như các nước dân chủ, các nước xã hội chủ nghĩa cũng có năng lực học tập lẫn nhau trong quá trình điều hành và quản lý đất nước, trong đó, mục tiêu cuối cùng là bảo vệ chế độ.
Đảng Cộng sản Việt Nam quả thực đã học tập rất nhiều kinh nghiệm, hoặc thậm chí là bắt chước cách làm từ Đảng Cộng sản Trung Quốc, từ phong trào Cải cách Ruộng đất tại miền Bắc vào những năm 1953 – 1956, cho đến cuộc chiến chống tham nhũng đang diễn ra hiện nay.
Tuy nhiên, Tiến sĩ Tùng cho rằng, có một số điểm đáng lưu ý ở đây:
Thứ nhất, thông thường Việt Nam sẽ quan sát và nghiên cứu kỹ những chính sách của Trung Quốc, và cân nhắc xem, liệu các chính sách đó có thể áp dụng tại Việt Nam hay không. Chính vì vậy, thông thường sau khi một chính sách đã được Trung Quốc thực thi một vài năm, thì một chính sách tương tự mới được triển khai tại Việt Nam.
Ví dụ như Cải cách Ruộng đất tại Trung Quốc được thực thi ngay sau khi Đảng Cộng sản Trung Quốc nắm quyền kiểm soát Trung Quốc vào năm 1949. Nhưng ở Việt Nam, mãi đến năm 1953 mới bắt đầu tiến hành tại miền Bắc. Chiến dịch chống tham nhũng tại Việt Nam bắt đầu từ năm 2016 – 4 năm sau khi chiến dịch “đả hổ diệt ruồi” do Tập Cận Bình khởi xướng năm 2012…
Thứ hai, do học tập kinh nghiệm hoặc bắt chước cách làm từ Trung Quốc, nhìn chung giúp Việt Nam có “lợi thế đi sau”, tránh được một số sai lầm mà Trung Quốc mắc phải. Tuy nhiên, nhiều chính sách tương tự được thực hiện Việt Nam không triệt để và quyết liệt như ở Trung Quốc.
Thứ ba, không nên cho rằng, Việt Nam bắt chước 100% các chính sách, cách làm từ Trung Quốc, bởi lẽ, nội tại hai Đảng Cộng sản cũng như bối cảnh kinh tế, văn hóa, xã hội của hai nước tồn tại rất nhiều khác biệt. Các chính sách được áp dụng tại Việt Nam thường linh hoạt và thực dụng hơn so với các chính sách tương tự tại Trung Quốc.
Tiến sĩ Tùng cho rằng, bảo vệ chế độ là mục tiêu tối thượng của cả Đảng Cộng sản Việt Nam và Đảng Cộng sản Trung Quốc. Phải nhấn mạnh rằng, việc học tập kinh nghiệm quản lý và điều hành đất nước từ Trung Quốc của phía Việt Nam là hoàn toàn tự nguyện và tự nhiên.
Đặc biệt, trong bối cảnh Đảng Cộng sản Việt Nam cho đến nay vẫn luôn đề cao cảnh giác trước âm mưu “diễn biến hòa bình” của Mỹ và các nước phương Tây, nên có thể thấy, Đảng Cộng sản Việt Nam vẫn thấy yên tâm hơn khi học tập mô hình quản trị/quản lý từ Trung Quốc.
Tiến sĩ Tùng đồng ý với nhận định rằng, Đảng Cộng sản Việt Nam vẫn “tương đối dân chủ hơn” Đảng Cộng sản Trung Quốc. Theo Tiến sĩ Tùng, điều này xuất phát từ cả nguyên nhân khách quan và chủ quan.
Thứ nhất, có sự khác biệt rất lớn về “quyền lực nhà nước“, về năng lực kiểm soát, cưỡng chế và đàn áp giữa Việt Nam và Trung Quốc. “Quyền lực nhà nước” của Việt Nam không thể sánh bằng với Trung Quốc. Đây là nguyên nhân chính dẫn đến năng lực kiểm soát xã hội của Việt Nam không được bao quát và triệt để như phía Trung Quốc. Đây cũng là nguyên nhân quan trọng nhất khiến cho Việt Nam được cho là dân chủ hơn Trung Quốc.
Thứ hai, mức độ hội nhập quốc tế của Việt Nam rất sâu rộng, với việc ký kết 15 hiệp định thương mại tự do (FTA) cả song phương và đa phương. Để được hưởng những ưu đãi khi tham gia một số FTA, Đảng Cộng sản Việt Nam đã có một số nhượng bộ nhất định, đặc biệt trong vấn đề nhân quyền, quyền lao động, nghiệp đoàn… Quá trình hội nhập quốc tế này đã vô hình chung khiến Việt Nam trở nên dân chủ hơn so với Trung Quốc.
Thứ ba, Việt Nam đã thực hiện một số cải cách chính trị trong những năm qua, cho phép dân chúng tham gia mạnh mẽ và tích cực hơn trong quá trình thảo luận và hoạch định chính sách, khiến Việt Nam dân chủ hơn Trung Quốc.
Minh Vũ – Thoibao.de (Tổng hợp)
>>> Giới lãnh đạo nhận thức tình hình Việt Nam trái ngược nhau
>>> Trở thành sĩ quan quân đội không khó nếu… chịu chi
>>> Vụ phá đập Kakhovka là tội ác chiến tranh
Việt Nam ân xá công dân Úc bị án tử hình, nhưng không ân xá tù chính trị