HRW: Việt Nam “trơ trẽn và nguỵ biện” khi trả lời thư chất vấn về nhân quyền của Liên Hợp Quốc.

Link Video: https://youtu.be/xSlr-P0a9zo

Theo thông tin mới nhất từ báo RFA ngày 30/3, Chính phủ Việt Nam đã đưa ra văn bản trả lời về Cơ chế đặc biệt của Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp quốc, phản bác cáo buộc đàn áp các hoạt động của giới hoạt động dân chủ.

Theo đó, vào ngày 24/3, Phái đoàn thường trực Việt Nam tại Liên Hợp Quốc(LHQ) đã đưa ra phản hồi chất vấn hồi tháng 11/2021 của ba Báo cáo viên đặc biệt về việc bắt giữ tùy tiện chín nhà hoạt động, bao gồm: Chung Hoàng Chương, Nguyễn Văn Nghiêm, Lê Văn Dũng, Đinh Thị Thu Thuỷ, Đỗ Nam Trung, Đinh Văn Hải, Lê Trọng Hùng, Trần Quốc Khánh, và Lê Chí Thành.

Trong số này có 8 người đang ở tù, riêng ông Chương đã thi hành xong án tù 18 tháng từ giữa năm 2021.

Hà Nội nói việc bắt giữ và kết án họ đều tuân thủ pháp luật Việt Nam và các cam kết quốc tế về nhân quyền.

Tuy nhiên, Phó Giám đốc Phân ban Á châu của HRW, ông Phil Robertson, cho rằng phản hồi của Chính phủ Việt Nam là “trơ trẽn“. Ông cho rằng Việt Nam vi phạm các cam kết của mình về nhân quyền nhưng lại viết phản hồi như thể họ tuân thủ. HRW cũng cho rằng Việt Nam không thể che giấu các vi phạm nhân quyền của mình bằng cách đưa ra các câu trả lời “dối trá và nguỵ biện rằng đang hoạt động trong khuôn khổ luật pháp của mình”.

Các nguồn tin cho biết các thành viên của nhóm nhà hoạt động bị bắt giữ tùy tiện chỉ vì việc thực hiện quyền tự do biểu đạt và bị giam giữ trong thời gian dài mà không được tiếp xúc với gia đình hoặc luật sư. Thông tin này đã đưa ra sau khi ba Báo cáo viên đặc biệt của LHQ nêu ra các thắc mắc liên quan đến các vụ bắt giữ đó.

Việt Nam nói rằng, nhằm “bảo vệ bí mật điều tra” trong các vụ án liên quan đến an ninh quốc gia nên từ chối cho người bị tạm giam gặp Luật sư và thân nhân gia đình.

Hình: Bài trên RFA

Ông Chung Hoàng Chương nói với báo RFA sau khi mãn hạn tù vào 7/2021 rằng, trong khi hỏi cung, công an không cho ông cơ hội giải thích, và cường điệu quá mức khi thẩm định các bài viết của ông, còn toà án thù cắt ngang khi ông đang nói.

Ông Chương cũng nói thêm rằng Ông bị hạn chế gặp vợ trong thời gian tạm giam, không được nhận thuốc gia đình gửi vào và cũng không được điều trị dù bị bệnh tim. Thêm nữa, dù có thị lực kém và cần phải đeo kính nhưng trại tạm giam không cho ông sử dụng kính, kể cả kính gọng nhựa.

Trong một thư chung ngày 21/11/2021 gởi Chính phủ Việt Nam, các báo cáo viên đặc biệt của LHQ đã thể hiện sự lo lắng sâu sắc về việc chính quyền đã vi phạm một cách có hệ thống các quyền cơ bản của con người.

Các báo cáo viên của LHQ cũng nhấn mạnh về “những điều khoản mơ hồ của Bộ luật Hình sự” và cho rằng chúng không phù hợp với các nghĩa vụ của Việt Nam theo luật nhân quyền quốc tế. Đặc biệt, họ đã đề cập đến hai điều khoản của Bộ luật Hình sự, gồm “phát tán tài liệu nhằm chống Nhà nước” (Điều 117) và “lợi dụng quyền tự do dân chủ” (Điều 331), được dùng để chống lại những cá nhân chỉ đơn giản thực hành quyền tự do biểu đạt và truyền đạt thông tin.

Tuy nhiên, Chính phủ Việt Nam đã khẳng định rằng Điều 117 của Bộ luật Hình sự năm 2015 là tương thích với Khoản 3, Điều 19 của Công ước Quốc tế về Quyền Dân sự và Chính trị (ICCPR) mà Việt Nam đã ký kết. Chính phủ Việt Nam đã trích dẫn ICCPR để bảo vệ cho việc giới hạn quyền tự do biểu đạt trong việc bảo vệ các quyền và uy tín của người khác, bảo vệ an ninh quốc gia hoặc trật tự công cộng, sức khỏe hoặc đạo đức của xã hội. Ngoài ra, Chính phủ Việt Nam cũng cho rằng, Điều 117 của Bộ luật Hình sự xác định ranh giới rõ trong việc xác định tội phạm và chỉ xử lý hành vi tuyên truyền thông tin, tài liệu xuyên tạc, bịa đặt, sai sự thật nhằm chống nhà nước.

Trong thư chung, các báo cáo viên đặc biệt cũng bày tỏ sự lo ngại về việc một số nhà hoạt động bị bắt giữ liên quan đến cuộc bầu cử Quốc Hội Việt Nam 2021.

Trong 9 người được nhắc tên ở trên, hai ông Lê Trọng Hùng và Trần Quốc Khánh bị bắt giữ vào tháng 3/2021 sau khi công bố ý định tham gia tranh cử vào quốc hội trong vai trò là ứng cử viên độc lập trong cuộc bầu cử này.

Chính phủ Việt Nam phản hồi rằng, ông Khánh không nộp hồ sơ ứng cử còn hồ sơ của ông Hùng bị loại bởi quy trình bầu cử chặt chẽ.

Bà Đỗ Lê Na, vợ của ông Lê Trọng Hùng, người nộp hồ sơ ứng cử đại biểu quốc hội ở khu vực Hà Nội, nói với RFA rằng chính quyền đã gây rất nhiều khó khăn cho chồng bà trong việc đăng ký ứng cử trước khi lực lượng an ninh bắt giữ ông.

Quang Minh – Thoibao.de (Tổng hợp)

>>> Hòa bình kiểu Trung Hoa gây hại cho thế giới

>>> “Dám nghĩ, dám làm” – con dao hai lưỡi của giới lãnh đạo

>>> Phải chăng Ukraine bắt đầu phản công?

>>> Sa lầy ở Ukraine, Putin còn có thể trụ được bao lâu?

Đề xuất miễn kỷ luật cán bộ “dám nghĩ, dám làm” sẽ tạo kẽ hở cho tham nhũng


Kasse animation 7.8.2023