Bầu không khí trước chuyến thăm của Thủ tướng Đức Olaf Scholz tới Hà Nội

Tổng bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng (trái) và Thủ tướng Đức Olaf Scholz ( phải)

Ngày 13/11, Thủ tướng CHLB Đức Olaf Scholz sẽ công du Việt Nam. Vẫn còn phải chờ xem liệu sẽ có kết quả cụ thể trong chuyến đi hay không.

Trọng tâm của chuyến đi là quan hệ đối tác chiến lược giữa Đức và Việt Nam, đã có từ năm 2011. Chuyến thăm và làm việc của Thủ tướng Liên bang Olaf Scholz mang đến cơ hội phục hồi và làm sâu sắc hơn quan hệ đối tác. Ngoài việc đa dạng hóa các mối quan hệ kinh tế và hợp tác về bảo vệ khí hậu và năng lượng, cũng sẽ có những vấn đề chính trị lớn.

Bầu không khí trong tâm điểm của chuyến thăm

Ông Franziska Brantner, Nghị sĩ Quốc hội, Quốc vụ khanh trong Bộ Kinh tế và Bảo vệ khí hậu liên bang cùng với đại diện của mười hai công ty thương mại Đức (bao gồm cả Cảng Hamburg) và hai chục nhà báo sẽ tháp tùng Thủ tướng trong chuyến đi tới Việt Nam. Ngoài cuộc gặp với Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam (ĐCSVN) Nguyễn Phú Trọng, còn có cuộc trao đổi song phương với Thủ tướng Việt Nam Phạm Minh Chính. Thủ tướng Phạm Minh Chính sẽ tổ chức chiêu đãi để vinh danh Scholz. Vẫn còn phải chờ xem, liệu ngoài bầu không  khí thân thiện, sẽ có kết quả cụ thể nào trong chuyến đi hay không. Các tuyên bố về ý định làm sâu sắc hơn quan hệ đối tác trong các lĩnh vực chính sách khí hậu và chuyển đổi năng lượng cũng như chính sách an ninh và quốc phòng đã sẵn sàng được ký kết. Phía Việt Nam cũng quan tâm đến thỏa thuận về đào tạo và tuyển dụng lao động và công nhân lành nghề của Việt Nam.

Đa dạng hóa các mối quan hệ là một mục tiêu của Quan điểm Ấn Độ – Thái Bình Dương

Thủ tướng sẽ ở thủ đô Việt Nam trong vòng chưa đầy 24 giờ. Vào sáng sớm ngày hôm sau, ông sẽ đến Singapore để tham dự Hội nghị châu Á-Thái Bình Dương lần thứ 17 của doanh nghiệp Đức, trước khi tiếp tục tham dự hội nghị thượng đỉnh G-20 ở Bali. Do đó, chuyến đi của Scholz tới Đông Nam Á bổ sung cho chuyến đi của ông tới Bắc Kinh và nhằm nhấn mạnh cách tiếp cận của ông về cái mà ông mô tả là “đa dạng hóa thông minh”, vốn được đặc trưng bởi “Phán đoán phù hợp và chủ nghĩa thực dụng” và phản đối “tách rời” với Trung Quốc. Quan điểm Ấn Độ – Thái Bình Dương được Chính phủ Liên bang dưới sự lãnh đạo của Thủ tướng Angela Merkel khi đó công bố vào tháng 9 năm 2020 đã có sự đa dạng hóa theo chủ đề và địa lý trong các mối quan hệ của Đức như một yêu cầu nhằm tránh bị phụ thuộc đơn phương và kết nối mạnh hơn với các nước mới nổi mà ông Scholz gọi là „Trung tâm quyền lực của ngày mai“. Trong báo cáo tiến độ của chính phủ liên bang về các hướng dẫn vào tháng 9 năm 2022, Việt Nam được quan tâm trong “Đối tác chuyển đổi năng lượng chính đáng” và tăng cường các dự án bảo vệ môi trường và khí hậu.

Việt Nam là “trung tâm quyền lực của ngày mai” và thụ hưởng “China Plus 1”

Với gần 100 triệu dân, nhà nước độc đảng cộng sản Việt Nam là một trong những nền kinh tế phát triển nhanh nhất trên thế giới và là đối tác thương mại quan trọng nhất của Đức ở Đông Nam Á. Việc mở rộng chiến lược hợp tác hiện có trong các lĩnh vực thương mại, đầu tư và phát triển không thể chỉ giới hạn ở các nền dân chủ và các đối tác giá trị. Việt Nam là thành viên của hơn một chục hiệp định thương mại tự do khu vực hoặc song phương. Vào tháng 8 năm 2020, hiệp định thương mại tự do EVFTA giữa EU và Việt Nam có hiệu lực. Thỏa thuận bảo hộ đầu tư đang trong quá trình phê chuẩn. Trong quá trình đa dạng hóa chuỗi cung ứng, Việt Nam được hưởng lợi từ chiến lược “China Plus 1” được nhiều công ty nước ngoài theo đuổi, dẫn đến sự gia tăng đáng kể đầu tư trực tiếp của nước ngoài – bao gồm cả Đức – vào Việt Nam. Chuyến thăm của Thủ tướng cùng với đoàn doanh nghiệp có thể tạo thêm động lực quan trọng.

Đối tác chiến lược, nhưng không phải là không có cản trở

Việc Scholz đến thăm Việt Nam với tư cách là quốc gia châu Á thứ ba sau Nhật Bản và Trung Quốc là minh chứng cho tầm quan trọng ngày càng tăng của quốc gia mới nổi đang phát triển này. Năm 2011, Angela Merkel và Thủ tướng Việt Nam khi đó đã khởi động quan hệ đối tác chiến lược tại Hà Nội. Các mối quan hệ không phải là không có bất đồng. Bên cạnh những lời chỉ trích về tình hình nhân quyền, vụ bắt cóc ông Trịnh Xuân Thanh ở Tiergarten Berlin năm 2017 cũng khiến các mối quan hệ căng thẳng. Quan điểm của Việt Nam trong cuộc chiến Ukraine cũng dẫn đến một số thất vọng. Việc Việt Nam bỏ phiếu trắng tại Đại hội đồng LHQ đối với các nghị quyết lên án cuộc chiến tranh xâm lược của Nga đã làm dấy lên nghi ngờ về sự ủng hộ của Hà Nội đối với trật tự quốc tế dựa trên luật lệ và chủ nghĩa đa phương.

Chuyến thăm ngắn hạn như một cơ hội

Chuyến thăm và làm việc sắp tới của Thủ tướng Liên bang Olaf Scholz tới Việt Nam mang đến cơ hội phục hồi và làm sâu sắc hơn quan hệ đối tác chiến lược với Đức. Ngoài việc đa dạng hóa các mối quan hệ kinh tế và hợp tác về bảo vệ khí hậu và năng lượng, cũng sẽ có những vấn đề chính trị lớn. “Phán đoán phù hợp và chủ nghĩa thực dụng” (Scholz) trong tình hình thế giới đang thay đổi là những chuẩn mực tốt để định hình quan hệ song phương.

Thu Phương – Thoibao.de biên dịch

https://www.kas.de/de/kurzum/detail/-/content/bundeskanzler-olaf-scholz-reist-nach-hanoi

 

Kasse animation 7.8.2023