Link Video: https://youtu.be/AEz0uVB8dHk
Công ty mẹ của Facebook cho biết hôm 9/11 rằng họ đã bỏ chặn từ khoá tìm kiếm về đầu bếp nổi tiếng Nusret Gokce với tên gọi thân mật là ‘vua rắc muối’ sau khi phát hiện ra rằng cụm từ ‘#saltbae’ bị chặn trên toàn cầu chỉ vài ngày sau khi một video cho thấy đầu bếp này đưa một miếng thịt bò dát vàng vào miệng một quan chức cấp cao của Đảng Cộng sản Việt Nam tại London, theo Reuters.
“Chúng tôi đã bỏ chặn hashtag (từ khoá được tìm kiếm) này trên Facebook và chúng tôi đang điều tra tại sao nó bị chặn,” một người phát ngôn cho công ty điều hành Facebook, Meta, nói với Reuters và khẳng định rằng từ khoá đã bị chặn đối với tất cả những người dùng Facebook trên toàn thế giới chứ không chỉ ở Việt Nam.
Dòng thông báo trên Facebook khi người dùng tìm hashtag ‘#saltbae’ cho biết hashtag này bị tạm khoá vì nội dung không phù hợp với quy tắc cộng đồng của Facebook.
Vào tuần trước, một video được lan truyền trên mạng cho thấy Bộ trưởng Công an Tô Lâm được ‘thánh rắc muối’ Gokce đút cho ăn một miếng thịt bò dát vàng tại một nhà hàng ở London, nơi phục vụ loại đặc sản này với giá lên tới hơn 1,000 USD.
Tuy nhiên video, ban đầu được đăng tải trên trang TikTok chính thức của đầu bếp người Thổ Nhĩ Kỳ, đã khiến công chúng Việt Nam phẫn nộ.
Video dù đã được đầu bếp Salt Bae gỡ khỏi Tik Tok cá nhân nhưng vẫn được lan truyền rộng rãi trên Facebook bởi người dùng ở Việt Nam và được nhiều trang báo quốc tế đăng lại.
Người dùng mạng đặt ra những câu hỏi về sự “xa xỉ” của một quan chức cấp cao của Đảng trong khi người dân có mức thu nhập thấp và quốc gia Đông Nam Á đang tiến hành chiến dịch chống tham nhũng.
Trong thời gian đó, ông Lâm đang ở Anh cùng các quan chức cấp cao khác của Việt Nam để tham dự hội nghị thượng đỉnh về khí hậu của Liên Hợp Quốc (COP26) ở Glasgow.
Theo báo Công an Nhân dân, ông Lâm đã tới thăm khu mộ Karl Marx, người được xem là ‘ông tổ’ của chủ nghĩa Cộng sản, tại nghĩa trang Highgate của London nhằm “củng cố niềm tin của toàn Đảng, toàn dân về con đường tất yếu, khách quan đi lên chủ nghĩa xã hội.”
Báo chí chính thống do nhà nước quản lý của Việt Nam không ghi nhận hay phản ứng gì về thông tin việc Bộ trưởng Lâm được phục vụ bò dát vàng 24 karat ở nhà hàng Anh.
Không rõ bữa ăn của Bộ trưởng Lâm và một số quan chức, gồm cả chánh văn phòng kiêm người phát ngôn Bộ Công an Tô Ân Xô được thấy ngồi cạnh ông Lâm trong video, do ai trả tiền.
Bộ trưởng Lâm không trả lời cuộc gọi yêu cầu bình luận của VOA. Bộ Ngoại giao Việt Nam cũng không hồi âm yêu cầu bình luận của Đài tiếng nói Hoa Kỳ.
Việt Nam được xếp vào nhóm các nước có mức thu nhập trung bình thấp, và theo số liệu của Tổng cục Thống kê Việt Nam vào năm ngoái, người dân trong nước có thu nhập hàng tháng khoảng 184 USD.
Một số người xem tin và video trên Facebook của RFA đã tỏ ra bất bình khi ông Bộ trưởng ăn một bữa ăn có giá trung bình khoảng 1.960 đô la vào khi nhiều người dân ở Việt Nam đang chịu nhiều khó khăn, thậm chí thiếu ăn do dịch bệnh COVID-19, đặc biệt là khi mức lương trung bình của một Bộ trưởng ở Việt Nam chỉ khoảng 700 đô la một tháng.
Bộ trưởng Lâm là một trong những quan chức quyền lực hàng đầu ở Việt Nam. Bộ của ông quản lý công an và những cơ quan được giao nhiệm vụ điều tra chống tham nhũng cũng như trấn áp những nhà bất đồng chính kiến.
Facebook nằm trong số các công ty truyền thông xã hội hoạt động tại Việt Nam và thường xuyên bị chính quyền Hà Nội yêu cầu kiểm duyệt nội dung mà họ cho là “chống phá nhà nước.”
Mạng xã hội lớn nhất thế giới này đã tăng cường kiểm duyệt nhiều hơn các đăng tải của người dùng Việt Nam vào năm ngoái sau khi người đứng đầu công ty, Mark Zuckerberg, đích thân quyết định tuân theo yêu cầu của chính phủ Việt Nam để đảm bảo lợi nhuận tại một trong những thị trường lớn nhất châu Á.
Facebook vào năm ngoái nói rằng họ bị Việt Nam gây áp lực phải tuân theo yêu cầu kiểm duyệt và chặn các nội dung mà chính phủ cho là “xấu độc” nếu không muốn bị ngừng dịch vụ ở đây.
Hồi đầu năm nay, Reuters cho biết Facebook đã gỡ bỏ một số tài khoản Facebook được xác định là các dư luận viên của Chính phủ chuyên phối hợp báo cáo tập thể các nội dung trên mạng xã hội này.
Chính phủ Việt Nam thường xuyên yêu cầu các công ty nước ngoài hoạt động ở Việt Nam kiểm duyệt nội dung và gỡ bỏ các nội dung bị cho là chỉ trích chính quyền.
Hồi năm ngoái, Chính phủ Việt Nam còn doạ sẽ đóng Facebook ở Việt Nam nếu công ty không chịu gỡ bỏ thêm các dung chính trị.
Theo Reuters, Chính phủ Việt Nam có một đội ngũ dư luận viên hùng hậu, được coi là lớn nhất và phức tạp nhất ở khu vực Đông Nam Á.
Cũng về bữa tiệc bò dát vàng rắc muối của ông Tô Lâm, trên FB cá nhân, tác giả Thái Hạo có bài bình luận như sau:
Bữa tiệc đầu tiên
Từ vụ “rắc muối”, nhớ đến một chuyện xưa cũ, đó là năm thứ nhất đại học. Sau buổi đại hội, tôi “được” các bạn bầu làm bí thư của lớp. Đại hội, tất nhiên rồi, thành công tốt đẹp.
Chúng tôi được dắt đến một nhà hàng. Tôi từ nông thôn lên thành phố đi học, cái nhà hàng và bữa tiệc như thế khá xa lạ với tôi. Tôi áng chừng, với đồ ăn, bia bọt… như thế bữa tiệc này có thể bằng mấy tháng tiền cha mẹ chu cấp cho mình ở thời điểm đó. Lúc ấy, tôi ngồi cạnh một anh năm 4 là bí thư liên chi đoàn. Tôi hỏi anh “Mình đi nhậu thế này, là tiền ai?”, anh ấy trả lời “Tiền quỹ đoàn”.
Sau này, vì cứ thắc mắc mãi trong lòng, tôi mang chuyện này hỏi thầy tôi, rằng tại sao “cán bộ” đi nhậu mà lại dùng tiền quỹ của đoàn viên đóng góp, tiền ấy đáng ra phải được sử dụng vào những việc công và hữu ích chứ…”. Thầy tôi nói một câu dường như rất lạc đề: “Em là người chưa tha hóa”.
Lúc ấy tôi không hiểu, mãi về sau mới dần dần cảm nhận được ẩn ý của thầy khi đã nhìn thấy, đọc thấy, nghe thấy đủ nhiều.
Chính cái “bữa tiệc đầu tiên ấy” đã ở lại mãi trong tâm trí tôi, nó khiến tôi nhìn và luôn nhìn vào cái cách tổ chức, cách vận hành và cách xài tiền công, về cả căn bệnh “vua tập thể”, nó dẫn tôi đến ngó sâu hơn vào cả nạn tham nhũng, tệ mua quan bán tước, ăn trên ngồi trước…
Viết đến đây bỗng nhớ bài thơ “Sở kiến hành” (Những điều trông thấy lúc đi đường) của Nguyễn Du, miêu tả hai hình ảnh trái ngược của quan và dân:
“Thức ăn thừa đổ đi
Chó no ngấy món ngon,
Biết đâu bên đường quan,
Có mẹ con cực khổ!”
Đến nay, những hình ảnh như thế dường như càng được tô đậm hơn bởi những bất công oan nghiệt giữa thế kỷ 21 này.
Tiêu tiền của người khác dĩ nhiên là không thể chấp nhận được rồi, điều ấy không cần phải bàn nữa; nhưng hoang phí tiền bạc của chính mình cũng vẫn là một điều tệ hại.
Tôi không khuyến khích sự khổ hạnh, nhưng có những giá trị phổ quát mà cả nhân loại thừa nhận và nỗ lực giữ gìn, xiển dương, như là đức khiêm cung, là sự tiết độ. Xã hội chỉ lành mạnh khi con người sống lành mạnh và giàu có về tâm hồn.
Từ những bữa tiệc cò con ở cấp thôn xã lên tiệc sang của cấp huyện tỉnh, rồi đại yến… Nó không phải chỉ đơn thuần là câu chuyện lãng phí hay tiêu tiền chùa. Sự hưởng thụ vật chất vô độ chỉ chứng tỏ một tinh thần nghèo nàn thảm hại. Sự trống rỗng của cái đầu và trái tim phải được bù đắp bằng sự đầy ắp của cái bụng và cái hậu môn.
Hoang phí bằng lối sống xa hoa phè phỡn là biểu hiện của sự tha hóa nhân tính. Đối với một triều đại thì đó là dấu hiệu của suy tàn và diệt vong.” Tác giả Thái Hạo nêu quan điểm.
Hoàng Lan – Thoibao.de (Tổng hợp)
>>> Biển Đông: ExxonMobil rút khỏi dự án Cá Voi Xanh ‘sẽ không chỉ có tác động kinh tế’
>>> “Tô Lâm” và “bò dát vàng”: Dân Việt đổ xô tìm kiếm trên Google
>>> Trường đại học Anh có nên đổi tên trường vì “món quà” của nữ tỷ phú Việt?
HRW kêu gọi Mỹ gây sức ép với Việt Nam tại đối thoại nhân quyền
Cách cài vượt tường lửa miễn phí:
Điện thoại di động (mobile phone) = https://bit.ly/2QCRpE7
Trình duyệt (browser) = https://bit.ly/3hKTidT