Dân phản đối đảng làm sai có được lắng nghe hay bị bỏ tù?

Link Video: https://youtu.be/AMAjkKfWYAE

“Tôi bị chỉ trích hàng ngày và nhờ đó nước Mỹ lớn mạnh” đó là phát biểu của Tổng thống Mỹ Barack Obama trước hàng nghìn cử toạ tại Hà Nội sáng ngày 24/5/2016.

Nay dường như Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng cũng có quan điểm tương tự với tổng thống Obama khi phát biểu rằng “Nếu Đảng làm sai dân phải phản đối để xử lý những anh làm sai!”.

Lúc đương thời, chủ tịch Hồ Chí Minh cũng từng nói: “Nhân dân có quyền đôn đốc và phê bình Chính phủ. Nếu Chính phủ làm hại dân thì dân có quyền đuổi Chính phủ. Từ Chủ tịch nước đến giao thông viên cũng vậy, nếu không làm được việc cho dân, thì dân không cần đến nữa“.

Quyền “đuổi Chính phủ” này cũng được hiểu là quyền của người dân – “ông chủ” “đuổi đầy tớ”. Nhưng từ “thời dân chủ cộng hòa” từ năm 1945 đến nay, đã bảy mươi lăm năm qua, người dân vẫn chưa biết “đuổi đầy tớ” bằng cách nào, khi “đầy tớ” “không làm được việc cho dân”. Chính vì thế mà các nhà hoạt động bày tỏ ý kiến nghi ngờ thiện chí của ông TBT Nguyễn Phú Trọng.

Ông Nguyễn Phú Trọng khi tiếp xúc cử tri các quận trung tâm thủ đô Hà Nội hôm 12/10 cho rằng, dân được giám sát hoạt động của Đảng, của Chính phủ, của Quốc hội và của cả hệ thống chính trị.

Nếu làm đúng thì dân ủng hộ, nếu làm sai thì có những cái góp ý kiến, nếu làm hư hỏng thì dân phải phản đối để xử lý những anh làm sai, làm hỏng đi.

Liệu dân có ‘dám’ đóng góp ý kiến cho Đảng, khi đã từng có nhiều người bị tù tội chỉ vì công khái phê phán Đảng? Bác sĩ Đinh Đức Long, một đảng viên ĐCSVN đã từ bỏ Đảng, khi trả lời RFA từ Sài Gòn hôm 13/10, nhận định:

Ông Trọng là nhà chính trị lão luyện, câu nói của ổng rất khôn ngoan. Tôi nghe nó phảng phất như ngày xưa bên Trung Quốc có trăm hoa đua nở thời Mao Trạch Đông, sau đó đến thời Đặng Tiểu Bình có bức tường dân chủ Bắc Kinh… cho mọi người góp ý phê phán, nhưng sau đó những người phê phán thường bị bắt hết.

Đó là một cái kế để xem ai phản đối, nguy hiểm thì ổng phát hiện được và bắt.

Thứ hai là ngay trong nội bộ Đảng, rất nhiều người làm sai phải sợ, vì ổng có lý do để trừng trị.

Nói về lịch sử ĐCSVN, ngay từ thời ông Hồ Chí Minh còn sống có Luật sư Nguyễn Mạnh Tường góp ý sau cải cách ruộng đất thì bị cách hết chức vụ, bị gạt ra ngoài lề xã hội, cuộc sống bị đảo lộn, gần như đi tù tại gia, con cái không thể xin việc.

Mời người ta góp ý xong thì bị đối xử như thế. Còn thời gần đây có tướng Trần Độ góp ý xong đến chết còn không yên.”

Ảnh: hồi tháng 8/2002, tại đám tang Tướng Trần Độ, Đại tướng Võ Nguyên Giáp có gửi vòng hoa ghi rằng: Vô Cùng Thương Tiếc Trung tướng Trần Độ, dưới đề Đại tướng Võ Nguyên Giáp, thì lập tức bị các nhân viên an ninh bắt ghi lại là “Ông Võ Nguyên Giáp viếng ông Trần Độ” thì mới cho đăng ký vào phúng viếng. Lý do là ông Trần Độ từng đề nghị đa đảng.

Cũng tại buổi tiếp xúc cử tri Hà Nội, Tổng Bí thư Đảng CSVN Nguyễn Phú Trọng còn bày tỏ hy vọng cử tri sẽ tiếp tục giám sát, theo dõi, góp ý kiến phản ánh kịp thời như thời gian vừa qua để có thể giữ vững cơ đồ Đảng.

Ông Lê Văn Cuông, nguyên Phó đoàn Đại biểu quốc hội tỉnh Thanh Hóa khi trả lời RFA cho rằng, những ý kiến, quan điểm khác nhau là bình thường… đó là phản biện xã hội của một cơ chế dân chủ.

Theo ông Cuông, đa số nhân dân góp ý mang tính chất xây dựng rất tốt và Đảng rất trân trọng.

Tuy vậy, ông Cuông cũng cho rằng bên cạnh đó có những ‘thế lực thù địch’ luôn có ý đồ không tốt với chế độ cũng như với Đảng. Ông Cuông nói tiếp:

“Thông qua ý kiến của người dân thì Đảng mới nắm bắt được tâm tư, nguyện vọng, kiến nghị của dân.

Trong cương lĩnh cũng như trong chương trình hành động phải gắn với tiếng nói của nhân dân.

Mục đích cuối cùng của Đảng là phục vụ nhân dân, cho nên giữa Đảng với dân phải có sự gắn bó mật thiết.

Đảng lấy dân làm gốc để xây dựng chính sách phục vụ nhân dân.”

Tuy nhiên theo Bác sĩ Đinh Đức Long, ông Trọng nói như vậy với tư cách là một Đại biểu Quốc hội, với tư cách là Tổng Bí thư đứng đầu Đảng, nhưng Đảng CSVN không có luật về đảng, thì không có cơ sở pháp lý để người dân góp ý.

Ông Long nói tiếp:

Ông Trọng từng nói những người đòi đa nguyên đa đảng, đòi tam quyền phân lập, đòi phi chính trị hóa lực lượng vũ trang là những kẻ bất hảo… nhưng ngay ông bạn vàng bốn tốt của ổng là Trung Quốc, tuy độc tài nhưng có 9 đảng, vậy những kẻ đó là bất hảo sao ông toàn chơi với bất hảo?

Ảnh: TBT Nguyễn Phú Trọng và Chủ tịch TQ Tập Cận Bình.

Đảng này hiện nay hoạt động ngoài vùng pháp luật, không có luật. Mà theo như ông Trọng nói thì cương lĩnh của Đảng đứng trên Hiến pháp, không có luật thì người dân góp ý trên cơ sở nào?

Vậy nói Đảng sai hay Đảng đúng thì phải theo luật chứ… hay theo cảm tính của ông Trọng, thích thì bảo đúng, không thích thì bảo sai… Những điều ông Trọng nói đều không có cơ sơ pháp lý nào, vì không nói theo quan điểm luật pháp để mà có thể thực hiện được.

Hay người góp ý sẽ không bị trừng trị nếu như ông Trọng muốn.”

Mặc dù người đứng đầu Đảng Cộng sản khuyến khích người dân góp ý kiến, thậm chí là chỉ trích những việc làm mà chính quyền cho là sai trái, tuy nhiên nhiều năm qua, chính quyền đã bắt giam hàng trăm người dân với cáo buộc chống phá Nhà nước, trong khi họ chỉ lên tiếng vì dân, vì nước.

Điển hình như trường hợp nhà báo Nguyễn Tường Thụy – Phó chủ tịch Hội Nhà báo Độc lập Việt Nam, ông Lê Hữu Minh Tuấn – Thư ký của hội đều bị bắt vào năm 2020; hay ông Phạm Chí Dũng Chủ tịch hội Nhà báo Độc lập bị bắt năm 2019; nhà báo Phạm Đoan Trang bị bắt vào ngày 6 tháng 10 năm 2020…

Theo Thống kê của tổ chức Người bảo vệ Nhân quyền – Defend the Defenders, số tù nhân lương tâm hiện bị giam giữ có thể lên đến hơn 260 người.

Nhà báo độc lập Nguyễn Ngọc Già, một cựu tù nhân quyền, khi trả lời RFA hôm 13/10, cho biết ý kiến của mình:

Thông qua câu nói của ông Trọng, tôi thấy thứ nhất là về Hiến pháp đã được quy định tại điều bốn là Đảng CSVN gắn bó mật thiết với dân, phục vụ nhân dân, chịu trách nhiệm trước nhân dân, chịu sự giám sát của nhân dân.

Còn về luật pháp thì nó cũng có các văn bản pháp luật, cho tới luật hình sự… đều quy định những gì sai trái đều phải được xử lý. Về quy định khác của Đảng CSVN thì cương lĩnh, điều lệ cũng đã quy định những điều đảng viên không được làm…

Như vậy căn cứ vào những điều này thì cũng đã đủ xử lý những đảng viên làm sai gây hại cho dân cho nước.

Chứ không cần phải như ông Trọng nói ‘Nếu Đảng làm sai dân phải phản đối để xử lý những anh làm sai!’…”

Nhà báo Nguyễn Ngọc Già cho rằng phát ngôn vừa qua của ông Nguyễn Phú Trọng thứ nhất là sai trái, thứ hai là nó mang tính chất kích động, xúi dục người dân vi phạm Hiến pháp pháp luật, và vi phạm luôn những cương lĩnh của Đảng CSVN.

Ảnh: một số tù nhân lương tâm bị bắt giam gần đây, tất cả đều là các nhà báo tự do lên tiếng phản biện chính sách của Đảng CSVN

Ông Nguyễn Ngọc Già nêu dẫn chứng:

Giả sử một người dân nào đó đi phản đối chung chung như vậy, thì rất là dễ dàng bị quy vào tội tuyên truyền chống Nhà nước và bị bắt kết án.

Lúc đó ông Nguyễn Phú Trọng có chịu trách nhiệm hay không?

Thêm nữa, phát ngôn này chứng tỏ ông Nguyễn Phú Trọng với tư cách là Tổng Bí thư đứng đầu Đảng CSVN mà còn không dám chỉ ra người làm sai, ổng chỉ nói chung chung vậy thôi… thì tại sao lại đi xúi người dân làm chuyện mơ hồ như vậy.

Như vậy tôi cho rằng ông Trọng đang có dấu hiện tự diễn biến tự chuyển hóa. Một biểu hiện mà Bộ Chính trị của Đảng CSVN luôn luôn kêu gọi cảnh giác.

Ngoài ra Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc cũng từng nói ‘dân chủ tào lao thì đất nước sẽ loạn’… Thì tôi cho rằng câu nói của ông Trọng đúng là dân chủ tào lao.”

Tóm lại, theo nhà báo Nguyễn Ngọc Già, phát ngôn của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng vừa vi phạm về mặt đảng, tức cương lĩnh, điều lệ, những điều đảng viên không được làm… vừa vi hiến, vi phạm pháp luật.

Nhà báo Nguyễn Ngọc Già cho rằng, đã đến lúc Bộ Chính trị cần phải coi lại phẩm giá, cũng như cách làm việc của ông Nguyễn Phú Trọng trong tư cách là người đứng đầu Đảng CSVN.

Quyền con người không phải là mối đe doạ, mà là nền tảng cho sự phát triển – Tổng thống Mỹ Barack Obama phát biểu trước hàng nghìn cử toạ tại Hà Nội sáng ngày 24/5/2016.

Chúng tôi vẫn có vấn đề và vẫn bị chỉ trích; tôi cam đoan với các bạn, tôi nghe những lời chỉ trích đó hàng ngày.

Nhưng chính sức ép đó, những tranh luận mở đó, việc đối mặt với những khiếm khuyết của chính mình, và việc cho phép mọi người đều được có tiếng nói, đã giúp chúng tôi lớn mạnh hơn, thịnh vượng hơn, và công bình hơn.

Tôi đã nói từ lâu, nước Mỹ không có ý định áp đặt thể chế chính trị của mình lên Việt Nam. Nhưng những quyền mà tôi nói ở đây, tôi tin nó không chỉ là giá trị của Mỹ mà là những giá trị có tính toàn cầu. Nó được ghi nhận trong Tuyên Ngôn Nhân Quyền Phổ Quát. Những quyền này còn được ghi nhận trong chính Hiến pháp của Việt Nam rằng công dân có quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, quyền tiếp cận thông tin, quyền hội họp, quyền tụ tập và quyền biểu tình. Những điều đó nằm trong chính Hiến pháp của Việt Nam!”

Tổng thống Obama phát biểu trước người dân Việt nam hôm 24/5/2016 tại Hà nội như vậy.

Ảnh: Bộ trưởng Trương Minh Tuấn, tác giả của quyển sách “phòng, chống tự diễn biến tự chuyển hóa…trong cán bộ đảng viên” đã bị đi tù vì nhận hối lộ và tham nhũng

Thu Thủy – Thoibao.de (tổng hợp)

>>> Vụ 39 xác lạnh được dựng phim, Anh Quốc muốn vả vào mặt Đảng Cộng sản Việt Nam?

>>> Bất ngờ: Bí thư Nguyễn Văn Nên ‘tiết lộ’ về giai đoạn Sài Gòn khó khăn nhất

>>> Vụ giết đàn chó ở Cà Mau: dư luận lên án, chính quyền nói ‘làm đúng’

“Quân đội Vương Bài”: Đảng Cộng sản Việt Nam đã bị Trung Quốc cho mắc lỡm như thế nào?


Cách cài vượt tường lửa miễn phí:

Điện thoại di động (mobile phone) = https://bit.ly/2QCRpE7

Trình duyệt (browser) = https://bit.ly/3hKTidT


Kasse animation 7.8.2023