Chống quan chức suy thoái và nguy cơ “quyền lực tuyệt đối”

Link Video: https://youtu.be/jhOU1InwbOc

“Mọi quyền lực đều có xu hướng tha hoá; quyền lực tuyệt đối thì tha hoá tuyệt đối.” Câu nói của sử gia Lord Acton từ thế kỷ 19 đến nay vẫn hoàn toàn chính xác, nhất là đối với các thể chế độc tài Cộng sản. Lord Acton cho rằng những kẻ độc tài ban đầu vẫn có bản chất tốt, tuy nhiên chính bởi vì quyền lực không bị kiểm soát đã dẫn đến sự độc đoán chuyên quyền và tha hóa đạo đức.

Ở Việt nam, tình hình suy thoái về tư tưởng và đạo đức của các quan chức chế độ nghiêm trọng đến mức khiến cho việc theo đuổi tập trung quyền lực để “ngăn chặn, đẩy lùi” đang gây ra nguy cơ tuyệt đối hoá quyền lực Đảng.

Từ ngày 4 đến 7/10/2021 các lãnh đạo cao cấp nhất của Đảng Cộng sản Việt Nam tụ họp về Hà Nội dự Hội nghị Trung ương 4 khoá 13 để tiếp tục nâng cấp các Nghị quyết về củng cố Đảng nhằm ngăn chặn và đẩy lùi tình hình suy thoái về “tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống” của cán bộ, đảng viên.

Sự suy thoái này là quá trình thay đổi phức tạp chịu sự tác động của nhiều yếu tố, nhìn bề ngoài được biểu hiện qua hành vi cá nhân các quan chức, nhưng thực chất là sự tha hoá quyền lực khi thiếu cơ chế kiểm soát phù hợp với thực tế.

Ảnh: hôm 30-9, 11 tướng lĩnh Cảnh sát biển đã bị kỷ luật vì suy thoái đạo đức, nhận hối lộ, tiếp tay cho buôn lậu…

Đặc điểm của sự tha hoá được nhà báo Huy Đức, tác giả của cuốn “Bên thắng cuộc”, mô tả trên Facebook cá nhân qua “Ba thế hệ” (2018).

Quá trình này trải dài qua ba thế hệ lãnh đạo và trở nên ngày càng nghiêm trọng khi kinh tế chuyển đổi sang thị trường.

Ba thế hệ đó là: Thế hệ các bậc “công thần khai chế độ“, Thế hệ được lựa chọn “kế tục sự nghiệp” và Thế hệ “thứ Ba”, bao trùm quá trình hơn một phần ba thế kỷ chuyển đổi kinh tế sang thị trường.

Theo đó, Thế hệ thứ nhất bị “quăng quật” bởi các biến cố lịch sử cách mạng, nhưng “tham vọng của họ không tủn mủn như vàng bạc hay chức tước cho vợ con.

Họ biết chuẩn bị một thế hệ kế tục “con đường” của mình”.

Thế hệ thứ hai “kế tục sự nghiệp” có nguồn gốc trí thức, cầm quyền khi mô hình Liên Xô sụp đổ, cố tự giải phóng khỏi “sự cầm tù giáo điều, nghiêng về kỹ trị hơn là chính trị, không hẳn liêm khiết, nhưng “khí chất kẻ sỹ vẫn giúp họ đặt khát vọng quốc gia, dân tộc cao hơn lợi ích cá nhân.”

Thế hệ thứ Ba “cầm quyền vào thời điểm quyền lực rất có màu”, với “hai nhiệm kỳ gần như nằm trong tay” nguyên Thủ tướng Dũng, đó là “những người tôn thờ tiền bạc nhất lại rất giỏi nói những lời có cánh về “định hướng”, những người có khí chất, “còn chút lòng với đất nước” bị đẩy vào nhóm thiểu số.

Thế hệ này “không chỉ tự tha hoá mình về mặt con người, mà còn làm vô hiệu các nỗ lực cải cách thể chế của những người tiền nhiệm.”

Và, để tránh sự sụp đổ chế độ, Đảng đã tập trung hoá quyền lực thông qua một cuộc chiến phức tạp, liên tục “không điểm dừng”, khốc liệt “không vùng cấm”, quyết liệt “bằng mọi giá” để hy vọng làm “trong sạch” nội bộ Đảng.

Cuộc chiến này phức tạp vì “ta đánh ta”, đã kéo dài khoảng 10 năm, được Đảng tiến hành từ cuối năm 2011 tại Hội nghị Trung ương 4 khoá 11, theo đó  Nghị quyết “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay” được ban hành.

Việc thực hiện Nghị quyết này đã không “suôn sẻ” với trường hợp “không thể kỷ luật” nguyên thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tại Hội nghị Trung ương 6 khoá 11.

Lỗi hệ thống” đã bộc lộ khi Bộ Chính trị đề xuất kỷ luật ông Dũng về trách nhiệm cá nhân quản lý yếu kém nền kinh tế, nhưng không nhận được sự đồng thuận của Ban Chấp hành Trung ương.

Ảnh: một số người cho rằng thủ tướng Phan Văn Khải là một nhà kỹ trị. Thời ông làm thủ tướng đã khai sinh ra Luật doanh nghiệp và đơn giản hóa quy trình đăng ký kinh doanh, tạo tiền đề cho hàng trăm ngàn doanh nghiệp xuất hiện trong nền kinh tế Việt nam hiện nay

Tương quan quyền lực trong Ban Chấp hành Trung ương đã nghiêng về “phe Chính phủ”.

Đây là lý do dẫn đến việc Bộ Chính trị quyết định thành lập “Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng” trực thuộc Bộ Chính trị, do Tổng Bí thư làm Trưởng ban; đồng thời tái lập Ban Nội chính Trung ương, làm cơ quan thường trực.

Những thay đổi quy định về ứng cử, kỷ luật đảng đã giúp ông Nguyễn Phú Trọng tiếp tục làm Tổng Bí thư nhiệm kỳ thứ hai, như trường hợp “đặc biệt” tại Đại hội 12 năm 2016, mặc dù quá giới hạn tuổi.

Tuy nhiên, dàn lãnh đạo của nhiệm kỳ 12 này, thực ra, vẫn là kết quả của sự phân chia quyền lực theo đồng thuận của lãnh đạo khoá trước, nghĩa là vẫn còn lãnh đạo từng suy thoái nhưng chưa “bị lộ”.

Đây là lý do để Ban Chấp hành Trung ương khoá 12 tiếp tục ra Nghị quyết Trung ương 4 năm 2016 “Về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hoá” trong nội bộ.”

Cuộc chiến chống tham nhũng trở nên khốc liệt, “không vùng cấm”. Nhiều quy định của Đảng được sửa đổi hoặc ban hành hướng đến tập trung quyền lực cao hơn cho Bộ Chính trị và người đứng đầu.

Mới đây, ngày 16/9/2021, Bộ Chính trị ban hành quyết định bổ sung chức năng, nhiệm vụ phòng, chống tiêu cực cho Ban Chỉ đạo.

Ảnh: các lãnh đạo cao nhất của Đảng và nhà nước Việt nam hiện nay

Các cơ quan Nội chính như Uỷ ban Kiểm tra Trung ương, Ban Nội chính, Bộ Công an, Viện Kiểm sát, Toà án, Thanh tra, Kiểm toán… được huy động cho công tác này.

Trong năm năm (2016-2021) thực hiện Nghị quyết 4 khóa 12 về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng, đã có 87.210 đảng viên và 1.329 tổ chức đảng bị thi hành kỷ luật, trong đó 2.209 người vì lý do tham nhũng, gồm 113 lãnh đạo, kể cả bốn Uỷ viên Bộ Chính trị, do Trung ương quản lý, và hơn 25 nghìn người bị kỷ luật vì suy thoái, “tự diễn biến”, “tự chuyển hoá”….

Đại hội 13 đầu năm 2021 được cho là “thành công”. Thêm một lần nữa, ông Nguyễn Phú Trọng với tư cách “trường hợp đặc biệt” để vượt quy định giới hạn 2 nhiệm kỳ, để giữ chức Tổng Bí thư.

Trong phát biểu khai mạc Hội nghị Trung ương 4 khóa 13 ngày 4/10/2021 ông nhận định rằng mặc dù có “chuyển biến”, tình trạng  suy thoái “vẫn chưa được ngăn chặn, đẩy lùi một cách căn bản, thậm chí có mặt còn diễn biến tinh vi, phức tạp hơn, có thể gây ra những hậu quả khôn lường.”

Tiếp tục theo đuổi quyền lực để quyết liệt phòng chống các quan chức suy thoái dường như đang gây ra xu hướng tuyệt đối hoá quyền lực Đảng, vì vậy ẩn chứa nguy cơ tha hoá.

Lord Acton (1834 – 1902), nhà sử học người Anh từng viết rằng những người bị tha hóa bởi quá trình cai trị đồng loại của họ không phải là xấu xa bẩm sinh.

Ảnh: Bộ trưởng Trương Minh Tuấn, tác giả của quyển sách “phòng, chống tự diễn biến tự chuyển hóa…trong cán bộ đảng viên” đã bị đi tù vì nhận hối lộ và tham nhũng

Họ bắt đầu như những người đàn ông trung thực. Động cơ của ông ta khi muốn chỉ đạo hành động của người khác có thể hoàn toàn là yêu nước và vị tha, có thể chỉ ước “làm điều tốt cho người dân”, kể cả việc ông ta ban hành hay bãi bỏ các quy tắc hay hoạt động nào đó đều hướng đến mục đích buộc tất cả những người khác phải tuân theo ý tưởng về những gì được cho là tốt đối với họ.

Ngoài ra, nếu có quyền lực tuyệt đối nghĩa là ông ta có thể toàn quyền hành động trong một phạm vi lãnh thổ, không bị hạn chế bởi sự giám sát hoặc kiểm tra và, nếu nắm quyền đủ lâu, thì ông ta dễ bị ngộ nhận rằng quyền lực và trí tuệ là cùng một thứ, ông ta có sức mạnh nghĩa là “anh minh”.

Đó là lúc ông ta bắt đầu mất khả năng phân biệt đâu là đúng về mặt đạo đức, và đâu là đúng về mặt chính trị.

Hơn thế, quyền lực còn thổi phồng bản ngã, tạo ảo tưởng nó có sức mạnh không giới hạn, từ đó, có thể dẫn đến hành động sai lầm như áp đặt ý chí lên người khác một cách độc đoán, huỷ hoại quyền con người.

Mọi quyền lực đều có xu hướng tha hoá; quyền lực tuyệt đối thì tha hoá tuyệt đối.” Câu nói này Lord Acton đã trở nên nổi tiếng để cảnh báo và ngăn ngừa nguy cơ.

Xu hướng tuyệt đối hoá quyền lực liệu cản trở cải cách đến đâu và như thế nào vẫn là câu hỏi mở.

Nhà báo Huy Đức mong muốn có một “thể chế dân tin” để kiểm soát những kẻ tha hoá thay vì “chỉ sợ một người”. Tuy nhiên, đây là vấn đề phức tạp nên cần được tiếp tục thảo luận.

Lan Anh – Thoibao.de (Tổng hợp)

>>> Trung ương 4 có tạo đà để thay đổi thể chế?

>>> Công an chích điện người bị tạm giữ:  “hù doạ” hay “tra tấn”?

>>> Đảng ngồi máy lạnh họp Trung ương – Dân bồng bế nhau vượt đèo trong nước mắt

Đổ tội người cắt ghép đoạn ghi âm Đại tá Đinh Văn Nơi là vu khống?


Cách cài vượt tường lửa miễn phí:

Điện thoại di động (mobile phone) = https://bit.ly/2QCRpE7

Trình duyệt (browser) = https://bit.ly/3hKTidT


Kasse animation 7.8.2023