Sao có thể nói ‘mỗi trường học là một pháo đài chống dịch’?

Link Video: https://youtu.be/r5M9fx_zhbs

“Mỗi trường học là một pháo đài chống dịch; mỗi giáo viên, giảng viên, nhân viên, học sinh, sinh viên là một chiến sĩ để chung sức, đồng lòng thi đua phòng, chống và chiến thắng đại dịch Covid-19.”

Đó là phát biểu của Bộ trưởng Bộ Giáo dục Đào tạo – Nguyễn Kim Sơn khi khởi động phong trào thi đua nhân khai giảng năm học 2021-2022 vào ngày 1/9.

Những ngày sau đó, dư luận mạng xã hội đã bàn tán rất nhiều về phát biểu của Bộ trưởng Giáo Dục- Đào Tạo ‘mỗi trường học là một pháo đài chống dịch’… Thậm chí có người còn phản ứng cho rằng, chẳng lẽ Bộ trưởng muốn đưa các em học sinh lên tuyến đầu chống dịch.

Chị Huỳnh Hằng, một phụ huynh hiện sống ở Đà Nẵng, khi trao đổi với RFA hôm 7/9, nói:

Tướng lĩnh, binh hùng còn chưa chống lại đại dịch, nghĩa lý gì các em học sinh… đúng không? Những lời nói như rập khuôn từ một lập trình đã soạn sẵn, nếu dịch COVID-19 chưa ổn thì tất cả học sinh cần được ở nhà để an toàn, chúng ta đang cần một Bộ trưởng cầu thị, biết lắng nghe, nhưng rốt cuộc toàn sáo rỗng.”

Tuy nhiên cũng có nhiều phụ huynh khác nhận định trên trang cá nhân của mình rằng đây có thể chỉ là cách nói cường điệu của vị Bộ trưởng Giáo dục.

Khi nói mỗi trường học, mỗi cơ sở giáo dục là một ‘pháo đài chống dịch’… ông Bộ trưởng Bộ Giáo dục Đào tạo – Nguyễn Kim Sơn cho rằng, tập thể lãnh đạo nhà trường chủ động xây dựng kế hoạch nhằm ứng phó với dịch bệnh và hoàn thành các nhiệm vụ năm học 2021-2022.

Bộ trưởng Bộ Giáo dục Đào tạo – Nguyễn Kim Sơn

Thầy Đỗ Việt Khoa, giáo viên trường Trung học Phổ thông Thường Tín – Hà Nội, nhận định với RFA hôm 7/9:

Các lãnh đạo Việt Nam hay nói địa phương này, kia là pháo đài chống dịch, rồi giờ Bộ trưởng Giáo dục lại nói mỗi trường học là pháo đài chống dịch… theo tôi, các câu có tính chất khẩu hiệu này các đồng chí lãnh đạo không nên nói nữa. Bởi vì bây giờ nó không thiêng, chúng ta chỉ nên dùng những từ dân dã thôi. Ví dụ có thể nói các trường học phải lên kế hoạch phòng chống dịch cho tốt, chứ dùng những câu kia khiến mạng xã hội phân tích, nó không hay. Tuy nhiên nếu nói nghiêm túc, việc chống dịch trước hết là của các cơ quan chức năng, còn người dân thì tuân thủ các biện pháp chống dịch… Riêng học sinh mà nói đưa lên làm nhiệm vụ tuyến đầu, là pháo đài chống dịch thì không phù hợp các em. Thay vào đó phải nói các em thực hiện biện pháp 5K để phòng chống dịch cho tốt… Nói dân dã nhưng đúng bản chất thì hay hơn là dùng từ pháo đài chống dịch.”

Tất nhiên, nếu ông Bộ trưởng chỉ nói các trường nên chuẩn bị tốt các điều kiện cơ sở vật chất, nhân sự… để hạn chế tối đa tác động tiêu cực của dịch bệnh và sẵn sàng chuyển trạng thái hoạt động sang trực tuyến nếu tình hình dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp hơn… thì chắc hẳn ai cũng ủng hộ.

Trước đó, Bộ Giáo dục – Đào tạo Việt Nam đưa ra khung thời gian khai giảng năm học 2021-2022, sớm nhất là ngày 23/8 các địa phương có thể cho học sinh lớp 1 tựu trường, các khối lớp còn lại là 1/9… Tuy nhiên nhiều ý kiến cho rằng, với tình hình dịch bệnh hiện nay thì nên lùi thời điểm khai giảng năm học mới.

Liên quan vấn đề này, Thầy Đỗ Việt Khoa nhận định:

Nếu khai giảng online như Hà Nội vừa rồi và học online luôn thì cũng được, tình thế phải làm vậy, chứ dạy học tập trung từ bây giờ thì phải căn cứ vào từng địa phương. Nếu địa phương nào 15 ngày không có dịch thì khai giảng truyền thống cũng được, còn lại địa phương nào có dịch mà làm như thế thì rất nguy hiểm. Các địa phương phải lưu ý cái này, vừa rồi chúng ta đã trả giá đắt vụ tổ chức 30/4 ở Sài Gòn, rồi tổ chức thi tốt nghiệp ở một số địa phương đang có dịch… đã gây ảnh hưởng, làm dịch bùng phát… phải rút kinh nghiệm.”

Trong khi đó, một phụ huynh ở Thành phố Hồ Chí Minh, không muốn nêu tên cho biết, việc khai giảng năm học mới nên lùi lại vài tuần:

Thành phố thì đang giãn cách xã hội, ngành y tế thì đang gồng mình chống dịch, theo ý kiến cá nhân tôi, việc lùi ngày khai giảng vài tuần cũng khá là hợp lý.”

Sở dĩ có ý kiến này vì tại tâm dịch TPHCM, Ủy ban Nhân dân thành phố đã có quyết định cho các trường tiểu học bắt đầu năm học mới từ ngày 8/9 với việc tổ chức lớp và củng cố kiến thức và đến ngày 20/9 học qua internet. Tuy nhiên, nhiều phụ huynh tại TPHCM có con vào lớp 1 niên học 2021-2022 khi trao đổi với phóng viên RFA TV bày tỏ lo ngại việc học online sẽ bị phá hỏng, vì kỹ năng tiếp thu qua máy tính của các bé lớp Một chưa có, do đây là lứa tuổi lo chơi hơn học.

Trở lại với cách nói của Bộ trưởng Bộ Giáo dục Đào tạo – Nguyễn Kim Sơn rằng ‘mỗi trường học là một pháo đài chống dịch’…. Phó Giáo sư, Tiến sĩ Hoàng Dũng, một chuyên gia về ngôn ngữ học, hiện đang giảng dạy tại trường Đại học Sư phạm TP.HCM, khi trao đổi với RFA tối 7/9, giải thích:

Ngôn ngữ phản ánh tư duy, mà VN thì có một lịch sử chiến tranh có thể nói là nặng nề và kéo dài hơn nhiều nước khác. Do đó thì cái tư duy nhìn mọi việc theo kiểu chiến tranh nó lan vào ngôn ngữ bình thường, ngôn ngữ hàng ngày. Và cái đó không chỉ riêng giáo dục, ông Thủ tướng nói chống dịch như chống giặc, sinh viên mùa hè đi giúp dân thì gọi là chiến dịch mùa hè xanh… rồi người ta hay nói mấy ông bộ trưởng là Tư lệnh ngành… những cách nói theo kiểu quân đội, theo kiểu chiến tranh đấy đầy rẫy trong cách ăn cách nói của người Việt nói chung, chứ không chỉ ông Bộ trưởng giáo dục. Thành ra có thể nói chiến tranh chưa ra khỏi đầu óc của người Việt. Cho nên khi người ta phản ứng nói không lẽ giáo dục cũng đưa chiến tranh vào, thì phản ứng đó lành mạnh. Là vì người ta thấy đã đến lúc nên chia tay với tư duy chiến tranh đó.”

Tuy nhiên, Phó Giáo sư – Tiến sĩ Hoàng Dũng không tin rằng, những phản ứng đó có đủ sức làm thay đổi ngay được cách ăn, cách nói kiểu quân đội như thế. Bởi vì ngôn ngữ mà muốn thay đổi thì con số hàng chục năm đã là quá ngắn và phải lâu lắm mới thay đổi được.

Ngun: https://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/minister-nguyen-kim-son-every-school-is-a-fortress-against-the-epidemic-09072021134824.html

Kasse animation 7.8.2023